Thời gian gần đây, các bệnh viện lớn liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh hoại tử chỏm xương đùi nguy hiểm, phải phẫu thuật thay khớp háng. Đặc biệt, các ca bệnh được ghi nhận cho thấy hoại tử chỏm xương đùi đang có dấu hiệu trẻ hóa, ảnh hưởng đến nhiều nam giới, nhất là nam giới thường xuyên dùng rượu bia, thuốc lá.
Hoại tử chỏm xương đùi là gì?
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng một bộ phận cấu thành của khớp háng bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Lúc đầu, vùng hoại tử chỉ là vùng thưa xương, các ổ khuyết xương gây đau đớn. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì sẽ dần dẫn đến gãy xương dưới sụn và giai đoạn cuối cùng là xẹp chỏm xương đùi, khiến người bệnh không còn chức năng bình thường của khớp háng mà trở nên khó di chuyển, tàn phế.
Hoại tử xương chỏm đùi là tình trạng xương bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng
Tương tự như nhiều chứng bệnh xương khớp khác, hoại tử xương chỏm đùi thường diễn biến âm thầm, từ từ. Cho đến khi người bệnh cảm nhận được các cơn đau ở khớp háng bị bệnh thì nghĩa là bệnh đã chuyển sang giai đoạn trung bình trở lên. Một số người bệnh còn không có triệu chứng đầu tiên là đau ở khớp háng bị bệnh mà là cảm giác đau khớp gối cùng bên với phần khớp háng bị tổn thương.
Do đó, nếu không đi khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp thì dễ bị chẩn đoán nhầm là thoái hóa khớp gối hay bệnh lý khớp gối khác mà bỏ qua việc chẩn đoán và điều trị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn sớm.
Nguyên nhân gây bệnh hoại tử chỏm xương đùi
Phần lớn bệnh nhân hoại tử xương chậu, hoại tử chỏm xương đùi là nam giới, chiếm tới 80%. Tuổi trung bình của người bệnh là 40 – 50 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh đang dần trẻ hóa và xuất hiện ở cả nhóm thanh niên mới bước sang tuổi 30.
Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi sớm ở người trẻ là do lạm dụng rượu bia, hút quá nhiều thuốc lá. Khi vào cơ thể, rượu và thuốc lá có thể làm tổn thương, gây tắc các mao mạch nuôi dưỡng xương ở chỏm đùi, dẫn đến các tế bào xương – sụn ở vùng chỏm bị thiếu máu và dần hoại tử.
Thuốc lá có thể làm tổn thương xương, gây hoại tử xương chỏm đùi
Ngoài ra, bệnh cũng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như: người bệnh từng bị chấn thương tại vùng khớp háng (trật khớp háng hoặc gãy cổ xương đùi); người mắc bệnh lý tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ…); người thuộc nhóm bệnh khí ép, dồn nén khí đường thở (thợ lặn, công nhân làm hầm mỏ); người đã ghép tạng, mắc bệnh lý tăng động, tắc mạch tự phát, tiểu đường, lạm dụng thuốc có thành phần corticoid….
Cách nhận diện bệnh hoại tử chỏm xương đùi
Hoại tử chỏm xương đùi rất nguy hiểm nhưng bệnh thường diễn biến khá chậm, trong thời gian dài. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần nhận diện bệnh hoại tử chỏm xương đùi sớm và tiến hành điều trị tích cực, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Cụ thể, người bệnh nên nghĩ đến hoại tử chỏm xương đùi khi thấy mình thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh trên. Đồng thời, nên theo dõi biểu hiện cơ thể xem có các dấu hiệu như:
– Đau khớp háng 1 bên hay 2 bên, đặc biệt khi ngồi xổm, xoay trong xoay ngoài khớp háng, dạng khép khớp háng.
– Cơn đau khớp háng mang tính cơ học, tức là đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm đi khi nghỉ ngơi.
– Có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm thấy bất kỳ bất thường nào tại khớp gối.
Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu này thì người bệnh cần đến bệnh viện lớn có chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán sớm và hỗ trợ kịp thời. Hiện các bác sĩ đã có thể xác định nhanh chóng, chính xác bệnh hoại tử xương chỏm đùi bằng cách cho bệnh nhân chụp X-quang khung chậu, kết hợp với chụp cộng hưởng từ khớp háng.
Các biện pháp chữa trị bệnh hoại tử xương chỏm đùi
Căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, lứa tuổi, giới tính, lối sống và yêu cầu của người bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi phù hợp. Các phương pháp này đang được chia thành 2 hình thức điều trị chính là không phẫu thuật và phẫu thuật:
– Điều trị hoại tử xương chỏm đùi không phẫu thuật:
Có thể dùng thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid để điều trị hoại tử xương chỏm đùi (ảnh minh họa)
Khi đã bị chẩn đoán hoại tử xương chỏm đùi mà không muốn phẫu thuật hoặc giai đoạn bệnh chưa cần phẫu thuật thì người bệnh có thể chủ động kiểm soát các yếu tố khiến bệnh tăng nặng như rượu, thuốc lá và hoạt động bơi lặn. Đồng thời, cần giảm trọng lượng tỳ đè lên khớp háng và dùng các loại thuốc trị hoại tử xương, nhất là thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid.
– Điều trị hoại tử xương chỏm đùi bằng phẫu thuật:
Bên cạnh dùng thuốc chữa bệnh hoại tử thì người bệnh có thể phẫu thuật với mục đích bảo vệ toàn vẹn chỏm xương đùi bằng bất cứ giá nào, làm ngưng quá trình thoái hóa. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng nặng nhẹ mà chỉ định phẫu thuật hoại tử xương chỏm đùi sẽ có sự khác nhau.
+ Giai đoạn sớm khi xương chỏm đùi chưa biến dạng: Ở giai đoạn này phẫu thuật giảm áp (phẫu thuật để giải thoát sự tăng áp trong tủy xương dẫn đến tăng sinh mạch máu nuôi xương) trong chỏm đùi thường đem lại kết quả tốt, giúp người bệnh phục hồi hiệu quả.
+ Giai đoạn chỏm xương đùi bị bẹp (độ III và trên độ III): Ở giai đoạn này 70% bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật thay thế. Sự giải áp chỉ làm chậm trễ thêm việc thay khớp háng. Bệnh nhân có chỉ định thay khớp háng có thể lựa chọn thay khớp háng bán phần (bipolar) hoặc toàn bộ. Hiện bệnh nhân hoại tử xương chỏm đùi đang có xu hướng trẻ hóa nên khớp háng toàn phần không xi măng được nhiều người lựa chọn.
Trên đây là các thông tin về bệnh lý hoại tử xương chỏm đùi mà bạn cần biết. Hơn nữa, dù bạn thuộc nhóm người bình thường, có nguy cơ mắc bệnh cao hay đã mắc bệnh thì cũng cần thiết lập cho mình một chế độ sinh hoạt lành mạnh, thể lực vừa sức, đều đặn. Đặc biệt, cần tránh xa những yếu tố có thể gây hoạt tử xương chỏm đùi như rượu bia, thuốc lá, thuốc có corticoid.
Be the first to write a comment.