5/5 - (2 bình chọn)

Ho là phản xạ thường gặp nhằm loại bỏ các tác nhân có hại xâm nhập qua mũi hoặc miệng vào đường hô hấp hấp. Tuy nhiên, ho có đờm có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm. Việc ho có đờm kéo dài làm ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, tìm hiểu về ho có đờm và các cách chữa ho có đờm là rất quan trọng

Ho có đờm là gì?

Đờm là hỗn hợp chất dịch (gồm có chất nhầy, bạch cầu mủ, hồng cầu, các tác nhân khác) được tiết ra từ phế nang, phế quản, các hốc mũi, xoang trán và họng…Ho có đờm là khi ho có kèm theo khạc đờm (có thể nhiều hoặc ít, lỏng, sánh hoặc đặc).

Ho có đờm thường gặp trong các bệnh lý đường hô hấp thường gặp như viêm mũi, viêm họng, viêm phổi…Tuy nhiên, một số trường hợp ho có đờm kéo dài lâu ngày có thể là triệu chứng của các bệnh nguy hiểm như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi hay thậm chí là ung thư phổi.

Cách chữa ho có đờm bằng thuốc Tây y

Ho giúp cơ thể đào thải đờm và các tác nhân có hại xâm nhập vào đường hô hấp nên các thuốc giảm ho thường không được chỉ định trong trường hợp ho có đờm. Thay vào đó, các thuốc có tác dụng long đờm hoặc tiêu đờm sẽ có hiệu quả hơn trong việc giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, làm sạch đường hô hấp.

Thuốc long đờm:

– Các thuốc long đờm thường được sử dụng trong điều trị ho có đờm bao gồm: terpin, ipeca, guaifenesin, ammoni clorid,…

– Thuốc long đờm có tác dụng giúp cơ thể tăng bài tiết chất nhầy, làm loãng đờm, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp và loại bỏ các tác nhân gây bệnh dễ dàng hơn nhờ phản xạ ho.

Thuốc tiêu đờm:

– Các thuốc tiêu đờm thường được sử dụng bao gồm: bromhexin, ambroxol, carbocistein, acetylcystein, erdostein,…

 – Thuốc tiêu đờm giúp tạo điều kiện thuận lợi để đẩy đờm ra ngoài nhờ khả năng làm giảm độ quánh của đờm ở phổi.

 Lưu ý, khi sử dụng các thuốc Tây y trong điều trị ho có đờm cần có sự chỉ định và tư vấn từ bác sĩ. Các thuốc này cũng được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi do các tác dụng phụ không mong muốn có thể cao hơn lợi ích khi sử dụng thuốc. Một số tác dụng phụ không mong muốn thường gặp là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, phát ban.

Cách chữa ho có đờm bằng các mẹo đơn giản

Thay vì sử dụng các loại thuốc Tây y cấp tính, ta có thể áp dụng một số nguyên liệu sẵn có tại nhà sau đây để hạn chế tiết đờm, làm loãng đờm, dễ khạc đờm ra ngoài hơn:

Nước muối

  • Nước muối có tác dụng loại bỏ các vi khuẩn, chống viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng giúp cơ thể hạn chế tiết thêm đờm.
  • Sử dụng nước muối để giảm ho có đờm rất đơn giản, chỉ cần hòa một chút muối vào một cốc nước với tỉ lệ ½ thìa cà phê trong 250ml nước ấm và súc miệng nhiều lần mỗi 1 – 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra, súc miệng liên tục bằng nước muối cũng giúp làm dịu cảm giác ngứa, khô rát cổ họng thường đi kèm trong các bệnh lý đường hô hấp.

Chanh

  • Chanh có tác dụng làm dứt các cơn ho và tiêu đờm rất tốt. Ngoài ra, hàm lượng lớn vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Mỗi sáng thức dậy uống một ly nước chanh ấm kết hợp với mật ong hoặc muối giúp loại bỏ đờm nhanh chóng. Nếu có đờm trong cổ họng, ngậm một lát chanh mỏng chấm muối 2 – 3 lần mỗi ngày sẽ đem lại kết quả rất tốt.

Mật ong

  • Mật ong có tính sát trùng, kháng khuẩn, kháng vi-rút cao giúp chống lại và loại bỏ các tác nhân gây ra đờm, làm dịu cổ họng.
  • Pha mật ong với nước ấm uống mỗi sáng sẽ giúp giảm rõ rệt lượng đờm được tiết ra, đặc biệt hiệu đối với các trường hợp viêm họng do vi khuẩn tấn công.

Ngoài các mẹo trên, các cách chữa ho có đờm đơn giản như xông hơi, uống nhiều nước để làm loãng đờm, dễ khạc đờm ra ra ngoài cũng được áp dụng rất hiệu quả.

Trong trường hợp tình trạng ho có đờm kéo dài từ 1 tuần trở lên hoặc đi kèm với các triệu chứng như đau đầu dai dẳng, sốt cao, phát ban người bệnh cần đi khám và tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ.

Cách phòng ngừa ho có đờm

Cách chữa ho có đờm hiệu quả nhất chính là phòng ngừa. Ho có đờm là triệu chứng của các bệnh lý đường hô hấp, chính vì vậy, phòng ngừa các bệnh này cũng chính là phòng ngừa ho có đờm.

Để không bị ho có đờm, cần chú ý các điều sau:

  • Rèn luyện thể chất, tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch các loại vi khuẩn, bệnh tật.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Nếu bắt buộc phải hoạt động trong môi trường này, cần sử dụng các biện pháp bảo hộ, cách ly (ví dụ như đeo khẩu trang).
  • Không sử dụng hoặc hạn chế tối đa thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
  • Xây dựng một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, lành mạnh, khoa học. Chú ý bổ sung đầy đủ nước và rau xanh.