Biến chứng của bệnh sỏi thận sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Do đó, khi mắc bệnh cần sớm khắc phục và điều trị dứt điểm.
Sỏi tiết niệu chiếm 45 – 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 – 80%. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng khó lường như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn…
Theo thống kê của các nhà khoa học thì sỏi thận thường chiếm tỷ lệ cao hơn ở nam giới nhưng tỷ lệ nữ giới cũng đang ngày càng gia tăng. Một thực tế đáng buồn là tình trạng tái phát bệnh rất cao sau điều trị.
Những đối tượng dễ mắc bệnh sỏi thận
Các chuyên gia khuyến cáo những đối tượng dễ mắc bệnh lý sỏi thận nhất thuộc nhóm
1. Người thiếu canxi
Chúng ta vẫn thường nghĩ canxi là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận. Điều này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, mọi người luôn nghĩ sỏi thận là do thừa canxi gây nên nhưng trên thực tế nó lại hoàn toàn ngược lại. Những người bị thiếu canxi mới là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này.
Điều này đã được các chuyên gia thuộc trường Đại học Harvard chứng minh trong một nghiên cứu vào năm 2013.
2. Những người có chế độ ăn nhiều muối
Khi cơ thể chúng ta có natri cao sẽ làm gia tăng lượng canxi trong hệ bài tiết và đây chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Với những người bình thường lượng muối được khuyến cáo là
2.300mg/ngày, người cao huyết áp chỉ sử dụng mức 1.500mg/ ngày.
3. Người ăn quá nhiều thịt và không ăn trái cây họ cam, quýt
Các loại quả họ cam quýt có chứa một chất citrate – chất giúp làm giảm nguy cơ bị sỏi thận. Nếu bạn là người không ăn các loại trái cây này thì sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đồng thời tiêu thụ quá nhiều thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ khiến cho bạn dễ mắc sỏi thận. Đây là một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng vào năm 2014.
4. Người yêu thích trà
Trong trà có chứa chất oxalate – chất có thể tạo thành sỏi thận. Vì vậy việc uống quá nhiều trà mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận của bạn.
5. Người bị nhiễm trùng đường niệu nhiều lần
Khả năng mắc bệnh sỏi thận rất cao khi bạn bị viêm đường tiết niệu tái diễn nhiều lần.
6. Người dùng thuốc nhuận tràng thường xuyên
Những người sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên sẽ gặp phải tác dụng phụ là mất cân bằng điện giải và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra căn bệnh sỏi thận.
7. Người mắc bệnh viêm đường ruột
Tạp chí quốc tế về bệnh thận năm 2013 đã tuyên bố rằng người mắc bệnh viêm đường ruột thường có nguy cơ cao bị sỏi thận. Đặc biệt là những người viêm loét đại tràng và mắc bệnh Crohn.
8. Người thừa cân béo phì
Tạp chí Tiết niệu năm 2011 đã công bố rằng những phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn 35% so với những người bình thường khác.
Để phòng tránh sỏi thận, chúng ta cần loại trừ những nguyên nhân gây bệnh bằng việc cân đối lại thói quen sinh hoạt hàng ngày, khắc phục những việc làm có hại có thận.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh sỏi thận, người bệnh cán đến thăm khám chuyên khoa và được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn, áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất để tránh gây ra những biến chứng lớn do bệnh gây ra.
Những biến chứng của bệnh sỏi thận cần được đề phòng
Người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng của bệnh sỏi thận nếu không điều trị đúng và kịp thời.
Theo PGS.TS Đỗ Trường Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Sỏi nhỏ trong thận có thể di chuyển xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận, xuống bàng quang và bệnh nhân có thể đi tiểu ra ngoài hoặc sỏi gây tắc nghẽn niệu quản dẫn đến ứ nước, ứ mủ thận và suy chức năng thận có sỏi.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Viêm quanh thận xơ hoá (fibrose – xanthogranulomatose); Cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn.
1. Biến chứng tắc đường tiết niệu
Sỏi ở đài thận, bể thận khi phát triển đến một mức độ nhất định sẽ di chuyển, rơi vào bàng quang, xuống niệu quản hoặc niệu đạo gây nên tình trạng tắc đường tiết niệu.
Người bệnh sẽ gặp phải các cơn đau buốt bởi nó là hệ quả của việc niệu đạo co bóp mạnh để tống sỏi, nước tiểu ra ngoài.
2. Biến chứng nhiễm trùng niệu đạo
Nhiễm trùng niệu đạo do việc ứ đọng nước tiểu, tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm. Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng sốt cao, tiểu rắt, tiểu buốt, đau lưng, nước tiểu đục.
Tình trạng này kéo dài có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hóa mủ.
3. Biến chứng suy thận
Suy thận là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều người bởi sự tắc nghẽn xảy ra ở cả 2 bên thận gây vô niệu. Các mô thận dần bị hủy hoại khi xảy ra tình trạng ứ nước và nhiễm trùng. Người bệnh sẽ cần phải được chạy thận gấp để duy trì sự sống.
4. Biến chứng vỡ thận
Vách thận mỏng cùng với việc bị ứ nước quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng vỡ thận. Tuy nhiên đây là biến chứng khá hiếm gặp.
Lời khuyên tốt nhất cho người bệnh tránh được những biến chứng của sỏi thận là cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thăm khám định kỳ thường xuyên để theo dõi và điều trị triệt để, tránh tái phát về sau, có như vậy bạn mới có thể phòng tránh được biến chứng do bệnh gây ra.
Để phòng bệnh và theo dõi sau điều trị sỏi thận, người bệnh cần có chế độ ăn uống nhiều nước trên 2 lít/ ngày, hạn chế thức ăn nhiều calci, oxalate như sữa, phomat, chè; Điều trị nhiễm khuẩn Proteus, điều chỉnh pH nước tiểu kiềm (sỏi PAM); Hạn chế protit động vật, điều trị bằng Allopurinol đối với sỏi axit Uríc; Theo dõi sau điều trị rất quan trọng cho dù bệnh nhân được điều trị theo phương pháp nào để kiểm soát được diễn biến bệnh sỏi thận. Bệnh nhân cần phối hợp đến khám định kỳ nhằm phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp để có kế hoạch điều trị tích cực và dự phòng sỏi thận tái phát.
Be the first to write a comment.