Rate this post

Haloperidol là một loại thuốc tâm thần (thuốc chống loạn thần) giúp khôi phục sự cân bằng của một số chất tự nhiên trong não (dẫn truyền thần kinh). Có một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn nhưng bác sĩ có thể chỉ định cho bạn nếu cần.

Haloperidol là thuốc an thần kinh thuộc nhóm butyrophenon. Được bán trên thị trường dưới tên thương mại Haldol cùng với một số tên khác, là một loại thuốc chống loạn thần điển hình.

Dạng thuốc và hàm lượng 

  • Viên nén haloperidol 0,5 mg; 1 mg; 1,5 mg; 2 mg; 5 mg; 10 mg và 20 mg.
  • Ống tiêm 5 mg/ml (dung dịch 0,5%). Ống tiêm haloperidol decanoat 50 mg và 100 mg/ml (Tính theo base của muối haloperidol base). Ðây là dạng thuốc có tác dụng kéo dài.
  • Dung dịch uống haloperidol loại 0,05% (40 giọt = 1 mg), loại 0,2% (10 giọt = 1 mg).

 Thuốc được làm từ pethidine (meperidine). Nó nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, tức là nhóm các loại thuốc hiệu quả và an toàn nhất cần thiết trong một hệ thống y tế. Đây cũng là thuốc chống loạn thần điển hình thường được sử dụng nhiều nhất.

1. Tác dụng

Haloperidol là thuốc an thần kinh thuộc nhóm butyrophenon, có tác dụng chống nôn rất mạnh. Trong số những tác dụng trung ương khác, còn có tác dụng lên hệ ngoại tháp. Haloperidol có rất ít tác dụng lên hệ thần kinh giao cảm. Ở liều bình thường, không có tác dụng kháng adrenalin cũng như kháng cholin, vì cấu trúc của haloperidol gần giống như acid gamma – amino – butyric.

Chỉ định


Được dùng trong chuyên khoa tâm thần: Các trạng thái kích động tâm thần – vận động với nguyên nhân khác nhau (trạng thái hưng cảm, cơn hoang tưởng cấp, mê sảng, run do rượu); các trạng thái loạn thần mạn tính (hoang tưởng mạn tính, hội chứng paranoia, hội chứng paraphrenia, bệnh tâm thần phân liệt); trạng thái mê sảng, lú lẫn kèm theo kích động; hành vi gây gổ tấn công; hỗ trợ các hội chứng lo âu (dùng liều thấp).

Trong các chuyên khoa khác: Chống nôn, gây mê, làm dịu các phản ứng sau liệu pháp tia xạ và hóa trị liệu ung thư.

Chống chỉ định

Haloperidol chống chỉ định với người bệnh dùng quá liều bacbiturat, opiat hoặc rượu; bệnh Parkinson và loạn chuyển hóa porphyrin.

Tránh dùng hoặc sử dụng Haloperidol, rất thận trọng trong các trường hợp sau:

Rối loạn vận động ngoại tháp, chứng liệt cứng, bệnh gan, bệnh thận, bệnh máu và động kinh, trầm cảm, cường giáp, điều trị đồng thời với thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, adrenalin và các thuốc có tác dụng giống giao cảm khác, người bệnh mẫn cảm với thuốc.

Thận trọng khi dùng cho các đối tượng:

  • Trẻ em và thiếu niên (rất dễ gặp các tác dụng ngoại tháp)
  • Người bị suy tủy.
  • Người bệnh có u tế bào ưa crôm.
  • Người suy gan, thận, bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não, bệnh về chức năng hô hấp, người có bệnh glôcôm góc đóng, đái tháo đường, bệnh nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt và người cao tuổi (dễ bị phản ứng phụ ngoại tháp hoặc/và hạ huyết áp thế đứng).
  • Ngoài ra Haloperidol có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo và khả năng phối hợp động tác (ví dụ vận hành máy, lái xe…)

Thời kỳ mang thai:

  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ trên phụ nữ có thai. Tuy nhiên đã có một số báo cáo phát hiện dị dạng ở các chi thai nhi khi bà mẹ dùng haloperidol cùng với một số thuốc khác (nghi có khả năng gây quái thai trong 3 tháng đầu). Triệu chứng nhiễm độc có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh tiếp xúc với liều cao thuốc chống loạn thần vào cuối thai kỳ: đã thấy an thần mạnh, giảm trương lực cơ, triệu chứng ngoại tháp và vàng da, ứ mật.
  • Thuốc chỉ nên dùng trong đầu và cuối thai kỳ khi lợi ích tiềm năng được chứng minh có lợi hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.

Thời kỳ cho con bú:

Haloperidol bài tiết vào sữa mẹ. Trong thời gian điều trị bằng haloperidol, không nên cho con bú.

2. Tác dụng phụ thuốc Haloperidol

  • Thường gặp: Ðau đầu, chóng mặt, trầm cảm và an thần. Triệu chứng ngoại tháp (thức chuyển động bất thường của cơ thể xảy ra ở những người dùng thuốc chống loạn thần) với rối loạn trương lực cấp, hội chứng Parkinson, ngồi nằm không yên. Loạn vận động xảy ra muộn khi điều trị thời gian dài.
  •  Ít gặp: Tăng tiết nước bọt và mồ hôi, ăn ngủ không ngon và thay đổi thể trọng. Tim đập nhanh và huyết áp tụt, tiết nhiều sữa, to vú ở đàn ông, ít kinh hoặc mất kinh, nôn, táo bón, khó tiêu, khô miệng. Triệu chứng ngoại tháp với kiểu kích thích vận động, suy nhược, yếu cơ. Cơn động kinh lớn, kích động tâm thần, lú lẫn, bí tiểu và nhìn mờ.
  •  Hiếm gặp: Các phản ứng quá mẫn (ví dụ phản ứng da, mày đay, sốc phản vệ). Hội chứng thuốc an thần ác tính. Giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt và giảm tiểu cầu. Loạn nhịp thất, hạ đường huyết, viêm gan và tắc mật trong gan.

Nói chung, những phản ứng ngoại tháp được kiểm soát bằng cách giảm liều hoặc điều trị bằng thuốc chống Parkinson. Tăng nhãn áp có thể xảy ra khi Haloperidol được sử dụng đồng thời với thuốc kháng cholin, bao gồm thuốc chống Parkinson.

3. Hướng xử lý các tác dụng phụ do thuốc đem lại

Rối loạn ngoại tháp là vấn đề chủ yếu trong xử trí lâm sàng đối với những người bệnh dùng thuốc an thần. Phản ứng này có thể xảy ra đối với bất kỳ thuốc an thần nào, nhưng đặc biệt nổi bật đối với thuốc thuộc nhóm butyrophenon trong đó có Haloperidol. Ðể xử trí, cần giảm liều haloperidol và/hoặc sử dụng thuốc chẹn thần kinh đối giao cảm levodopa hoặc bromocriptin. Có cách khác là thay thế haloperidol bằng thuốc an thần khác ít gây rối loạn ngoại tháp hơn như thioridazin.

Triệu chứng ngoại tháp phụ thuộc vào liều dùng và rất hiếm khi xảy ra khi dùng liều dưới 3 mg/ngày. Triệu chứng ngoại tháp (kích thích vận động) có thể xảy ra sau khi dùng haloperidol liều đơn hoặc liều nhắc lại. Suy nhược có thể xảy ra, đặc biệt sau khi dùng liều đầu tiên cao. Loạn nhịp thất rất hiếm và chỉ xảy ra khi dùng liều cao và ở những người bệnh có Q – T kéo dài (một hội chứng ở tim). Với những trường hợp này, nguyên nhân liên quan đến haloperidol chưa rõ, những vẫn cần phải được xem xét trước khi điều trị với haloperidol liều cao. 

Ðã có thông báo về một số trường hợp rối loạn bài tiết hormone chống lợi niệu. Không thấy những triệu chứng và dấu hiệu báo động ở người được điều trị bằng thuốc an thần giống như những người không được điều trị. Do đó, cần quan tâm tới cả những người bệnh vẫn đang khỏe mạnh.

Bác sĩ phải quan sát và nhận biết nguy cơ của hội chứng thần kinh ác tính. Ðó là phản ứng không mong muốn rất nguy hiểm, một dạng phản ứng đặc trưng, có thể xảy ra do điều trị bằng thuốc an thần. 

Ðặc điểm lâm sàng thường thấy gồm: sốt cao, triệu chứng ngoại tháp nặng (bao gồm cứng cơ), rối loạn chức năng giao cảm và rối loạn ý thức mê sảng. Tổn thương cơ xương có thể xảy ra (tiêu cơ vân). Yếu tố có thể dẫn đến xuất hiện hội chứng thần kinh ác tính bao gồm: Mất nước, bệnh não thực thể tồn tại từ trước, và người bị bệnh AIDS. Trẻ em và nam thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với phản ứng này. 

Triệu chứng phát triển nhanh chóng trong vòng 24 – 72 giờ và có thể xảy ra vài ngày tới vài tháng từ sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc an thần hoặc tăng liều. Tuy nhiên, triệu chứng này dường như không liên quan chặt chẽ tới liều hoặc thời gian điều trị. Và có thể kéo dài tới 14 ngày sau khi ngừng uống thuốc hoặc 4 tuần sau khi ngừng dùng thuốc tác dụng kéo dài.

Khi chẩn đoán có hội chứng thần kinh ác tính, phải ngừng thuốc ngay lập tức, và chỉ định điều trị triệu chứng và hỗ trợ (truyền tĩnh mạch huyết thanh mặn và ngọt, cho thuốc hạ nhiệt và kháng sinh, cần dùng benzodiazepin). Ðiều trị bằng thuốc đặc hiệu chưa được xác định rõ và dựa chủ yếu vào những báo cáo từng trường hợp riêng lẻ. Với những trường hợp này có thể sử dụng dantrolen hoặc bromocriptin.

Loạn nhịp tim và loạn tạo máu có thể xảy ra, cần ngừng thuốc an thần ngay lập tức, và chỉ định điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Haloperidol

4.1 Cách dùng

Haloperidol có thể dùng đường uống, tiêm bắp. Còn Haloperidol decanoat là thuốc an thần tác dụng kéo dài, dùng tiêm bắp.

Nên uống haloperidol cùng thức ăn hoặc 1 cốc nước (khoảng 240 ml) hoặc sữa nếu cần. Haloperidol sẽ kết tủa nếu được pha vào cafê hoặc nước chè, do đó không nên uống thuốc cùng hai thứ này.

4.2 Liều lượng

Liều lượng tùy theo từng người bệnh, bắt đầu từ liều thấp trong phạm vi liều thường dùng. Sau khi có đáp ứng tốt (thường trong vòng 3 tuần), liều duy trì thích hợp phải được xác định bằng cách giảm dần đến liều thấp nhất có hiệu quả. Cụ thể với:

Bệnh loạn thần và các rối loạn hành vi kết hợp

  • Người lớn: Ban đầu 0,5 mg – 5 mg, 2 – 3 lần/24h. Liều được điều chỉnh dần khi cần và người bệnh chịu được thuốc. Với trường hợp loạn thần nặng hoặc người bệnh kháng thuốc, liều có thể tới 60 mg một ngày, thậm chí 100 mg/ngày. Liều giới hạn thông thường cho người lớn: 100 mg/ngày.
  • Trẻ em: Trẻ dưới 3 tuổi chưa có liều xác định cụ thể. Với trẻ từ 3 – 12 tuổi (cân nặng 15 – 40 kg): Liều ban đầu 25 – 50 microgam/kg (0,025 – 0,05 mg/kg) mỗi ngày, chia làm 2 lần. Có thể tăng rất thận trọng, nếu cần. Liều tối đa hàng ngày là 10 mg (có thể tới 0,15 mg/kg).
  • Người cao tuổi: 500 microgam (0,5 mg) cho tới 2 mg, chia làm 2 – 3 lần/ngày.

Thuốc tiêm (dùng trong loạn thần cấp)

  • Tiêm bắp ban đầu 2 – 5 mg. Nếu cần 1 giờ sau tiêm lại, hoặc 4 – 8 giờ sau tiêm lặp lại.
  • Ðể kiểm soát nhanh loạn thần cấp hoặc chứng sảng cấp, haloperidol có thể tiêm tĩnh mạch, liều 0,5 – 50 mg với tốc độ 5 mg/phút và lặp lại 30 sau phút nếu cần.
  •  Liều giới hạn thông thường tiêm bắp cho người lớn: 100 mg/ngày.
  •  Liều tiêm thông thường cho trẻ em: Chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả.

Ðiều trị buồn nôn và nôn do các nguyên nhân

Liều thông thường được sử dụng là 1 – 2 mg tiêm bắp, cách nhau khoảng 12 giờ.

5. Lưu ý với tương tác của thuốc Haloperidol

Thận trọng khi điều trị haloperidol đồng thời với các thuốc và chất sau:

  • Rượu: Vì có thể xảy ra chứng nằm ngồi không yên và loạn trương lực sau khi dùng rượu ở những người bệnh đang uống thuốc vì rượu có thể hạ thấp ngưỡng kháng lại tác dụng phụ, gây độc thần kinh.
  • Thuốc chống trầm cảm: Vì có thể có tác dụng dược lý hiệp đồng như tác dụng kháng muscarin hoặc hạ huyết áp, hoặc có tương tác dược động học và ức chế lẫn nhau của những enzym gan liên quan đến chuyển hóa của cả thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Dùng đồng thời với haloperidol các thuốc chống trầm cảm có thể kéo dài và làm tăng tác dụng an thần, kháng acetylcholin của mỗi thuốc đó hoặc của haloperidol.
  • Lithi: Vì có thể gây độc đối với thần kinh hoặc triệu chứng ngoại tháp.
  • Carbamazepin, rifampicin: Vì các thuốc này gây cảm ứng enzym oxy hóa thuốc ở gan (cytochrom P450) và dẫn đến giảm nhiều nồng độ haloperidol trong huyết tương.
  • Methyldopa: Vì có thể làm hạ huyết áp một cách đáng kể; dùng đồng thời với haloperidol có thể gây tác dụng tâm thần không mong muốn như mất khả năng định hướng, chậm suy nghĩ.
  • Levodopa: Có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng rối loạn tâm thần và haloperidol có thể làm giảm tác dụng điều trị của levodopa. 
  • Cocain: Người nghiện cocain có thể tăng nguy cơ phản ứng loạn trương lực cấp sau khi uống thuốc haloperidol.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Có thể gây ngủ gà và lú lẫn nặng…


Do đó, cần tránh dùng hoặc thận trọng khi dùng haloperidol đồng thời với các thuốc trên.

Bảo quản

Kết hợp với chất ổn định benzyl alcol và vanilin có thể bảo vệ haloperidol chống lại sự phân hủy của ánh sáng. Thuốc nên để trong đồ đựng kín ở 15 – 30 o C, tránh ánh sáng và tránh để đông lạnh.

Quá liều và xử trí

Nếu uống quá liều haloperidol, nên rửa dạ dày và uống than hoạt tính ngay. Sau đó người bệnh phải được điều trị tích cực triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Qui chế: Haloperidol được quy vào nhóm thuốc độc bảng B.

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc Haloperidol. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.