Ở nước ta, sốt xuất huyết đã trở thành dịch bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa do muỗi vằn đẻ trứng và phát triển nhiều. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh, trong đó tỉ lệ tử vong chung là 2,5%. Do đó, nếu tự bản thân mỗi người tránh chủ quan khi nghe dịch bệnh bùng phát. Đồng thời tích cực tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết để có cách phòng ngừa và điều trị sớm, thì hoàn toàn có thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh và giúp bảo vệ sức khoẻ của những người thân trong gia đình.
1. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, ổ chứa virus là người và khỉ nhiễm virus. Virus Dengue được truyền sang người do bị muỗi cái thuộc chi Aedes đốt phải, bao gồm Aedes aegypti và Aedes albopictus (dân gian gọi hai loại này là muỗi vằn). Như vậy bệnh không truyền trực tiếp từ người sang người.
Virus Dengue được phân chia thành 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Khi một người nhiễm bất kỳ một type virus Dengue nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm suốt đời với chủng virus đó, tuy nhiên vẫn có thể mắc bệnh trở lại với các type còn lại.
2. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Người có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày. Có biểu hiện xuất huyết thể hiện rõ từ ngày thứ 2 – 3 của bệnh dưới nhiều hình thái: Dấu hiệu dây thắt dương tính, xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc ở niêm mạc.
– Dấu hiệu dây thắt (nghiệm pháp dây thắt): là một nghiệm pháp dùng để đánh giá sức bền thành mạch, mà chủ yếu là mao mạch. Về phương pháp, bác sĩ sẽ dùng máy đo huyết áp (huyết áp kế) để quan sát sự xuất hiện của các nốt xuất huyết trên cơ thể, để chẩn đoán và phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh sốt xuất huyết.
– Khi xuất huyết dưới da: trên cơ thể xuất hiện các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước 2 cẳng chân và mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
– Khi xuất huyết ở niêm mạc: người bệnh bị chảy máu mũi, lợi (nướu), đôi khi xuất huyết ở kết mạc và tiểu ra máu. Đối với phụ nữ, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
Đối với trẻ em, đau họng và đau bụng là những triệu chứng tiêu biểu. Khi có dấu hiệu hạ sốt từ ngày thứ 3 – 8, thường có kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ ( bao gồm các nốt chấm xuất huyết dưới da và chảy máu mũi)
Khi chính bạn hoặc bất kỳ người thân nào trong gia đình có các biểu hiện như sốt vật vã, bứt rứt hoặc li bì, đau, lạnh chân tay, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, đau họng, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau vùng thượng vị, tiểu ít hoặc tiêu chảy là những dấu hiệu trở nặng của bệnh. Lúc này, cần được đưa đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để kịp điều trị.
3. Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
– Không ăn thực phẩm sẫm màu: cần tránh, không để bệnh nhân ăn hoặc uống các loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh, để nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.
– Chọn thức ăn lỏng: do cơ thể khi sốt rất mệt mỏi, nên cần ưu tiên tối đa trong lúc này những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu, mỡ sẽ đầy bụng khó tiêu. Bệnh nhân không cần kiêng cữ quá mức mà cần ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Ví dụ như cháo cá, cháo thịt băm nấu cùng với một ít rau củ quả các loại. Cho ăn từng ít một, nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng nôn ói.
– Theo dõi phác đồ điều trị: chủ động hỏi bác sĩ về liệu pháp điều trị, khi quan sát thấy các vấn đề bất thường ở người bệnh. Cần theo đúng đơn thuốc và tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc hạ sốt, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ xuất huyết.
– Lau mát thường xuyên: song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân để giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Cách lau mát đúng là dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm vừa phải, sau đó vắt khô lau trán, mặt, tay chân, các vùng nách, bẹn… Không được dùng nước đá, nước lạnh để lau vì càng khiến cơ thể bị sốc nhiệt, sốt cao hơn.
– Tái khám hàng ngày: đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú cần tái khám hàng ngày, không được tự ý ngừng tái khám dù thấy bệnh tình không trầm trọng hoặc hết sốt. Vì nếu không theo dõi sát sao, có những trường hợp bệnh sẽ trở nặng hơn mặc dù đã hết sốt.
4. Cách phòng chống
Hiện nay chưa có vắc xin, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết vì vậy cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh:
+ Phòng ngừa để không bị muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, đối với trẻ em không cho trẻ chơi đùa ở những nơi thiếu ánh sáng hay ẩm thấp, thường xuyên thoa kem chống muỗi và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.
+ Diệt muỗi và lăng quăng: Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, mỗi gia đình nên thực hiện phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp ao tù nước đọng không cho lăng quăng sinh sôi, phát triển.
+ Khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Một nghiên cứu tại trường đại học Mahidol (Thái Lan) với sự cộng tác của WHO, vắc xin chống cả bốn loại huyết thanh virus gây bệnh đang được phát triển và hoàn thiện. Vắc xin này tỏ ra an toàn và hiện đang được đưa vào dùng thử nghiệm trên lâm sàng. Hiện nay vắc xin chống sốt xuất huyết cả 4 chủng huyết thanh của Dengue virus đang ở pha 2 thử nghiệm lâm sàng.
Xem thêm
Be the first to write a comment.