Chị em thường quan niệm rằng, vào những ngày “đèn đỏ” thì cần phải chú ý giữ gìn sức khỏe và hạn chế tối đa những việc khiến mình có thể mất máu nhiều hơn. Vậy xét nghiệm máu khi đang hành kinh có ảnh hưởng đến kết quả không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ hơn về vấn đề này.
Có kinh xét nghiệm máu được không?
Kinh nguyệt xuất hiện là do lớp niêm mạc tử cung bị bong ra, tạo thành máu và chảy ra bên ngoài âm đạo, nó chảy theo chu kỳ và tạo thành vòng kinh. Đây là một hoạt động sinh lý bình thường của chị em và nó chịu ảnh hưởng nhiều bởi các hormone estradiol và progesteron. Nếu chu kì kinh nguyệt của chị em bị rối loạn đồng nghĩa với việc bạn cũng đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe và khả năng sinh sản.
Thông thường, kết quả xét nghiệm máu sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kì kinh nguyệt mà nó chủ yếu tùy thuộc vào hình thức xét nghiệm mà bạn thực hiện, như chuyên sâu về hormone hay xét nghiệm máu thông thường. Bởi trong ngày kinh nguyệt, nồng độ các hormone có sự thay đổi đáng kể. Do đó nếu phải làm các xét nghiệm chuyên sâu về hormone thì tốt nhất chị em nên đợi cho đến khi hết ngày kinh nguyệt thì mới thực hiện xét nghiệm.
Như vậy, khi có kinh bạn vẫn có thể xét nghiệm máu được nếu như đó là đối với những xét nghiệm máu thông thường như: xét nghiệm glucose máu, xét nghiệm công thức máu, ure máu, creatinin, men gan, lipid… Nếu thực hiện các xét nghiệm này thì kết quả sẽ không bị ảnh hưởng dù bạn có trong kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, trong kỳ kinh nguyệt, dù lượng hồng cầu và bạch cầu có bị thay đổi nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép nên bạn vẫn có thể tiến hành lấy máu xét nghiệm bình thường.
Những lưu ý trước khi lấy máu xét nghiệm
Thuốc nội tiết là một trong những loại thuốc được bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng khi bạn đang đến ngày “đèn đỏ”. Bởi những ngày này, cơ thể của phụ nữ có thể bị mất cân bằng nội tiết tố, do đó nếu dùng thuốc nội tiết sẽ khiến cho cơ thể bị rối loạn nội tiết, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Trong các loại thuốc nội tiết thường có chứa estrogen, progesterone và androgen. Các thành phần này có thể làm giảm kinh nguyệt, khiến tình trạng kinh nguyệt không đều. Ngoài ra chúng còn có khả năng gây chảy máu âm đạo và làm đau vú. Do đó, chị em nên lưu ý điều này và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành xét nghiệm máu.
Có những loại xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác khi người bệnh nhịn đói từ 4 – 6 giờ trước khi làm xét nghiệm. Nguyên do là do sau khi ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành đường glucose để ruột hấp thụ và biến đổi thành năng lượng nuôi cơ thể. Lúc đó, lượng đường và lượng mỡ trong máu tăng lên cao, làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Thế nhưng, không phải bất kỳ xét nghiệm máu nào bạn cũng cần nhịn đói, đặc biệt là khi bạn đang đến kì kinh nguyệt.
Như vậy sẽ khiến người bệnh bị hạ đường huyết và ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị em chỉ cần nhịn đói khi đi làm xét nghiệm các bệnh như: bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh gan mật… Còn những bệnh khác như: suy thận, cường giáp, HIV, Alzheimer… thì không cần phải nhịn đói.
Bạn cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá… trước khi lấy máu xét nghiệm khoảng 12h để có kết quả chính xác nhất.
Xem thêm
Be the first to write a comment.