Trễ kinh là một vấn đề gây lo lắng cho không ít chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các nguyên nhân trễ kinh. Bài viết sẽ cung cấp những nguyên nhân trễ kinh thường gặp cho bạn.
Trễ kinh là gì?
Hầu hết những người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ có khoảng cách giữa hai lần hành kinh, hay chính là thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt, trung bình là 28 ngày, nhưng có thể dao động từ 21 đến 35 ngày. Như vậy, nếu sau 35 ngày kể từ lần hành kinh cuối cùng mà bạn vẫn chưa hành kinh trở lại thì có thể bạn đã thật sự trễ kinh.
Các nguyên nhân trễ kinh thường gặp
Mang thai
Mang thai là nguyên nhân trễ kinh thường được phụ nữ nghĩ đến nhiều nhất. Trễ kinh do mang thai thường kèm theo các dấu hiệu khác như chuột rút, đầy hơi, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, căng và đau ngực… Cách nhanh và dễ dàng nhất để kiểm tra xem có phải mang thai là nguyên nhân trễ kinh hay không là sử dụng que thử thai tại nhà.
Que thử thai giúp phát hiện nội tiết tố hCG (Human Chorionic Gonadotropin) được giải phóng trong nước tiểu khi bạn có thai. Xét nghiệm này đáng tin cậy nhất vào thời điểm một ngày sau khi bạn phát hiện mình trễ kinh. Tuy nhiên, có một số loại que thử thai rất nhạy, có thể phát hiện tình trạng có thai 5 ngày trước khi bạn bị trễ kinh.
Căng thẳng
Như bạn đã biết thì căng thẳng có thể gây ra một số vấn đề khó chịu như đau đầu, tăng cân, mụn trứng cá và đồng thời nó cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn. Khi bạn bị căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra các nội tiết tố để đáp ứng với tình trạng căng thẳng.
Các nội tiết tố này là adrenaline và cortisol với nồng độ cao, làm não bộ phải quyết định chức năng cơ thể nào là cần thiết và không cần thiết cho đến khi tình trạng căng thẳng kết thúc.
Điều này có thể dẫn đến tăng lượng máu cung cấp cho cơ bắp và phổi. Trong khi ở những vị trí khác, như hệ tiêu hóa và hệ sinh dục, sẽ có lượng máu tạm thời sụt giảm đáng kể trong một số trường hợp, dẫn đến bạn có thể bị trễ kinh. Nếu bạn bị căng thẳng, hãy thử tập cách thư giãn và thay đổi lối sống.
Bệnh mãn tính
Các bệnh mãn tính như đái tháo đường và bệnh Celiac (bệnh dị ứng hay không dung nạp gluten) cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và là nguyên nhân trễ kinh của bạn. Trong bệnh đái tháo đường, sự thay đổi về lượng đường trong máu có có ảnh hưởng đến sự thay đổi nội tiết tố, do đó bệnh đái tháo đường có thể khiến bạn bị trễ kinh.
Bệnh Celiac gây viêm ruột non, thậm chí có thể dẫn đến tổn thương ruột non, điều này có thể ngăn cơ thể bạn hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng và hậu quả là bạn sẽ bị trễ kinh. Thậm chí, khi bạn mắc các bệnh lý nhẹ như cảm cúm thông thường cũng có thể là nguyên nhân trễ kinh do các bệnh lý này làm cơ thể bạn không khoẻ, tạo điều kiện dễ dẫn đến trễ kinh.
Cân nặng
Cân nặng của bạn có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, một thành phần quan trọng của não bộ chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiều quá trình khác nhau trong cơ thể và kể cả chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Giảm cân quá mức, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng hoặc quá gầy có thể tác động đến vùng dưới đồi và khiến cơ thể bạn không giải phóng đủ lượng nội tiết tố estrogen cần thiết để phát triển niêm mạc tử cung. Điều tương tự cũng xảy ra với các rối loạn ăn uống như chứng cuồng ăn và chứng chán ăn. Các rối loạn này cũng khiến nồng độ estrogen giảm xuống rất thấp.
Mặt khác, thừa cân hoặc tăng cân quá nhanh và quá nhiều có thể khiến cơ thể bạn sản xuất quá nhiều estrogen. Thừa cân hoặc tăng cân quá nhanh và quá nhiều có thể khiến bạn không rụng trứng trong nhiều tháng và khiến nội mạc tử cung phát triển quá mức và trở nên không ổn định, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và trễ kinh. Thông thường, cố gắng tăng cân nếu bạn thiếu cân hoặc giảm cân nếu bạn thừa cân sẽ giúp cho kinh nguyệt của bạn có thể trở lại bình thường.
Tập thể dục quá sức
Tất nhiên tập thể dục sẽ rất tốt cho sức khoẻ của bạn. Tuy nhiên, khi bạn quá lạm dụng việc tập thể dục, cũng như lạm dụng ăn kiêng để giảm cân thì cơ thể bạn sẽ không sản xuất đủ estrogen để duy trì chu kỳ kinh nguyệt một cách bình thường.
Một số phụ nữ, chẳng hạn như vũ công ba lê, vận động viên thể dục dụng cụ hay vận động viên các môn thể thao chuyên nghiệp khác, sẽ có nguy cơ bị vô kinh cao hơn (không có kinh trong vòng 3 tháng liên tiếp trở lên). Tập thể dục quá sức mà không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng có thể là nguyên nhân trễ kinh.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang lạm dụng việc tập thể dục quá sức bao gồm: buộc bản thân phải luyện tập ngay cả khi bị chấn thương chưa ổn định, bệnh tật hoặc thời tiết khắc nghiệt, giảm cân quá nhanh hoặc sức khoẻ thể lực giảm sút. Do đó để phòng tránh nguyên nhân trễ kinh này, bạn cần tập thể dục vừa sức, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì kinh nguyệt của bạn có thể sẽ không còn trễ nữa.
Thay đổi thời gian biểu
Thay đổi thời gian biểu là một trong những nguyên nhân trễ kinh ít được ngờ tới. Việc thay đổi thời gian biểu của bản thân như làm việc ca đêm thay vì ban ngày hoặc ngược lại hay đi du lịch nhiều nơi xa khác múi giờ trong một khoảng thời gian ngắn, có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học của bạn, dẫn đến thay đổi nồng độ nội tiết tố trong cơ thể.
Do đó, nó có thể khiến bạn bị trễ kinh. Tuy nhiên, khi cơ thể bạn quen dần với sự thay đổi thời gian biểu này thì tình trạng trễ kinh sẽ biến mất.
Cho con bú
Nếu bạn đang cho con bú, bạn có thể thấy kinh nguyệt của mình đến trễ trong thời gian đầu. Nguyên nhân là do nội tiết tố prolactin có vai trò sản xuất sữa mẹ, cũng có tác dụng ngăn chặn hiện tượng kinh nguyệt và gây ra trễ kinh.
Nhiều bà mẹ sẽ không có kinh nguyệt trong nhiều tháng ở giai đoạn cho con bú sau sinh. Tuy nhiên, không có kinh nguyệt không đồng nghĩa với không có rụng trứng. Bạn nên lưu ý nhiều trường hợp, rụng trứng xảy ra trước khi bạn có kinh nguyệt. Do đó, bạn hoàn toàn có thể có thai trước khi bạn có kinh.
Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng có thai ngoài ý muốn trong thời gian đầu sau sinh con, bạn hãy sử dụng các biện pháp tránh thai. Kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại trong vòng 6 đến 8 tuần sau khi cai sữa cho con. Nếu bạn không có kinh nguyệt trong vòng 3 tháng sau khi bạn ngừng cho con bú, hãy đến bác sĩ khám để được chẩn đoán và điều trị.
Biện pháp tránh thai và các loại thuốc điều trị
Một trong những nguyên nhân trễ kinh phổ biến nhất chính là các biện pháp tránh thai. Các biện pháp tránh thai chứa nội tiết tố estrogen hoặc progestin như thuốc viên hoặc miếng dán có tác dụng tránh thai bằng cách ngăn rụng trứng và đồng thời làm lớp niêm mạc tử cung mỏng đến mức không có lớp nào bị bong ra hàng tháng.
Có thể mất đến 6 tháng để chu kỳ kinh nguyệt của bạn trở nên ổn định sau khi sử dụng thuốc tránh thai. Đặc biệt, có một số biện pháp tránh thai có thể làm kinh nguyệt bạn mất đi trong thời gian dài (từ 3 tháng trở lên), chẳng hạn như thuốc tiêm tránh thai Depo-Provera hoặc dụng cụ tử cung Mirena có thêm nội tiết tố tránh thai.
Đặc biệt, thuốc tránh thai khẩn cấp, còn được gọi là thuốc tránh thai uống “sáng hôm sau” rất dễ ảnh hưởng đến kinh nguyệt và là một nguyên nhân trễ kinh. Một số loại thuốc khác cũng có thể là nguyên nhân trễ kinh như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, corticosteroid hoặc thuốc sử dụng trong hoá trị liệu.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là bệnh lý gây mất cân bằng các nội tiết tố trong cơ thể, cụ thể là tình trạng mà cơ thể bạn sản xuất nhiều nội tiết tố nam androgen và đề kháng với nội tiết tố insulin, từ đó có thể gây ra u nang buồng trứng và ngăn chặn kinh nguyệt gây ra trễ kinh.
Ngoài ra, hội chứng buồng trứng đa nang còn có thể gây tăng cân, mụn trứng cá, rụng tóc, rậm lông và thậm chí vô sinh. Bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các nội tiết tố trong máu nếu nghi ngờ hội chứng này là nguyên nhân trễ kinh của bạn. Nếu đây là nguyên nhân trễ kinh, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng một số loại thuốc tránh thai, cũng như các loại thuốc khác để điều chỉnh lại kinh nguyệt của bạn.
Rối loạn chức năng tuyến giáp
Rối loạn chức năng tuyến giáp cũng là một nguyên nhân trễ kinh thường gặp. Tuyến giáp là tuyến nội tiết điều hoà quá trình trao đổi chất trong cơ thể bạn. Nếu chức năng tuyến giáp bị rối loạn thì có thể gây ra những thay đổi về kinh nguyệt. Nếu tuyến giáp hoạt động quá mức, ví dụ trong bệnh lý cường giáp, có thể làm bạn bị trễ kinh và lượng máu kinh nguyệt ra ít hơn bình thường.
Các triệu chứng khác khi tuyến giáp hoạt động quá mức bao gồm giảm cân, nhịp tim nhanh, tăng tiết mồ hôi và khó ngủ. Nếu tuyến giáp hoạt động kém, thường xuất hiện trong bệnh lý suy giáp, cũng có thể gây trễ kinh nhưng lượng máu kinh nguyệt thường ra nhiều hơn. Ngoài ra, còn có thể kèm theo các triệu chứng như tăng cân, mệt mỏi, khô da và rụng tóc.
Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị rối loạn chức năng tuyến giáp hay không. Các vấn đề về rối loạn chức năng tuyến giáp thường có thể điều trị khỏi bằng thuốc. Sau khi điều trị, kinh nguyệt của bạn có thể sẽ không trễ nữa.
Tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là một nguyên nhân trễ kinh mà bạn khó có thể tránh khỏi. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51. Khoảng thời gian từ 2 đến 8 năm trước đó, người phụ nữ sẽ trải qua một thời kỳ thường được gọi là tiền mãn kinh.
Trong thời kỳ này, buồng trứng của bạn thường bị suy giảm chức năng nên sẽ dần tạo ra lượng nội tiết tố estrogen ít hơn, để chuẩn bị chuyển sang thời kỳ mãn kinh. Trong thời gian này, sẽ không có gì lạ khi cơ thể của bạn có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt như kinh nguyệt có thể đến sớm hoặc đến trễ, ngắn hơn hoặc dài hơn, lượng máu kinh nguyệt ra ít hơn hoặc nhiều hơn. Bạn cũng có thể gặp phải những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khó ngủ, âm đạo khô hoặc tâm trạng thay đổi thất thường.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng của bản thân, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được bác sĩ kiểm tra nồng độ nội tiết tố bằng xét nghiệm máu và tuỳ theo từng trường hợp sẽ có biện pháp xử trí tối ưu cho bạn.
Bạn nên đi gặp bác sĩ trong những trường hợp trễ kinh nào?
Bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân trễ kinh và thảo luận về các phương pháp điều trị cho bạn. Bạn cần nói cho bác sĩ biết về những thay đổi khác trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn cũng như tình trạng sức khoẻ và bệnh lý để bác sĩ có thể dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Nếu bạn bị trễ kinh kèm theo các triệu chứng sau thì bạn hãy nên đi gặp bác sĩ ngay:
- Chảy máu kinh nguyệt nặng.
- Sốt.
- Đau bụng kinh dữ dội.
- Buồn nôn và nôn ói.
- Thời gian chảy máu kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày.
- Chảy máu âm đạo sau khi bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh và không có kinh nguyệt trong vòng 1 năm.
(ICondom chuyển ngữ từ Whattoexpect – Healthline)
Be the first to write a comment.