5/5 - (1 bình chọn)

Từ thời xa xưa, người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới đã biết dùng actiso để hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan. Vậy, tại sao actiso lại tốt cho gan? Dùng actiso thế nào cho đúng cách? Tất cả những câu hỏi này sẽ được ICondom giải đáp chi tiết ngay sau đây.

Một số bệnh về gan thường gặp

Bất kỳ ai cũng sở hữu một “nhà máy vạn năng” ngay trong cơ thể mình, đó chính là lá gan. Lá gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng, protein, chất béo, tạo máu và dịch mật. Ngoài ra, gan còn liên tục lọc và loại bỏ các chất độc hại bảo vệ cơ thể. Đa năng là vậy, nhưng lá gan cũng có thể bị tấn công và suy yếu bởi vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc rượu bia, thuốc tân dược,…Sau đây là một số bệnh lý về gan phổ biến hiện nay.

Bệnh nóng gan

Khi chức năng gan bị suy giảm sẽ dẫn đến bệnh nóng gan. Người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng sau: nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa da, khô miệng, chảy máu chân răng, mất ngủ,… Bệnh nóng gan rất dễ tái phát và ảnh hưởng đáng kể đến đời sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Ngoài ra, nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, bệnh nóng gan có thể chuyển sang suy giảm chức năng gan mãn tính, dẫn đến viêm gan, thậm chí là ung thư gan.

Bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tế bào gan bị tổn thương do lượng mỡ tích tụ lớn hơn 5% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ ít khi gây ra các triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Khi thăm khám, có thể thấy lá gan to hơn một chút so với bình thường. Khi lượng mỡ trong gan tiếp tục tích tụ thêm thì bệnh sẽ chuyển sang các giai đoạn nặng hơn. Lúc này, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải sẽ là mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh chóng, đau hạ sườn phải, vàng da,….Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh gan nhiễm mỡ có thể gây ra các biến chứng nặng nề như xơ gan, ung thư gan.

Bệnh viêm gan virus

Khi cơ thể bị nhiễm virus viêm gan (đặc biệt là virus viêm gan B, C) có thể tiến triển nhanh thành viêm gan cấp tính, sau đó là viêm gan mãn tính và dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Bệnh viêm gan virus thường được gọi là “sát thủ âm thầm” vì diễn biến rất thầm lặng, đa số người bệnh không biết mình bị nhiễm virus viêm gan, khi phát hiện ra thì bệnh thường đã ở giai đoạn nặng, có nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Bệnh xơ gan

Xơ gan là tình trạng các mô tế bào khỏe ở gan được thay thế bằng các mô sẹo. Khi các mô sẹo xuất hiện ngày càng nhiều, chúng sẽ ngăn chặn dòng máu lưu thông qua gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Các nguyên nhân gây ra xơ gan thường là lạm dụng rượu bia, gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan virus. Bệnh xơ gan gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trong đó, có khoảng 30% số người bị xơ gan gặp biến chứng xuất huyết tiêu hóa do giãn, vỡ tĩnh mạch thực quản. Ngoài ra, bệnh xơ gan còn gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm khác như nhiễm trùng dịch ổ bụng, bệnh não gan, ung thư gan,…

Bệnh ung thư gan

Ung thư gan có 2 loại là ung thư gan thứ phát và ung thư gan nguyên phát. Trong đó, ung thư gan thứ phát là tình trạng các tế bào ung thư ở bộ phận khác của cơ thể xâm nhập vào gan, sau đó chúng gây ra các khối u di căn. Còn ung thư gan nguyên phát là một bệnh lý ác tính về gan, xảy ra khi các tế bào gan trở nên bất thường về hình thái, chức năng. Quá trình phát triển của tế bào ung thư gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường nằm liền kề nên có thể lây lan sang các vùng khác của gan, thậm chí còn lây lan sang các cơ quan bên ngoài gan.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), Việt Nam ghi nhận 26.418 ca ung thư gan mới vào năm 2020, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh ung thư (14,5%). Một điều đáng lo ngại khác là số ca tử vong do ung thư gan rất cao, gần tương đương với số ca mắc mới (25.272 ca).

Actiso là gì? Tại sao actiso lại tốt cho gan?

Cây Actiso có tên khoa học là Cynara scolymus L. và thuộc họ Cúc. Loại cây này có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, cách đây hàng ngàn năm đã được người Hy Lạp cổ đại sử dụng làm rau ăn và làm thuốc. Ở Việt Nam, cây actiso được trồng chủ yếu ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Tam Đảo hoặc Sapa. 

Tất cả bộ phận của cây actiso như lá, hoa, thân, rễ đều có giá trị y học. Tuy nhiên, bộ phận được sử dụng phổ biến là hoa. Trong 100g hoa actiso có chứa: 0,1-0,3g lipid, 3 – 3,15g protein, 11-15g glucid, 82g nước, chất khoáng (mangan, photpho, sắt), vitamin (A, B1, B2, C,…). Hoa actiso khi được nấu chín có tác dụng bồi bổ sức khỏe, kích thích ăn ngon miệng, cải thiện hệ tiêu hóa, lợi gan mật, lợi tiểu, trợ tim, thanh nhiệt, giải độc,….

Actiso được xem là một loại “thần dược” đối với lá gan vì các lý do sau:

  • Cải thiện chức năng gan: các chất chống oxy hóa cynarin và silymarin trong actiso có tác dụng bảo vệ và phục hồi các tế bào gan bị tổn thương, kích thích tái tạo tế bào gan mới. Đó là lý do mà người Hy Lạp cổ đại từng sử dụng actiso như một loại thuốc điều trị một số bệnh về gan.
  • Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ: actiso có tác dụng làm giảm lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng lượng cholesterol HDL (cholesterol tốt). Ngoài ra, actiso cũng chứa 2 hoạt chất có khả năng phân giải chất béo hiệu quả là natri glycocholate và natri taurocholate, từ đó giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
  • Tăng cường giải độc gan, làm mát gan, điều trị hiệu quả bệnh nóng gan.
  • Phòng ngừa một số bệnh về gan: các chất chống oxy hóa có trong actiso như luteolin, anthocyanins, quercetin, rutin có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật, trong đó có các bệnh về gan như viêm gan virus, ung thư gan,….

Cách sử dụng actiso tăng cường chức năng gan hiệu quả

Sau đây là một số cách sử dụng actiso tăng cường chức năng gan rất đơn giản và hiệu quả. Các bạn hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại nhà.

Trà actiso lá dứa

Chỉ cần vài bông actiso, một bó lá dứa và chút đường phèn là bạn đã có thể nấu được một nồi trà actiso lá dứa thơm ngon, bổ dưỡng cho cả gia đình. Thức uống này có tác dụng làm mát gan, hỗ trợ đào thải độc tố trong tế bào gan. Cách thực hiện cụ thể như sau:

Bước 1: chuẩn bị nguyên liệu gồm 2 bông atiso lớn, 1 bó lá dứa (5-6 lá), 50g đường phèn.

Bước 2: cắt bỏ bớt phần cuống của bông actiso, sau đó rửa sạch bông actiso và lá dứa, vớt ra để ráo nước. 

Bước 3: cho vào nồi khoảng 3 lít nước, đun sôi sau đó cho bông actiso vào, hạ lửa nhỏ, đậy nắp nồi và đun khoảng 1 – 1,5 tiếng.

Bước 4: mở nắp nồi kiểm tra, nếu bông actiso đã mềm thì cho đường phèn và lá dứa vào, đậy nắp và đun tiếp khoảng 10 phút rồi tắt bếp.

Bước 5: vớt bông actiso và lá dứa ra ngoài, đợi nước nguội rồi cho vào chai, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng hàng ngày.

Hoa actiso hầm giò heo

Hoa actiso có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giò heo chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin, sắt, photpho,…khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng, không chỉ cải thiện chức năng gan hiệu quả mà còn bồi bổ khí huyết, tăng cường sức đề kháng. Cách thực hiện như sau:

Bước 1: chuẩn bị nguyên liệu gồm 1 cái chân giò heo, 2 bông actiso lớn, gia vị: hành tím, muối, tiêu, bột ngọt,….

Bước 2: rửa sạch giò heo, cho vào nồi nước sôi đun một lát đến khi sủi bọt thì lấy ra, đổ bỏ nước, rửa lại một lần nữa bằng nước lạnh. Sau đó, cho giò heo và nước vào nồi, bỏ thêm một củ hành tím xắt lát, hầm 2 – 3 tiếng cho giò heo mềm nhừ rồi nêm gia vị vừa ăn.

Bước 3: cắt bỏ bớt phần cuống hoa actiso sau đó rửa sạch, bổ làm 4 phần, bỏ đi phần nhụy hoa. Cho hoa actiso vào nồi giò heo nấu tiếp khoảng 30 phút rồi tắt bếp. Lúc này, cả giò heo và hoa actiso đã chín mềm và sẵn sàng để thưởng thức.

Xem thêm