5/5 - (1 bình chọn)

Thoái hóa khớp gối khiến bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn, thậm chí có thể gây tàn phế, bại liệt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng người bệnh hoàn toàn có thể phòng và hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Vậy bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên ăn gì và kiêng gì?

Khớp gối có nguy cơ thoái hóa cao

Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều xương nhưng khớp gối là một trong những bộ phận dễ thoái hóa nhất. Về cấu tạo, ổ khớp gối là nơi tiếp giáp giữa 3 xương là đầu trên của xương chày, đầu dưới của xương đùi và xương bánh chè. Toàn khớp gối được bao bọc bởi hệ thống dây chằng và các bao khớp chứa túi hoạt dịch. Trên mặt tiếp giáp của các xương đều có một lớn sụn…. 

Thoái hóa khớp gối

Những bộ phận này phối hợp để khớp có thể hoạt động trơn chu, giúp con người đi đứng dễ dàng. Tuy nhiên, theo thời gian, phần sụn ở khớp gối có thể bị bào mòn, mặt sụn khớp bị hư tổn do béo phì hay do tác động mạnh khi chơi các môn thể thao nặng như bóng đá, bóng chuyền, tennis, cử tạ… gây thoái hóa khớp gối.

Ở giai đoạn sớm, khớp gối sẽ chưa hư ngay do dịch khớp hao hụt nhưng vẫn đảm bảo để khớp di chuyển. Tuy nhiên, khi dịch khớp hao tổn càng nhiều thì độ ma sát giữa đầu các khớp xương càng tăng, sụn khớp càng tổn thương nhiều hơn. Thậm chí, tổn thương có thể ăn dần từ bề mặt của sụn xuống dưới mặt sụn gây tổn thương tổ chức dưới sụn, phá hủy tế bào mô xương, gây tình trạng khuyết xương (còn được gọi là gai xương).

Lúc này, người bệnh đau đớn nhiều, cơn đau tăng khi vận động và giảm đi khi nghỉ khiến người bệnh dần hạn chế vận động. Nếu không điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến suy giảm chức năng vận động, tàn phế. 

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì?

Thoái hóa khớp gối là một chứng bệnh nguy hiểm, khó điều trị. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp điều trị tại cơ sở y tế, người bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng chống thoái hóa khớp gối tại nhà bằng chế độ ăn uống. Bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống kém làm tăng enzyme phá hủy collagen và các protein có tác dụng duy trì mô. Qua đó, khiến bệnh thoái hóa khớp tăng nặng. 

Người thoái hóa khớp gối nên ăn nhiều cà chua để giảm đau, chống viêm

Không chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng, người thoái hóa khớp gối còn nên tăng cường những thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa, axit béo, khoáng chất và vitamin để giảm đau, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tăng cường dịch khớp, giúp mô khỏe mạnh và tăng hình thành tế bào xương. Cụ thể, người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm, món ăn tốt cho xương khớp như:

– Rau tươi và trái cây các loại: Người bệnh thoái hóa khớp gối nên tăng cường rau tươi và các loại trái cây. Đặc biệt là rau lá xanh, rau mầm để tăng cường hệ thống miễn dịch, kháng oxy hóa; đu đủ, dứa, chanh, bưởi để bổ sung sinh tố C và men kháng viêm; trái bơ, đậu này để kích thích tế bào sụn sinh trưởng collagen; nấm các loại để tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa; cà rốt và ớt để bảo vệ bao khớp và đầu xương; súp lơ xanh để xương chắc khỏe; cà chua để giảm đau, chống viêm ở các khớp….

– Cá tự nhiên (cả nước ngọt và nước mặn), trứng và thịt được nuôi hữu cơ: Những thực phẩm này chứa hàm lượng acid béo omega-3 và vitamin D cao hơn so với các giống nuôi thông thường. Chúng còn chứa lượng lớn protein, chất béo lành mạnh và các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B, vitamin D, kẽm, selen để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp. Người bệnh cũng có thể hầm nước canh xương uống để bổ sung collagen giúp duy trì các khớp khỏe mạnh.

– Nhóm gia vị, trà xanh: Các loại gia vị như nghệ, gừng, húng quế, húng tây; trà xanh và cà phê hữu cơ đều rất tốt cho sức khỏe của khớp xương. Việc dùng điều độ theo hàm lượng phù hợp còn góp phần phòng chống thoái hóa khớp gối hiệu quả.

– Các thực phẩm khác: Còn khá nhiều thực phẩm tốt với bệnh nhân thoái hóa khớp như sữa chua, sữa chua uống; các loại ngũ cốc và các loại đậu nguyên chất chưa qua tinh chế; chất béo lành mạnh như bơ thực vật, dầu dừa, dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt….

Người bệnh thoái hóa khớp nên kiêng gì?

Chế độ ăn uống ảnh hưởng khá lớn đến quá trình thoái hóa khớp gối. Do đó, bên cạnh việc tăng cường những thực phẩm tốt cho xương khớp thì người bệnh cũng nên tránh những thực phẩm có thể làm triệu chứng thoái hóa khớp gối thêm trầm trọng như:

– Thịt đỏ: Thịt đỏ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho con người. Tuy nhiên, hầu hết người lớn không cần ăn thịt đỏ để có lượng protein khuyến cáo hàng ngày. Người bị thoái hóa khớp càng không nên. Thay vào đó, người bệnh nên dùng các thực phẩm ít béo như cá, đậu và các loại hạt.

Người thoái hóa khớp gối nên hạn chế ăn thịt đỏ

– Đường và carbohydrate: Thực đơn nhiều đường và carbohydrate có thể làm tăng sản phẩm cuối cùng của glycation tiên tiến trong cơ thể. Qua đó, làm tổn thương các protein và gây viêm, khiến thoái hóa, viêm xương khớp tăng nặng.

– Thực phẩm chiên rán: Người bệnh thoái hóa khớp cũng được khuyến cáo không nên dùng thực phẩm chiên rán. Thay vào đó, hãy tăng cường trái cây tươi, rau xanh (nấu chín hoặc chưa nấu chín) để bảo vệ khớp xương.

– Đồ đóng hộp: Loại thực phẩm nhiều chất bảo quản, giàu muối này cũng không tốt với sức khỏe của người bệnh thoái hóa khớp. Dù chúng kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm nhưng với bệnh thoái hóa khớp gối thì đây là nguyên nhân gây đau, viêm ở các khớp.

– Rượu: Uống rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề về khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp. Với người đã bị thoái hóa khớp gối thì rượu phá hủy sụn khớp và tế bào xương, khiến bệnh tăng nặng….

Ngoài thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng, người thoái hóa khớp gối nên tập thể dục thể thao nhẹ nhàng và duy trì cân nặng ở mức cho phép. Vì thừa cân sẽ gây áp lực lên khớp gối, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.