Bạn được bác sĩ kê cho thuốc có thành phần neomycine nhưng không biết công dụng của thuốc là gì, tác dụng cụ thể như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc chứa neomycine qua bài viết dưới đây.
Neomycine là gì?
Neomycine là thuốc kháng sinh được ứng dụng rộng rãi trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Nó được tìm thấy trong hàng loạt loại thuốc bôi, dùng ngoài da như kem, thuốc mỡ, thuốc nhỏ mắt….
Công dụng của thuốc chứa neomycine
Neomycin thuộc nhóm kháng sinh diệt khuẩn có tác dụng tại chỗ, trên các cầu khuẩn cũng như các trực khuẩn Gram (+) và Gram (-). Các loại thuốc chứa neomycine được dùng để điều trị các nhiễm khuẩn trên da, tai, mắt, mũi do tụ cầu khuẩn và các vi khuẩn gây bệnh khác. Thuốc chứa neomycine có công dụng rất tốt với:
- Các bệnh về mắt như viêm túi lệ, viêm mi mắt, viêm giác mạc, viêm kết mạc. Đồng thời, phòng ngừa nhiễm khuẩn ở mắt do chấn thương, nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật.
- Các bệnh về tai như viêm tai cấp vừa rạch màng nhĩ, viêm tai ngoài (khi không bị thủng màng nhĩ, đặc biệt là chứng nhiễm trùng ống tai hay eczema).
- Các bệnh về mũi như viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi bội nhiễm, viêm mũi dị ứng (đặc biệt là các trường hợp chỉ đáp ứng với liệu trình điều trị bằng corticoid).
- Các bệnh về da như viêm da do nhiễm trùng, viêm da do dị ứng, viêm da do nhiễm khuẩn, rụng tóc….
- Ngoài ra, thuốc chứa neomycine cũng có tác dụng khá tốt với các vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như E.coli và Salmonela.
Cách dùng và liều dùng của thuốc chứa neomycine
Do các công dụng trong việc tiêu diệt vi khuẩn, phòng ngừa viêm nhiễm nên neomycine thường được dùng dưới dạng thuốc mỡ (neomycin cream), dung dịch hoặc hỗn dịch cho đường bôi và đường uống (ít phổ biến). Thuốc có thể dùng đơn độc nhưng cũng có thể dùng phối hợp với các loại kháng sinh khác như polymixin B, bacitracin… để gia tăng hiệu quả điều trị.
Hiện neomycine là thành phần của nhiều loại thuốc khác nhau nên mọi người cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc và lưu ý của bác sĩ để áp dụng liều dùng phù hợp. Ví dụ như khi dùng neomycin nhỏ mắt thì tùy vào mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng bệnh mà người bệnh có thể được hướng dẫn nhỏ 1 – 2 giọt thuốc chứa neomycine vào mắt, làm 3 – 4 giờ một lần….
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng neomycine không bị hấp thụ qua đường tiêu hóa. Khả năng thấm qua mạch máu của neomycine và nhóm aminoglycoside lại thấp dưới 2%. Do đó, chỉ cần dùng đúng khuyến cáo của từng loại thuốc thì trong phần lớn các trường hợp dùng neomycine đều có thể phát huy tối đa công dụng diệt khuẩn mà vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Lưu ý khi dùng thuốc chứa neomycine
- Neomycine có độc tính cao nên tuyệt đối không dùng thuốc chứa thành phần này cho trẻ em dưới 1 tuổi. Cũng vì độc tính nên các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng neomycin để rửa các vết thương hoặc các khoang thanh mạc như màng bụng.
- Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với neomycine, với nhóm aminoglycoside hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
- Người dùng thuốc ngoài da như neomycin sulfate không được bôi thuốc lên vùng da bị nứt nẻ hoặc diện rộng vì có nguy cơ hấp thụ toàn thân nhiều, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Thuốc rất độc với thận và thính giác nên cần theo dõi chức năng của các cơ quan này khi phải dùng thuốc kéo dài. Đặc biệt, không dùng thuốc trong những bệnh của thị thần kinh vì nó có tác dụng xấu lên cơ quan này.
Tác dụng phụ của thuốc chứa neomycine
Neomycine là kháng sinh được dùng rộng rãi trong việc phòng và điều trị bệnh. Tuy nhiên, loại kháng sinh này cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe. Có thể kể đến các tác dụng phụ phổ biến của thuốc chứa neomycine như:
- Một số trường hợp dùng liều cao bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Liều điều trị của neomycine vẫn có thể gây độc cho thận và thính giác. Thậm chí, dẫn tới tổn thương thận, nhiễm độc toàn thân gây điếc hoặc nhiễm độc tai không phục hồi.
- Dùng neomycine đường uống kéo dài, dùng không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng kém hấp thu và bội nhiễm.
- Bôi thuốc chứa neomycine có thể gây viêm da, ngứa, sốt do thuốc và phản vệ (hiếm thấy). Ở người bị mẫn cảm đặc biệt với neomycin thì vùng da bôi thuốc có thể trở nên đỏ và bong vảy.
- Dùng neomycine tại chỗ lâu có thể gây mẫn cảm trên da hoặc mẫn cảm chéo với các kháng sinh khác thuộc nhóm aminoglycoside.
- Neomycine có tác dụng chẹn thần kinh – cơ nên có thể gây ức chế và thậm chí là ngừng hô hấp.
- Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc dùng thuốc chứa neomycine cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Do đó, tốt nhất không nên dùng thuốc cho những đối tượng này. Trường hợp phụ nữ cho con bú cần dùng neomycine thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc viêm dừng cho con bú.
Trên đây là công dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng và các tác dụng phụ của thuốc chứa neomycine. Ngoài các vấn đề trên, người dùng thuốc chứa neomycine cần lưu ý bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Đồng thời, tuyệt đối không dùng thuốc quá hạn sử dụng hoặc đã mở quá lâu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Be the first to write a comment.