5/5 - (2 bình chọn)

Hẹp niệu đạo là một căn bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm mà bệnh nhân điều trị không đúng và dứt điểm hay sau một chấn thương hệ niệu. Hẹp niệu đạo không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn làm rối loạn chức năng liên quan nếu không được điều trị kịp thời.

Vậy hẹp niệu đạo ở nam giới là bệnh lý như thế nào? Bài viết dưới đây của ICondom sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề trên.

Hẹp niệu đạo ở nam giới là gì?

Ở nam giới, niệu đạo có nhiệm vụ bài tiết nước tiểu và xuất tinh. Ở điều kiện bình thường, niệu đạo có đủ độ rộng để bài tiết nước tiểu hoặc tinh dịch ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bên trong niệu đạo xuất hiện các sẹo xơ hoặc bị viêm nhiễm sẽ khiến cho diện tích bên trong niệu đạo bị thu hẹp, gây khó khăn trong việc bài tiết nước tiểu và tinh dịch. 

Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo ở nam giới


Có rất nhiều nguyên nhân gây hẹp niệu đạo ở nam giới, một số có thể kể đến như:

– Một số nam giới bị mắc bệnh lý hẹp niệu đạo bẩm sinh do cấu trúc niệu đạo bất thường.

– Nam giới bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục do vi khuẩn và nấm nhưng không được điều trị dứt điểm khiến các vi khuẩn còn lưu trú lại trong đường niệu đạo tiếp tục phát triển và gây bệnh dẫn đến xơ sẹo làm hẹp đường niệu đạo. 

– Bị hẹp niệu đạo do thực hiện các phẫu thuật. Một số tiểu phẫu được thực hiện tại niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt như: loại bỏ sỏi niệu đạo, u xơ tuyến tiền liệt… Nếu không được điều trị cẩm thận có thể gây tổn thương, để lại sẹo và dẫn tới hẹp niệu đạo.

– Những người bị viêm bao quy đầu mãn tính có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm lan rộng và gây hẹp niệu đạo. Nam giới mắc bệnh dài bao quy đầu, hẹp bao quy đầu là đối tượng dễ mắc bệnh viêm bao quy đầu. Chính vì vậy, những đối tượng này nên tới bệnh viện để thực hiện cắt bao quy đầu.

– Lao thận, lao bàng quang là hai bệnh lý cực kỳ nguy hiểm cũng có thể gây nên tình trạng xơ hóa và hẹp niệu đạo.

Biểu hiện của bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới

Bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới bao gồm những dấu hiệu sau đây:

– Khó khăn khi bắt đầu đi tiểu, đau khi đi tiểu, bí tiểu khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.

– Dòng chảy yếu, tiểu nhỏ giọt, có thể bắn thành tia nhỏ.

– Tiểu không tự chủ, tiểu són, tiểu dắt, phải đi tiểu nhiều lần cảm giác tiểu không hết. Trong một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến bội nhiễm làm hẹp hoàn toàn niệu đạo gây trướng bàng quang, khiến người bệnh cảm thấy ách tức bàng quang và cần đi tiểu ngay.

– Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu.

– Nước tiểu và tinh dịch có lẫn máu.

– Giảm lực xuất tinh.


– Đau xương chậu và vùng bụng dưới kéo dài.

Điều trị hẹp niệu đạo ở nam giới như thế nào?


Tùy theo mức độ nguy hiểm của bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau, người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp như:

– Nong niệu đạo: Phương pháp này được thực hiện bằng việc gây tê tại chỗ, sau đó sử dụng các que nong để làm rộng niệu đạo. Đoạn hẹp có thể nong bằng một bóng đặc biệt ở trên ống thông. Phương pháp này không điều trị triệt để được bệnh hẹp niệu đạo, việc thực hiện có thể gây đau đớn, nhiễm trùng và chảy máu.

– Xẻ niệu đạo: Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng một ống soi có thiết kế đặc biệt để đưa vào đoạn hẹp của niệu đạo. Sau đó dùng một lưỡi dao hoặc sợi laser để cắt bỏ đoạn hẹp. Đặt một ống thông vào niệu đạo trong cho đến khi vết thương lành lại. Sau một thời gian theo lịch hẹn của bác sĩ bạn có thể đến để rút ống thông ra.

– Đặt stent niệu đạo: Đây là phương pháp đặt một stent kim loại vào niệu đạo bằng ống soi. Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng được phương pháp này.

– Tạo hình niệu đạo: Với phương pháp này người bệnh phải thực hiện 1 đến 2 lần mổ để tạo hình cho niệu đạo.

Việc lựa chọn phương pháp nào còn phụ thuộc vào tình trạng hẹp niệu đạo của người bệnh, điều kiện kĩ thuật của bệnh viện và trình độ của bác sĩ. Vì bệnh hẹp niệu đạo có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng đến sinh lý của nam giới, thậm chí là vô sinh. Do đó bạn nên đi khám và điều trị bệnh kịp thời, tránh việc chần chừ khiến bệnh ngày càng nguy hiểm.