Rate this post

Xì hơi giúp giải phóng lượng khí, hơi tích tụ trong cơ thể. Nó thường là vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nếu xì hơi nặng mùi, xì hơi liên tục thì cần hết sức lưu ý. Dưới đây là những lý do gây xì hơi nặng mùi mà bạn nhất định phải biết. 

Xì hơi xảy ra khi nào?

Xì hơi hay còn gọi là trung tiện là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Xì hơi thường bắt nguồn từ việc thức ăn chưa tiêu hóa hết ở dạ dày đi xuống đại tràng, bị các vi khuẩn phân hủy và bài tiết ra khí thải bốc mùi. Khi lượng khí thải này tích tụ quá nhiều thì sẽ thoát ra ngoài qua đường hậu môn bằng việc xì hơi. 

Như vậy, một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng xì hơi là do thói quen ăn uống. Hàng ngày nếu chúng ta ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu như chất bột (khoai lang, khoai tây), dầu mỡ; ít ăn thực phẩm giàu chất chất xơ như rau xanh, trái cây thì có thể gây xì hơi nhiều. Ngoài ra, một số trường hợp ăn quá nhanh, nói nhiều cũng có thể làm đường ruột chứa nhiều không khí gây xì hơi.

Dù phần lớn mọi người không thích và tỏ ra ái ngại khi bị xì hơi nhưng đây lại là một hiện tượng sinh lý bình thường, chứng tỏ bạn đang ăn uống lành mạnh, đường tiêu hóa hoạt động tốt. Thậm chí, thống kê cho thấy trung bình người khỏe mạnh sẽ xì hơi khoảng 5 – 15 lần mỗi ngày với tổng lượng hơi khoảng 0,5 lít. Do đó, nếu thấy xì hơi khoảng 5 – 15 lần mỗi ngày, xì hơi không có mùi, có mùi hơi hôi, mùi của loại thức ăn mới ăn bữa trước đó hay thỉnh thoảng hơi nặng mùi thì bạn có thể yên tâm.

Riêng trường hợp xì hơi trên 20 lần mỗi ngày, xì hơi nặng mùi liên tục thì mọi người cần lưu ý và đi khám để có phương án điều trị phù hợp.

Những lý do gây xì hơi nặng mùi

Xì hơi nặng mùi liên tục không chỉ gây cảm giác xấu hổ, mặc cảm mà còn có thể là dấu hiệu của những bất ổn về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe đường tiêu hóa. Do đó, nếu thấy cơ thể xì hơi liên tục và nặng mùi thì bạn cần biết những nguyên nhân chính gây xì hơi nặng mùi dưới đây.

Cơ thể không dung nạp lactose và gluten (bệnh Celiac) 

Lactose trong sữa rất tốt cho sức khỏe nhưng với những người không dung nạp lactose thì việc dùng nhiều sữa và thực phẩm từ sữa sẽ gây tình trạng ăn không tiêu và trung tiện nặng mùi. Tượng tự như vậy, những người không dung nạp gluten (bệnh Celiac) khi ăn các thực phẩm giàu gluten như lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch, các loại thuốc, vitamin… cũng sẽ xuất hiện tình trạng này. 

Tuy nhiên, khác với không dung nạp lactose thường xuất hiện từ nhỏ, bệnh Celiac có thể xuất hiện sau khi bị nhiễm vi rút, phẫu thuật, mang thai, sinh con… Do đó, nếu tự nhiên thấy xì hơi nặng mùi, nghi không dung nạp gluten thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra.

Ăn nhiều hành, tỏi, súp lơ 

Hành tây, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ và rau mầm chứa raffinose – một loại carbohydrate mà dạ dày và ruột non không thể tiêu hóa được. Do đó, những loại thức ăn có lợi cho sức khỏe này có thể là nguyên nhân khiến khí thải của cơ thể chúng ta nhiều lên và bốc mùi hôi thối. Nhóm rau quả, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt họ đậu, thịt đỏ và thực phẩm có tính acid cũng tạo ra mùi hôi khi xì hơi. 

Ngoài ra, đôi khi việc tiêu thụ quá nhiều hành, tỏi, rau hẹ và các thực phẩm có mùi cũng kích thích cơ thể, khiến mùi xì hơi trở nên “đáng sợ” hơn.

Một số loại thuốc kháng sinh

Một số loại thuốc, nhất là thuốc kháng sinh có thể gây xì hơi nhiều, xì hơi nặng mùi. Trong trường hợp của kháng sinh thì nhóm thuốc này có thể giết chết nhiều vi khuẩn lành mạnh trong đường tiêu hóa, gây mất cân bằng, đầy hơi, khó chịu, táo bón (táo bón không chỉ gây tích tụ chất thải mà còn làm tích tụ lượng khí có mùi trong đại tràng) và làm gia tăng mùi hôi thối khi trung tiện.

Loạn khuẩn đường ruột

Đôi khi vi khuẩn trong đường tiêu hóa có thể bị mất cân bằng (vi khuẩn gây hại phát triển mạnh) dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, lỵ amoebic. Nhiễm khuẩn đường ruột sẽ kéo theo xì hơi không kiểm soát, xì hơi nặng mùi, đau bụng liên tục, tiêu chảy, sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa…. Do đó, khi thấy các triệu chứng này thì bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.

Xuất huyết ruột, viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng

Dù không quá phổ biến nhưng trung tiện nặng mùi có thể là dấu hiệu cảnh báo của các chứng bệnh nguy hiểm như xuất huyết ruột, viêm loét đại tràng, đặc biệt là ung thư đại tràng. Do đó, nếu những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc ổn định đường tiêu hóa không làm giảm triệu chứng này thì mọi người cần được đi khám ngay.

Trên đây là những nguyên nhân gây xì hơi nặng mùi. Nếu xuất hiện tình trạng này thì bước đầu bạn nên thay đổi thói quen và thực đơn ăn uống. Nếu không thấy tình trạng xì hơi nặng mùi giảm thì nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.