5/5 - (1 bình chọn)

Khô miệng khát nước liên tục là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng sẽ gặp triệu chứng này trong giai đoạn phát bệnh. Và bạn cũng có thể bị khô miệng khát nước liên tục mặc dù không mắc bệnh tiểu đường. Để tìm hiểu xem chứng khô miệng khát nước là do đâu cũng như chúng có liên quan gì đến bệnh tiểu đường, độc giả hãy theo dõi bài viết ngay dưới đây từ ICondom nhé!

Khô miệng ở bệnh tiểu đường gồm các biểu hiện gì?

Thông thường, khi lượng nước bọt được tiết ra trong miệng bị giảm xuống sẽ dẫn đến tình trạng khô miệng. Bên cạnh đó, chứng khô miệng khát nước còn có nhiều biểu hiện và nguyên nhân khác nhau tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, đây còn có thể là triệu chứng khởi phát của bệnh tiểu đường mà rất nhiều người không để ý đến.

Biểu hiện thường gặp

Dưới đây là các biểu hiện thường gặp nhất của chứng khô miệng khát nước ở bệnh tiểu đường:

  • Cảm nhận được sự thiếu độ ẩm trong khoang miệng.
  • Bề mặt lưỡi khô ráp.
  • Khóe miệng và môi bị nứt nẻ.
  • Đau miệng thường xuyên.
  • Các vết viêm loét xuất hiện dẫn đến nhiễm trùng.
  • Khó nhai, khó nuốt hoặc khó nói.

Nguyên nhân gây ra tình trạng khô miệng khát nước

Khô miệng khát nước liên tục là triệu chứng phổ biến của tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Vì quá trình sản xuất nước bọt sẽ bị ảnh hưởng từ việc lượng đường trong máu cao. Người bệnh tiểu đường mất khả năng tiết ra nhiều nước bọt. Đồng thời dẫn đến sự sụt giảm enzyme tiêu diệt vi khuẩn có hại trong khoang miệng, kéo theo tình trạng khô miệng khát nước liên tục.

Vậy nên chớ xem nhẹ triệu chứng khô miệng khát nước liên tục nếu bạn đang gặp tình trạng này. Bạn nên cẩn trọng vì bản thân có thể đang trong giai đoạn tiền tiểu đường hoặc đã mắc bệnh tiểu đường. Các nguyên nhân gây nên tình trạng này bao gồm:

  • Lượng đường huyết không ổn định.
  • Tuyến nước bọt hoạt động kém dẫn đến tiết ra ít nước bọt hơn.
  • Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
  • Cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu do thận làm việc quá sức để giúp ổn định đường huyết xuống mức an toàn. Điều này dẫn đến việc cơ thể mất nước thường xuyên, không được bổ sung đủ nước.

Tình trạng khô miệng dẫn đến khát nước liên tục, người bệnh cảm thấy uống bao nhiêu nước cũng không đủ. Điều này vô tình gây ra bất tiện trong sinh hoạt, có thể kéo theo chứng tiểu nhiều hoặc thậm chí bị ngộ độc nước.

Biến chứng của khô miệng

Khi nghe qua chứng khô miệng, nhiều người bệnh tiểu đường nghĩ rằng nó có vẻ đơn giản và dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh suy nghĩ chủ quan, không phát hiện và chữa trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng về sau. Cụ thể:

  • Tình trạng viêm nhiễm nặng (viêm mô bao quanh răng, viêm nướu, viêm nha chu,…).
  • Mắc bệnh nấm candida dẫn đến tưa miệng.
  • Hôi miệng kéo dài mặc dù đã vệ sinh răng miệng kỹ.
  • Tuyến nước bọt cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng trong một số trường hợp.
  • Ảnh hưởng đến vị giác của người bệnh.
  • Khô miệng khiến người bệnh cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt, dẫn đến bồn chồn khó ngủ.
  • Lượng đường cao trong nước bọt và vi trùng có thể tích tụ sinh sôi trong khoang miệng. Lâu ngày hình thành mảng bám, khó vệ sinh và tệ hơn là gây sâu răng.

Biện pháp cải thiện khi bị khô miệng, khát nước liên tục do tiểu đường

Chứng khô miệng khát nước có thể diễn biến nghiêm trọng hơn về sau. Điều này đã khiến nhiều người bệnh lo lắng Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là khô miệng có thể kiểm soát được nếu như người bệnh phát hiện sớm và có biện pháp phù hợp.

Kiểm soát lượng đường huyết

Đây được xem là biện pháp hiệu quả nhất để cải thiện và chấm dứt tình trạng khô miệng. Vì lượng đường trong máu lẫn nước bọt tăng cao là nguyên nhân chính tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại sinh sôi trong khoang miệng. Trước hết, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh hiện tại. Nguyên nhân của chứng khô miệng có thể xuất phát từ một số tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh tiểu đường, vậy nên bạn có thể chia sẻ với bác sĩ về mong muốn được đổi thuốc khác hoặc giảm liều lượng của thuốc.

Việc giảm lượng đường trong máu rất quan trọng và tác động rất lớn đến tình trạng khô miệng. Do đó, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên.

Cải thiện tình trạng khô miệng khát nước liên tục với chế độ dinh dưỡng hợp lý

Hiện nay, có rất nhiều biện pháp điều trị khô miệng khát nước liên tục mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Một trong số đó, điều chỉnh chế độ ăn uống chính là biện pháp đơn giản và hữu dụng nhất. Người bệnh nên tham khảo các lưu ý về chế độ ăn uống như sau để cải thiện và chấm dứt tình trạng khô miệng:

  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ mặn để tránh tình trạng đau miệng. 
  • Hạn chế đồ ngọt, thực phẩm có nhiều đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo.
  • Nên bổ sung nhiều loại rau xanh, củ quả trong chế độ ăn vì chúng giàu chất xơ và vitamin, có khả năng tăng cường sức đề kháng, giảm cảm giác khô miệng khát nước liên tục.
  • Hạn chế chiên xào rau củ quả vì có quá nhiều dầu mỡ khiến tình trạng khô miệng tồi tệ hơn. Nên chế biến các loại rau củ quả bằng cách luộc, hấp.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn và cà phê.
  • Luôn bổ sung đủ nước cho cơ thể (8 – 10 cốc nước/ ngày). 
  • Kích thích tuyến nước bọt hoạt động tốt hơn bằng cách nhai kẹo cao su không đường.
  • Chú ý nhai chậm và nhai kỹ, nhai từng miếng nhỏ. Nếu được thì người bệnh cũng nên kiêng thức ăn cứng giòn, có góc cạnh,… trong giai đoạn điều trị.

Một lưu ý quan trọng dành cho người bệnh khi bổ sung nước cho cơ thể: Uống nước quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nước do không thể hấp thụ được hết lượng nước dư thừa. Điều này dẫn đến lượng natri trong máu bị pha loãng và hạ xuống mức quá ngưỡng an toàn. Sau đây là các biểu hiện ban đầu của tình trạng ngộ độc nước:

  • Các cơ bị co thắt hoặc chuột rút liên tục.
  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Cảm thấy choáng váng. 
  • Có thể gặp hiện tượng động kinh đột ngột.

Do đó, chỉ nên uống nước với lượng vừa phải để tránh tình trạng ngộ độc nước.

Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng

Một số thói quen chăm sóc răng miệng nếu được duy trì lâu dài sẽ mang lại hiệu quả tích cực, đồng thời giúp cải thiện tình trạng tốt hơn. Cụ thể người bệnh nên tham khảo các thói quen sau:

  • Làm sạch kẽ răng với chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn.
  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày: buổi sáng và buổi tối, hoặc sau bữa ăn.
  • Có thể sử dụng bàn chải điện và tăm nước để nâng cao hiệu quả làm sạch.
  • Sử dụng nước súc miệng không cồn.
  • Đến phòng khám nha khoa 2 lần/ năm để theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng.

Thay đổi môi trường sống sạch sẽ 

Người bệnh có thể tham khảo việc sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà giúp tăng độ ẩm trong không khí và cải thiện được tình trạng khô miệng. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế bật điều hòa với nhiệt độ quá thấp, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. 

Người bệnh nên xác định nguyên nhân chính xác để điều trị chứng khô miệng khát nước liên tục một cách hiệu quả. Với những thông tin và biện pháp trên bài viết này, ICondom hy vọng có thể sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về chứng khô miệng cũng như lựa chọn được biện pháp điều trị phù hợp với riêng mình nhé!

Xem thêm