Rate this post

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục tương đối phổ biến (chiếm 3-15% trong số các bệnh lây truyền qua đường tình dục). Bệnh thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi quan hệ tình dục. Tuy nhiên triệu chứng bệnh lậu thường khó phát hiện sớm, đặc biệt là ở nữ giới. Hiểu rõ về bệnh, đường lây cũng như triệu chứng bệnh lậu là cách hữu hiệu giúp chúng ta bảo vệ bản thân và gia đình.

Bệnh lậu là bệnh gì?

Bệnh lậu là bệnh nhiễm khuẩn sinh dục – tiết niệu, hậu môn, họng do lậu cầu Neisseria gonorrhoeae (song cầu Gram âm) gây bệnh ở người. 

Bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục và có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24. 

Lậu cầu có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, môi trường khô và chất sát khuẩn thường dùng. Người là vật chủ duy nhất của lậu cầu, thường khu trú trong bộ phận sinh dục – tiết niệu của người bệnh. Ở nam giới, lậu cầu khu trú chủ yếu ở niệu đạo còn ở nữ giới, lậu cầu thường ở cổ tử cung, niệu đạo… Ngoài ra ở hai giới, lậu cầu còn có thể khu trú ở trực tràng, cổ họng. Thông thường bệnh lậu có thời gian ủ bệnh ngắn từ 2 – 5 ngày, dao động trong khoảng 1 – 14 ngày.

Bệnh lậu lây truyền qua những đường nào?

Bệnh lậu lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hay âm đạo với người bị nhiễm bệnh (lây truyền qua chất dịch âm đạo và tinh dịch).

Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh đẻ gây lậu mắt ở trẻ sơ sinh, cách lây truyền khác không qua đường tình dục có thể gặp nhưng rất hiếm.

Bất kỳ người nào có hoạt động tình dục đều có thể nhiễm bệnh. Quan hệ tình dục không có sự bảo vệ (không dùng bao cao su), có nhiều bạn tình hoặc đang mắc một bệnh lây qua đường tình dục khác, dùng chung máy rung hoặc các đồ chơi tình dục khác khi chưa rửa sạch hoặc bọc bằng bao cao su mỗi lần sử dụng… sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lậu. Bệnh gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. 

Người bệnh lậu có thể truyền bệnh trong thời gian nào?

Một người có thể truyền bệnh lậu cho người khác từ lúc họ bị nhiễm bệnh (do quan hệ tình dục không an toàn với một bạn tình bị bệnh) cho đến khi được chữa trị. 

Người bệnh lậu có thể truyền bệnh cho người khác cho dù không có những triệu chứng bệnh. Nếu đang trong giai đoạn điều trị bệnh lậu, hãy ngừng sinh hoạt tình dục và đợi sau khi đã khỏi hẳn 7 ngày. Điều quan trọng là bệnh lậu không phải là bệnh chỉ mắc một lần trong đời, bệnh có thể nhiễm trở lại nhiều lần. Bệnh không có miễn dịch và hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh lậu.

Triệu chứng bệnh lậu ở nam và nữ

Đa số nhiều người không có triệu chứng khi đang mắc bệnh. Nếu có, những triệu chứng  bệnh lậu thường bắt đầu 2 ngày sau khi đã bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn.

Triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới

  • Bệnh lậu ở phụ nữ không biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà thường diễn ra kín đáo, thậm chí 50% trường hợp không biểu hiện triệu chứng bệnh lậu, do đó họ không biết mình bị bệnh, dễ lây lan cho người khác.
  • Tiết dịch âm đạo không bình thường: cổ tử cung chảy chất lỏng màu hơi trắng hoặc vàng xanh kèm theo mủ hoặc dịch đục chảy ra từ niệu đạo, dịch tiết với số lượng nhiều hơn, mùi hôi.
  • Khám thấy cổ tử cung đỏ, phù nên, dễ chảy máu, niệu đạo cũng sưng đỏ.
  • Đau hoặc buốt khi đi tiểu hay trong lúc quan hệ tình dục.
  • Đau bụng hoặc đau lưng
  • Chảy máu âm đạo không phải chu kỳ kinh nguyệt.
  • Có thể có sốt cao.

Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới

  • Thời gian ủ bệnh là từ 3 – 5 ngày sau khi quan hệ với người bị bệnh.
  • Tiết dịch bất thường từ đầu dương vật (chất lỏng như nước hoặc đặc, có màu trắng) còn gọi là chảy mủ niệu đạo, mủ chảy với số lượng nhiều, đôi khi còn có màu vàng đặc hay vàng xanh.
  • Đau hoặc buốt khi đi tiểu, thường xuyên mắc tiểu hơn bình thường.
  • Cảm giác nặng và đau ở tinh hoàn.
  • Sốt, mệt mỏi.

Triệu chứng bệnh lậu chung ở cả nam giới và nữ giới:

  • Có thể có triệu chứng nhiễm trùng hậu môn: gây đau, ngứa ngáy, chảy dịch hoặc chảy máu từ trực tràng (hậu môn) và đau khi đại tiện.
  • Nhiễm trùng đường miệng có thể gây đau họng.

Cách phát hiện bệnh lậu

Cách duy nhất để biết chắc bạn có bị bệnh lậu hay không là làm xét nghiệm, vì đôi khi không biểu hiện triệu chứng bệnh lậu. Bác sĩ sẽ yêu cầu lấy một mẫu nước tiểu hoặc có thể dùng miếng gạc chùi nơi bị nhiễm trùng để xét nghiệm bệnh lậu. Nhiều người có bệnh lậu cũng mang bệnh Chlamydia, và cần phải được xét nghiệm và điều trị cho cả hai.

Người nào nên xét nghiệm bệnh lậu?

  • Tất cả đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới nên xét nghiệm bệnh lậu hàng năm.
  • Người có quan hệ tình dục kèm theo các yếu tố nguy cơ như: quan hệ với nhiều bạn tình, quan hệ không được bảo vệ với một người lạ hoặc có bạn tình mắc bệnh lây qua đường tình dục nên làm xét nghiệm hàng năm.
  • Tất cả phụ nữ mang thai đều nên làm xét nghiệm bệnh lậu.
  • Người được điều trị một bệnh lây qua đường tình dục cần làm xét nghiệm bệnh lậu trong thời gian từ 1 đến 3 tháng sau khi điều trị xong.

Biến chứng của bệnh lậu

Nếu không chữa trị, bệnh lậu có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.

  • Ở nam giới: viêm mào tinh hoàn thường bị một bên và biểu hiện sưng nóng, đỏ đau kèm theo sốt, nếu viêm cả hai bên có thể gây vô sinh. Viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh.
  • Ở nữ giới: viêm vòi trứng, buồng trứng và viêm hố chậu có thể gây chửa ngoài tử cung, vô sinh, viêm hậu môn, trực tràng, có khi viêm tuyến Bartholin, viêm niệu đạo và tuyến Skène.
  • Bệnh lậu cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục khác như là HIV hay Chlamydia.

Bệnh lậu có thể chữa trị được không?

Bệnh lậu là bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Một liều thuốc kháng sinh duy nhất (đường uống hoặc đường tiêm) có thể chữa hầu hết các trường hợp bị bệnh lậu. Tuy nhiên hiện nay lậu cầu kháng thuốc đang là một mối lo ngại ngày càng tăng. Điều trị bệnh lậu có thể đi kèm điều trị nhiễm chlamydia nếu có. Luôn dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, không tự ý nghe người khác mách bảo hoặc chia sẻ thuốc với người khác.

Có nên điều trị cho bạn tình của bệnh nhân không?

Người bạn tình thường xuyên hoặc gần đây (trong vòng 60 ngày vừa qua) của người mắc bệnh lậu cần phải được chữa trị trước khi quan hệ tình dục trở lại, tốt nhất là nên điều trị cả hai cùng một lúc. Có thể tái nhiễm bệnh lậu sau điều trị nếu có quan hệ tình dục với một bạn tình mắc bệnh hoặc một bạn tình mới.

Phòng tránh bệnh lậu

Cách hiệu quả 100% ngăn ngừa bệnh lậu chính là không quan hệ tình dục. Nếu có bạn quan hệ tình dục, bạn chỉ có thể giới hạn rủi ro bằng cách tuân thủ những bước sau:

  • Luôn luôn sử dụng bao cao su hay màng bảo vệ miệng đúng cách khi quan hệ tình dục bằng miệng và/ hoặc âm đạo, hậu môn với đối tác không an toàn để hạn chế lây bệnh lậu.
  • Nên chung thủy với một bạn tình và đảm bảo cả hai âm tính với lậu cầu.
  • Trao đổi với đối tác về tình trạng mắc các bệnh lây qua đường tình dục của họ và yêu cầu họ làm xét nghiệm (nếu cần).
  • Hạn chế sinh hoạt tình dục dưới tác động của ma túy hay rượu vì các chất kích thích làm tăng nguy cơ sinh hoạt tình dục không an toàn.
  • Hãy đến gặp bác sĩ khi cảm thấy có bất kỳ triệu chứng bệnh lậu hoặc bệnh truyền nhiễm nào đó xuất hiện.