Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, nguyên nhân của bệnh tiểu đường không phải ai cũng hiểu rõ. Nhiều trường hợp khi phát hiện ra bệnh thì nó đã chuyển sang giai đoạn gây biến chứng nặng. Điều này dẫn đến quá trình điều trị phức tạp hơn và lệ phí cao hơn so với điều kiện tài chính. Vậy nên, nguyên nhân của bệnh tiểu đường bao gồm các yếu tố nào? Có thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường hay không? Hãy cùng ICondom tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Bệnh tiểu đường là gì
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý rối loạn quá trình chuyển hóa insulin trong cơ thể rất phổ biến hiện nay. Sự rối loạn này dẫn đến lượng đường trong máu đột ngột tăng cao và gây ra rất các biến chứng nguy hiểm. Bệnh tiểu đường khiến cơ thể con người dần mất đi khả năng sản xuất insulin, đồng thời không thể sử dụng insulin một cách thích hợp.
Phân loại
Bệnh tiểu đường tuýp 1: Hệ thống miễn dịch của cơ thể thông thường chỉ chống lại các tác nhân và yếu tố gây hại từ bên ngoài. Vì một lý do nào đó chúng đã chuyển sang tấn công các tế bào tuyến tụy tiết insulin. Điều này gây ra chứng rối loạn tự miễn, dẫn đến sự thiếu hụt insulin trong cơ thể, khiến cơ thể bị tăng lượng đường huyết.
Bệnh tiểu đường tuýp 2: Đây được xem là loại tiểu đường phổ biến nhất, thường xuất hiện ở người trưởng thành. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trường hợp tiểu đường tuýp 2 xuất hiện ở độ tuổi vị thành niên. Ở loại này, cơ thể của bạn trở nên đề kháng với insulin. Hơn nữa, insulin không thể thực hiện đúng chức năng của chúng. Điều này dẫn đến đường sẽ ngày càng tích tụ lại trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào để tạo ra năng lượng. Lúc này các tế bào sẽ bị đói đồng nghĩa với việc lượng glucose trong máu sẽ tăng cao.
Tiểu đường thai kỳ: Loại này chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai và thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28 với một số triệu chứng rõ rệt. Tiểu đường thai kỳ cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai nếu phụ nữ mang thai không điều trị kịp thời. Đồng thời dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ lẫn con.
Triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường
Nếu cơ thể bạn xuất hiện một số triệu chứng sau đây, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và gặp bác sĩ tư vấn để kịp thời tìm hiểu nguyên nhân nhé:
- Có cảm giác buồn nôn.
- Tay chân bị yếu dần.
- Cảm thấy khát nhiều, khô miệng hoặc đi tiểu thường xuyên.
- Thở gấp hơn.
- Liên tục sụt cân.
- Vết thương lâu lành.
- Luôn cảm thấy cơ thể kiệt sức và mệt mỏi, đau vùng bụng.
- Thường xuyên nhiễm trùng âm đạo (ở phụ nữ).
- Ngứa da (ở bẹn hoặc khu vực âm đạo).
Các nguyên nhân của bệnh tiểu đường
Việc tìm hiểu và nhận biết một số nguyên nhân của bệnh tiểu đường có thể giúp phòng ngừa kịp thời trước khi bệnh diễn biến phức tạp hơn. ICondom xin chia sẻ đến độc giả các nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường:
Thừa cân béo phì, dư thừa mỡ cơ thể
Theo số liệu ước tính từ Bộ Y Tế, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới sẽ có nguy cơ tăng đến khoảng 642 triệu người vào năm 2040. Đồng nghĩa với việc cứ 10 người lớn thì sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, tỷ lệ người có thể trạng thừa cân, béo phì cũng đột ngột tăng cao do điều kiện sống và sinh hoạt ngày nay được cải thiện rất nhiều so với lúc trước.
Sở dĩ bệnh tiểu đường và thừa cân béo phì có mối liên hệ mật thiết với nhau là vì khả năng tổng hợp insulin của tuyến tụy ở người béo phì sẽ giảm, từ đó dẫn đến khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể cũng giảm theo. Điều này khiến cho những người thừa cân béo phì sớm trở thành nạn nhân của bệnh tiểu đường. Vì họ có nguy cơ cao dư thừa lượng đường huyết trong cơ thể, là nguyên nhân của bệnh tiểu đường.
Trong giai đoạn đầu của tình trạng thừa cân, chức năng sản xuất insulin của người béo phì vẫn còn bình thường. Nhưng dần dần do sự đề kháng insulin phát triển mạnh mẽ khiến hiệu quả hoạt động của chúng bị giảm sút. Vậy nên, căn bệnh tiểu đường thường có khả năng xuất hiện cao ở những người thừa cân béo phì.
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý, đồng thời có thói quen ít vận động nên dẫn đến béo phì. Theo các thống kê từ những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh ở người béo phì cao gấp 2-3 lần so với người gầy.
Stress và căng thẳng kéo dài
Stress và căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân của bệnh tiểu đường mà chúng ta chủ quan nhất. Trong cuộc sống hiện nay, con người thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố gây nên tình trạng stress kéo dài. Khi này, stress có thể làm gia tăng mắc bệnh tiểu đường rất nhanh. Vì khi tâm trí chán nản, mệt mỏi và bực bội,… các hormone làm tăng lượng đường huyết trong máu và tính kháng insulin được đẩy mạnh hơn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉ ra rằng, những người trong tình trạng chịu stress kéo dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 57% so với những người có cuộc sống tinh thần thoải mái. Để có được số liệu này, họ đã phải thực hiện nghiên cứu theo dõi gần 3.800 công nhân dầu khí trong 12 năm liên tục (Theo Reuters).
Thói quen sống ít vận động
Vận động thể dục thể thao đều đặn, hợp lý luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sở dĩ việc ít vận động có thể trở thành nguyên nhân của bệnh tiểu đường là vì khi không vận động, tế bào sẽ không có sự phản ứng với insulin. Trong khi tụy chính là nơi sản sinh ra insulin và giúp tế bào hấp thu glucose từ trong máu để tạo ra năng lượng. Vậy nên, đối với nhóm người làm việc và ngồi liên tục 8 tiếng trong môi trường văn phòng sẽ gây ra tình trạng suy giảm phản ứng với insulin, bệnh tiểu đường càng có cơ hội tiếp cận đến cơ thể.
Bên cạnh đó, khi chúng ta tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng với thói quen ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân của bệnh tiểu đường như ICondom đã có đề cập ở trên
Sỏi thận làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Bệnh sỏi thận và tiểu đường khá tương đồng nhau về một số biểu hiện và yếu tố nguy cơ gây bệnh, theo một vài nghiên cứu trong những năm gần đây. Nghiên cứu chỉ ra rằng, cả 2 đều có biểu hiện béo phì và đạt tỉ lệ mắc bệnh cao ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, những người có tiền sử bệnh sỏi thận dễ có chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hơn trong vòng 5 năm tới so với những người không mắc bệnh sỏi thận.
Các loại thịt đỏ gây tình trạng đề kháng insulin
Theo các nhà nghiên cứu, các loại thịt đỏ đã chế biến như xúc xích kẹp bánh mì hot dog, thịt lợn muối xông khói,… có chứa một lượng chất bảo quản với hàm lượng cao nitrate. Chất này có khả năng làm cho cơ thể tăng nguy cơ đề kháng với insulin, thuộc nguyên nhân của bệnh tiểu đường.
Bên cạnh một số nguyên nhân như trên, bệnh tiểu đường còn có một số nguyên nhân khách quan khác mà ít người để ý đến:
- Ngủ không đủ giấc: Tình trạng ngủ không đủ giấc kéo dài lâu ngày có thể khiến cơ thể bị rối loạn đồng hồ sinh học. Điều này vô tình làm tăng hàm lượng hormone gây stress, là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường.
- Buồng trứng đa nang: Ít người biết đến sự liên quan mật thiết giữa bệnh tiểu đường và buồng trứng đa nang. Vì sự xuất hiện tình trạng mất cân bằng insulin còn có thể được gây ra bởi đa nang buồng trứng. Khi mức insulin bắt đầu tăng nhiều thì người phụ nữ cũng có thể mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.
- Bỏ bữa ăn sáng: Các chuyên gia Úc trong những năm gần đây đã phát hiện những người có thói quen bỏ bữa sáng thường xuyên dễ gặp tình trạng hạ đường huyết bất ngờ. Đồng thời dẫn đến thói quen thèm món ăn ngọt. Việc đáp ứng nhu cầu ăn đồ ngọt sẽ làm lượng đường huyết trong cơ thể tăng đột ngột và kích thích sản sinh insulin quá mức. Đây cũng là một nguyên nhân của bệnh tiểu đường cần được chú ý.
Giải pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường
Chế độ ăn uống lành mạnh
Hiện nay ngày càng có nhiều người trẻ trở thành nạn nhân của căn bệnh tiểu đường và không dừng lại ở bất kỳ độ tuổi nào. Vậy nên, việc xây dựng cho bản thân một chế độ ăn khoa học để phòng ngừa bệnh tiểu đường là điều rất cần thiết:
- Tăng cường ăn rau xanh kết hợp một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ hòa tan cao (đậu nguyên vỏ, yến mạch, gạo lứt, khoai lang).
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, cà phê, đồ uống có cồn như rượu bia,…
- Cân nhắc khi ăn các loại thịt đỏ vì chúng có hàm lượng cholesterol cao.
- Có thể tham khảo sử dụng quế hoặc các món ăn có hương vị quế. Bởi quế đã được các nhà khoa học Đức chứng minh là nguyên liệu có tác dụng kiểm soát lượng đường huyết rất tốt cho cơ thể.
Duy trì thói quen vận động
Vận động chính là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp cơ thể sử dụng insulin đúng cách. Insulin là nhân tố giúp vận chuyển đường vào từng tế bào để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu không được vận chuyển đúng đích đến, insulin sẽ tiếp tục quẩn quanh trong mạch máu dần dần sẽ sinh ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bắt đầu thói quen vận động chưa bao giờ là muộn. Một số bài tập đơn giản và không tốn quá nhiều thời gian có thể mang đến lợi ích không ngờ:
- Tập yoga, thiền định.
- Đạp xe.
- Bơi lội.
- Đi bộ kết hợp điều chỉnh cách thở.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, vui chơi giải trí ngoài trời,… để tinh thần thoải mái hơn.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý
Hãy tập thói quen ngủ sớm trước 11 giờ đêm và duy trì ngủ đủ giấc 6 – 8 tiếng/ ngày để đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái đầy năng lượng nhất. Khi mất ngủ, không chỉ có hệ thống thần kinh mà cả đồng hồ sinh học của cơ thể cũng sẽ bị rối loạn. Điều này sẽ tác động đến hormone insulin, làm tăng lượng đường huyết đột ngột. Bên cạnh đó, để chất lượng giấc ngủ được tốt nhất, chúng ta nên tránh xem tivi hay sử dụng thiết bị điện tử quá khuya, hạn chế uống cà phê vào buổi tối,…
Giảm stress và căng thẳng cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình phòng ngừa bệnh tiểu đường. Bởi tình trạng stress kéo dài có thể làm cho lượng đường huyết tăng đột ngột, tim đập nhanh hơn, nhịp thở nhanh,… gây ra tình trạng đề kháng insulin và đường dồn ứ ở mạch máu cũng ở mức cao. Vậy nên, hãy tìm đến những thói quen, sở thích dành cho bản thân để có thể giải tỏa stress.
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa bệnh tiểu đường đã được giải đáp trong bài viết trên. Với những thông tin ICondom cung cấp, hy vọng quý độc giả sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về tiểu đường và có những điều chỉnh kịp thời trong lối sống sinh hoạt để làm chủ được căn bệnh này nhé!
Xem thêm
Be the first to write a comment.