Rate this post

Viêm dạ dày là tình trạng bệnh lý về đường tiêu hóa rất hay gặp, thường do vi khuẩn HP gây ra. Viêm dạ dày lại có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Điều đáng lo ngại hơn đó là độ tuổi mắc phải bệnh viêm dạ dày ngày càng trẻ hóa. Trước đây căn bệnh này chỉ gặp ở người lớn, còn giờ đây gặp ở cả trẻ em với số lượng ngày càng tăng. Tại sao trẻ em cũng mắc bệnh viêm dạ dày HP?

Viêm dạ dày HP là gì?

Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm, có thể là viêm cấp tính hoặc viêm mạn tính. 

  • Viêm dạ dày cấp tính thường chỉ là tình trạng tạm thời, có thể đi kèm với hiện tượng xuất huyết dạ dày, hay nặng hơn là viêm loét niêm mạc dạ dày.
  • Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm mạn tính, kéo dài trong một khoảng thời gian, bệnh tiến triển âm thầm, tăng dần. Đây cũng chính là loại viêm dạ dày thường gặp trong quá trình khám chữa bệnh.

Viêm dạ dày HP là tình trạng viêm dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây ra. Vi khuẩn HP chính là nguyên nhân gây ra phần lớn các trường hợp viêm dạ dày.

Theo số liệu thống kê từ năm 2016, tỷ lệ trẻ em nhiễm vi khuẩn HP ở nước ta đã chiếm khoảng 40%, và trẻ thường bị nhiễm HP từ rất sớm, tăng nhanh ở giai đoạn trẻ ăn dặm và giai đoạn trẻ đi mẫu giáo (từ 2 – 6 tuổi) .

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung Ương và Bệnh viện Bạch Mai trên đối tượng bệnh nhân là trẻ em cho thấy:

  • Có tới 70% trẻ mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính nhiễm vi khuẩn HP.
  • Có tới 95% trẻ bị loét tá tràng nhiễm vi khuẩn HP.
  • Có 23% trẻ không có tổn thương niêm mạc dạ dày có nhiễm khuẩn HP.

Đây quả thực là các con số đáng báo động đối với ngành y tế và các bậc phụ huynh.

Tình trạng viêm dạ dày HP còn có thể dẫn tới các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ em như là:

  • Gây ra tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu.
  • Khiến cho trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt.
  • Trẻ bị chậm lớn.
  • Trẻ có thể bị u MALT ngoài đường tiêu hóa.
  • Tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày khi trưởng thành của trẻ lên tới 8 lần.

Điều này khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con em mình. Vậy thì tại sao trẻ em cũng mắc bệnh viêm dạ dày HP?

Tại sao trẻ em cũng bị viêm dạ dày HP?

Trẻ bị viêm dạ dày HP là do trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm vi khuẩn HP, nhất là khi cha mẹ hay cô giáo không đảm bảo vệ sinh ăn uống tốt cho trẻ.

Vi khuẩn HP là một loại vi trùng có hình xoắn ốc gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng. Vi khuẩn HP được lây truyền từ người này sang người khác. 

Đặc biệt loại vi khuẩn này có thể tồn tại ở trong cơ thể con người ở dạng ẩn trong nhiều năm, sau đó khi có cơ hội chúng mới bùng phát và gây viêm dạ dày. Đáng lo ngại hơn đó là khi ở dạng ẩn chúng vẫn có thể lây truyền từ người này sang người khác. Chính bởi hai đặc điểm này nên không ai có thể biết chính xác được mình bị lây nhiễm vi khuẩn HP từ ai và từ khi nào.

Trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên là đối tượng dễ bị lây nhiễm khuẩn HP nhất, do đó tình trạng trẻ em bị viêm dạ dày HP ngày càng gia tăng nhanh chóng. Khi trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ rất dễ bị nhiễm HP, việc lây nhiễm có thể bằng nhiều cách khác nhau như là:

  • Trẻ ăn phải thực phẩm không được làm sạch hay không được nấu chín kỹ.
  • Trẻ uống phải nước bị nhiễm khuẩn HP.
  • Trẻ không rửa tay sạch trước khi ăn.
  • Trẻ tiếp xúc với nước bọt của người bệnh thông qua các việc làm thường thấy như: hôn trẻ, trẻ ăn chung đồ ăn, sử dụng chung bàn chải đánh răng,…
  • Đặc biệt là ở giai đoạn trẻ ăn dặm, bố mẹ thường dùng miệng để thổi và cho thức ăn vào miệng mình để kiểm tra độ nóng trước khi cho trẻ ăn. Nếu bố mẹ đang bị nhiễm khuẩn HP mà không biết, sẽ vô tình truyền mầm bệnh sang cho trẻ.

Rồi đến khi trẻ đi lớp mẫu giáo, sẽ tiếp xúc với nhiều trẻ khác, sử dụng chung bát đũa, cốc chén nên vi khuẩn HP dễ dàng lây lan từ trẻ này sang trẻ khác.

Trẻ bị viêm dạ dày HP sẽ có những biểu hiện nào để nhận biết?

Khi bị nhiễm HP, bệnh nhân sẽ không có biểu hiện gì cho đến khi vi khuẩn gây ra tình trạng viêm dạ dày, lúc đó mới có các biểu hiện của bệnh như sau:

  • Trẻ bị đau bụng, quấy khóc, triệu chứng này thường xuất hiện sau bữa ăn 2 – 3 giờ hoặc là vào ban đêm.
  • Trẻ có thể bị đầy hơi, ợ nóng.
  • Trẻ có thể có cảm giác buồn nôn hoặc ói mửa.
  • Trẻ tự nhiên ăn kém đi và sụt cân.
  • Một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị nôn ra máu hay đi ngoài phân đen, khi trẻ bị viêm dạ dày nặng dẫn đến chảy máu dạ dày.

Đây chỉ là các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị viêm dạ dày, không phải trẻ nào cũng có đầy đủ các triệu chứng như trên, và mỗi trẻ lại có biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng này cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Do đó khi nghi ngờ bé bị nhiễm vi khuẩn HP, cha mẹ cần cho bé đi khám để xem trẻ có bị nhiễm HP hay không. 

Nếu trẻ bị nhiễm HP cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời các thành viên khác trong gia đình cũng cần đi khám kiểm tra, do bệnh dễ lây lan.

Các khó khăn gặp phải trong điều trị cho trẻ bị viêm dạ dày HP

Từ khi các nhà khoa học phát hiện ra thủ phạm gây bệnh viêm dạ dày đa phần là do vi khuẩn HP, giúp cho việc điều trị căn bệnh này đã có hiệu quả cao hơn bằng các phác đồ kháng sinh diệt HP. Song theo thời gian, hiệu quả của các phác đồ điều trị đã bị giảm sút nhanh chóng, khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. 

Việc điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ em gặp nhiều khó khăn

Đặc biệt ở đối tượng bệnh nhân là trẻ em, khi bị viêm dạ dày HP, việc điều trị sẽ gặp khó khăn bởi một số nguyên nhân sau đây:

  • Nguyên nhân đầu tiên đó là do vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong các phác đồ điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ em đó là: Clarithromycin, Metronidazole, Amoxicillin và Levofloxacin. Hiện tại các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng vi khuẩn HP đã đề kháng với các loại thuốc kháng sinh này. 

Ngay cả các trường hợp đã làm kháng sinh đồ trước khi tiến hành điều trị thì tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn HP thành công ở trẻ em cũng chỉ đạt được có 58,3% mà thôi.

  • Trẻ em khó tuân thủ điều trị. Khi sử dụng các loại thuốc điều trị viêm dạ dày HP, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như trẻ bị đắng miệng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, mệt mỏi,…. khiến cho trẻ không chịu uống thuốc.
  • Trẻ em có tỷ lệ tái nhiễm vi khuẩn HP cao. Trẻ có thể bị tái nhiễm vi khuẩn HP ngay sau khi đã điều trị thành công, khiến cho trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần, hiệu quả điều trị ở các lần sau cũng thấp hơn so với lần trước.

Làm thế nào để có thể đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ em?

Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý các điều sau đây:

  • Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ ngừng thuốc khi thấy các triệu chứng giảm.
  • Khi trẻ gặp phải tác dụng không mong muốn của thuốc, cha mẹ cần báo cho bác sỹ điều trị biết để có hướng xử lý, điều chỉnh thuốc, chứ không được tự ý bỏ liệu trình điều trị giữa chừng. 
  • Cha mẹ cần cho trẻ đi khám lại đúng theo lịch hẹn của bác sỹ.
  • Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng cần đi kiểm tra, nếu phát hiện có nhiễm vi khuẩn HP thì cần phải điều trị ngay. Phòng tránh tình trạng trẻ sau khi điều trị thành công lại bị lây nhiễm lại vi khuẩn HP từ các thành viên khác trong gia đình. 

Việc tự ý dừng thuốc và việc tái nhiễm vi khuẩn HP sẽ làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, làm giảm hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn ở các lần điều trị tiếp theo.

Tình trạng viêm dạ dày HP đã trở nên phổ biến ở cả đối tượng trẻ em, bởi đây là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất do sức đề khác của các bé con yếu. Đồng thời việc điều trị bệnh cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Do vậy các bậc phụ huynh cần phải phối hợp chặt chẽ với các bác sỹ chuyên khoa trong quá trình điều trị viêm dạ dày HP cho trẻ. Tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sỹ và không được tự ý bỏ thuốc, dừng liệu trình điều trị giữa chừng.