Viêm nang lông là bệnh ngoài da khá phổ biến, là do nhiễm trùng của các nang lông do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Trong thời tiết nóng và ẩm, môi trường ô nhiễm da luôn bị ẩm và điều kiện vệ sinh không sạch sẽ là những điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nang lông gia tăng.
Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là tình trạng nhiễm trùng của các nang lông (bị viêm ở phần nông của nang lông). Nang là nơi mọc ra sợi lông, nằm ở dưới da.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở các vị trí ma sát nhiều. Nhiễm trùng có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc (sycosis). Nặng hơn thì đã là biến chứng thành nhọt, hoặc viêm mô dưới da. Thỉnh thoảng mụn này có thể vỡ, chảy ra dịch màu trong hoặc vàng nhạt.
Có một số yếu tố thuận lợi như khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn hay khi cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp là những yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông.
Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục-hậu môn, mông rất hay bị viêm. Những người bị bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS, ung thư đang hóa trị… cũng dễ bị viêm nang lông hơn những người bình thường.
Ngoài ra, các yếu tố như mồ hôi, da dầu và mỹ phẩm cũng có thể gây bít tắc nang lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn thường trú trên da như staphylococcus gây nhiễm trùng. Nang lông cũng có thể bị kích thích bởi những cọ xát lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bạn mặc quần jean bó sát, chất vải thô tác động vào da gây kích ứng dẫn đến viêm nang lông ở đùi hoặc bẹn.
Hầu hết viêm nang lông không lây. Nhưng nếu dùng chung bồn tắm, khăn, quần áo hoặc dao cạo với người bị viêm nang lông trong sinh hoạt hằng ngày cũng có thể bị lây nhiễm hay nhiễm trùng qua các vết xước da.
Nguyên nhân viêm nang lông
+ Đa số trường hợp bị viêm nang lông nguyên nhân là do tụ cầu trùng. Hoặc có thể do vi khuẩn Gram âm, nấm men, nhiễm virus herpes, ký sinh vật demodex…
+ Do dị ứng với thuốc hay dùng các chất tẩy rửa mạnh.
+ Do vệ sinh không đúng cách sau khi cạo, nhổ khiến chân lông bị nhiễm trùng gây ra tình trạng viêm.
+ Do tuyến bã dầu hoạt động mạnh: ở một số cơ địa có tuyến mồ hôi dầu hoạt động mạnh sẽ tiết ra nhiều chất dầu làm bịt kín các nang lông, ngăn cản sự phát triển của sợi lông, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm hay virus dưới da phát triển và gây bệnh.
Bệnh viêm nang lông có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường xuất hiện ở bắp chân, tay, đùi, mông, nách. Khi bị bệnh, nếu không chữa trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn trở thành mụn đinh, bị chàm hóa do gãi nhiều, nhiễm trùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Người bệnh cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Biểu hiện của bệnh viêm nang lông
Đây là căn bệnh ngoài da phổ biến. Ngứa dưới da là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Sau đó xuất hiện mụn mủ, mụn trắng ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ. Khi mụn vỡ để lại vết chợt nhỏ và đóng vầy tiết. Có trường hợp lông mọc cuộn tròn dưới da, nhiều trường hợp nặng hơn sẽ gây u nhọt lớn sẽ tạo ra mùi hôi khó chịu do vi khuẩn, nấm phân hủy tế bào dưới da gây nên.
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu trên thì bạn không nên gãi mạnh hoặc nặn mụn mủ vì làm vậy có nguy cơ lây lan sang những vùng da xung quanh là rất cao.
Điều trị viêm nang lông
Viêm nang lông không khó điều trị, điều quan trọng là người bệnh phải đi khám, làm các xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị phù hợp.
– Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng hay các loại kem, mỡ kháng sinh…
– Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.
– Sử dụng kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Các kháng sinh thuộc nhóm amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol.
– Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc bôi chống nấm, đồng thời phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi có thể sử dụng như Nizoral, Canesten, Mycoster… Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như itraconazole hoặc terbinafine.
Đối với trường hợp viêm nang lông hay tái phát thì cần tìm nguyên nhân gây bệnh, phát hiện các ổ vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn… và tránh làm xây xước da do cạo râu. Khi mắc bệnh, dù chỉ rất nhẹ cũng nên đến khám bệnh để có phương pháp điều trị đúng đắn.
Đề phòng bệnh viêm nang lông
Để phòng tránh bệnh viêm nang lông hiệu quả, nên áp dụng các biện pháp như:
+ Chế độ ăn uống hàng ngày: Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi ngon để đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng giúp da khỏe mạnh.
+ Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Tuyến dầu trong da hoạt động mạnh, tiết nhiều chất dầu đã bịt kín các nang lông, cản trở sự phát triển của sợi lông gây viêm nang lông. Vì thế cần vệ sinh da hàng ngày để phòng tránh viêm nang lông. Đặc biệt là sử dụng các loại xà bông phù hợp giúp giảm chất nhờn, khiến các lỗ chân lông luôn thông thoáng. Cần bảo vệ da trước hóa chất, xà phòng, nước tẩy rửa…
+ Hãy nhớ giữ vệ sinh cá nhân là bắt buộc đối với điều trị viêm nang lông. Một trong những cách tốt nhất là thay ga trải giường thường xuyên để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn và các ký sinh trùng bị mắc kẹt trong đó.
+ Tránh tẩy hoặc cạo lông thường xuyên: Nếu bị viêm nang lông, hãy tránh cạo hoặc tẩy lông một thời gian cho đến khi tình trạng viêm giảm. Khi hết sạch các bóng nước hoặc mụn, bạn có thể tẩy hoặc cạo lông nhưng không quá một lần/tháng. Ngoài ra, cần khử trùng các dụng cụ vệ sinh bạn sử dụng.
+ Đối với phụ nữ, tình trạng viêm nang lông tái đi tái lại ở nách, vùng mu, chân. Việc triệt lông vĩnh viễn bằng IPL hoặc laser có thể giải quyết được lũ “vi-ô-lông” đáng ghét vừa có thể giảm tình trạng viêm nang lông không mong muốn.
+ Quần áo chật là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm nang lông. Mặc legging, quần jean bó, hoặc bất kỳ chất liệu vải nào cứng và xù xì đều có thể gây kích ứng da. Chúng ta nên mặc quần áo rộng cho da thở đồng thời mồ hôi và hơi ẩm cũng bốc hơi dễ dàng hơn.
Diễn biến bệnh viêm nang lông diễn ra dai dẳng và khá lâu, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sống hoặc chủ động phòng ngừa bệnh sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn hoặc benzoyl peroxide để phòng ngừa tái phát bệnh.
Hy vọng những thông tin mà ICondom cung cấp đã giúp bạn hiểu hơn về cách phòng tránh bệnh viêm nang lông để giúp bạn có một làn da thật khỏe mạnh!
Be the first to write a comment.