Hải sản là một món ăn khoái khẩu của không ít người, tuy nhiên đây lại là loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng rất cao. Tùy theo cơ địa mà có người không gặp hoặc gặp phải tình trạng dị ứng hải sản từ nhẹ đến rất nặng. Cùng ICondom tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện cũng như cách xử trí khi gặp phải dị ứng hải sản qua bài viết sau đây.
Vì sao hải sản lại dễ gây dị ứng?
Dị ứng hải sản là tình trạng khá phổ biến, do một số đặc điểm riêng biệt mà hải sản có thể dẫn đến tình trạng này là:
- Hải sản chứa rất nhiều loại protein bổ dưỡng, nhưng cũng có không ít những protein “lạ” đóng vai trò như một tác nhân gây dị ứng sau khi ăn vào cơ thể. Những tác nhân này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây nên tình trạng dị ứng.
- Một số protein khác có trong hải sản đóng vai trò là một “bán kháng nguyên” (kháng nguyên không đầy đủ), khi vào cơ thể sẽ kết hợp với các kháng nguyên sẵn có (tùy cơ địa mỗi người) gây nên dị ứng hải sản.
- Nguyên nhân gây dị ứng thứ ba là do một số loại hải sản có chứa nhiều histamin – chất gây ra triệu chứng dị ứng điển hình nhất.
Nhìn chung, các protein lạ trong hải sản có thể là tác nhân gây dị ứng ở người bị dị ứng hải sản nhưng lại là một protein bình thường đối với đa số người khác, do đó không phải những ai ăn cùng một loại hải sản đều xảy ra dị ứng như nhau.
Tuy nhiên với trường hợp hải sản có nồng độ histamin cao thì có thể gây dị ứng hải sản cho tất cả mọi người ăn phải ( hay còn gọi là hiện tượng ngộ độc histamin trong hải sản). Trong các loại phản ứng dị ứng, bao gồm dị ứng hải sản thì tình trạng dị ứng không phụ thuộc và số lượng hải sản ăn vào (nhiều hay ít) mà phụ thuộc vào mức độ mẫn cảm của từng người (cơ địa).
Biểu hiện dị ứng hải sản từ nhẹ đến nặng
Dị ứng hải sản có nhiều mức độ biểu hiện khác nhau:
- Phổ biến nhất là các biểu hiện ngoài da bao gồm: da đột nhiên bị đỏ, nổi các nốt mẩn ngứa, nổi mày đay một vùng hoặc toàn bộ cơ thể.
- Biểu hiện liên quan đến thần kinh gồm: nhức đầu, chóng mặt, ngất xỉu tạm thời hoặc thậm chí có thể hôn mê.
- Một số tổn thương trên niêm mạc gồm: phù nề niêm mạc ở mắt, mũi hoặc miệng… nhìn từ bên ngoài phát hiện thấy sưng to.
- Triệu chứng trên hệ hô hấp gồm có: nhảy mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen suyễn, co thắt thanh quản…
- Biểu hiện dị ứng trên đường tiêu hóa bao gồm: đau quặn bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc có thể nôn mửa nhiều.
- Đặc biệt quan trọng nhất là triệu chứng sốc phản vệ có trụy tim mạch, các biểu hiện cơ thể vào cơn sốc phản vệ gồm: da nhanh chóng tái đi, da lạnh, mạch (nhịp tim) nhanh và nhỏ, nổi vân tím, huyết áp tụt hoặc không đo được huyết áp…
Trường hợp dị ứng hải sản nặng gây co thắt thanh quản hoặc sốc phản vệ có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xử trí khi bị dị ứng hải sản
Một số loại thuốc thường dùng khi gặp phải tình trạng dị ứng hải sản:
- Sử dụng các thuốc chống dị ứng thuộc nhóm thuốc kháng histamin (Loratadin, cetirizin hydroclorid, fexofenadin…), thuốc này có thể tự điều trị vì đa số là thuốc không kê đơn, điều trị tại nhà cho các trường hợp dị ứng hải sản có biểu hiện trên da nhẹ. Trường hợp dị ứng nặng hơn, bệnh nhân cảm thấy khó chịu nhiều, cần đưa đến cơ sở y tế để được xử trí đúng cách, đặc biệt là dị ứng ở phụ nữ có thai.
- Sử dụng thuốc kháng viêm corticoid (methylprednisolon) bằng đường uống hoặc đường tiêm truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân, thuốc có tác dụng kháng viêm và chống dị ứng rất mạnh, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đây là nhóm thuốc phải kê đơn.
- Bổ sung thêm vitamin C trong giai đoạn dị ứng xảy ra, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Các thuốc chống viêm đường uống khác có thể được cân nhắc sử dụng (ví dụ thuốc kháng viêm non-steroid NSAIDS).
- Khi dị ứng hải sản nghiêm trọng dẫn đến sốc phản vệ xảy ra, thuốc đầu tiên được sử dụng là thuốc co mạch adrenalin, giúp co mạch tức thì, tránh trụy mạch dẫn đến trụy mạch trên bệnh nhân. Adrenalin được sử dụng đúng theo phác đồ cấp cứu của Bộ Y tế quy định trong trường hợp sốc phản vệ. Adrenalin có thể sử dụng dưới dạng hít khí dung, tiêm dưới da, tiêm truyền tĩnh mạch tùy theo tình trạng và mức độ dị ứng của bệnh nhân.
Một số cách làm giảm dị ứng hải sản không cần dùng thuốc
- Uống nhiều nước: có thể là nước đun sôi để nguội hoặc nước trái cây như nước cam, chanh. Khi bị buồn nôn hoặc tiêu chảy nhiều, cần cho người bệnh uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải nhanh chóng (lưu ý pha đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì).
- Có thể cho bệnh nhân uống trà gừng hoặc dùng gừng phối hợp cùng với đậu xanh, tía tô để nấu ăn giúp trung hòa bớt độc tính.
- Lấy 50g lá tía tô tươi đem sắc với 3 bát nước sạch đến khi còn 1 bát, uống trong ngày. Dùng 50g rau diếp cá và 50g lá tía tô đem sắc uống cũng cho kết quả tương tự
- Ngoài ra, còn có thể dùng lá sim, lá ổi, núm hoa của chuối tiêu, vỏ măng cụt… đã được sao vàng và đem sắc đặc cho bệnh nhân uống.
- Tránh tắm hoặc lau người bằng nước nóng cho người bệnh đang nổi ban ngứa trên da, nên sử dụng nước lạnh khi lau lên các vị trí ban mọc, vì nhiệt độ cao gây giãn mạch làm tình trạng phát ban nặng hơn.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
- Không uống rượu bia.
- Không nên ăn những thực phẩm giàu đạm và giàu béo, thực phẩm có mùi tanh khi các biểu hiện dị ứng hải sản chưa khỏi hẳn.
Dị ứng hải sản bao lâu thì khỏi?
Các triệu chứng dị ứng hải sản thông thường sẽ kéo dài khoảng 4 – 24 giờ hoặc 2-3 ngày. Tuy nhiên thời gian này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ nặng hay nhẹ của tình trạng dị ứng, cơ địa và khả năng hồi phục của từng người, các phương pháp điều trị hỗ trợ có hiệu quả hay không.
Lời khuyên từ bác sĩ
- Ngoại trừ trường hợp dị ứng xảy ra do ăn phải một loại hải sản chứa nhiều chất histamin, tất cả những người đã xác định dị ứng hải sản nào đó cần phải hết sức lưu ý và cẩn trọng, tránh ăn hoặc tiếp xúc với loại hải sản mà mình bị dị ứng.
- Đôi khi có một số món ăn chế biến từ hải sản để mô phỏng hương vị của một loại thực phẩm nào đó, nên xem kĩ thực đơn và thành phần của món ăn trước khi ăn để tránh vô tình ăn nhầm gây dị ứng.
- Với một số cơ địa quá nhạy cảm, việc hít phải mùi hoặc hương thơm từ loại hải sản nào đó cũng đã gây dị ứng, do đó hãy tránh xa khu vực chế biến hải sản.
- Thậm chí dị ứng hải sản cũng xảy ra khi bệnh nhân dùng chung bát đĩa đã dùng để đựng hải sản của người khác.
- Không nên ăn hải sản đã chết hoặc khâu chế biến không đảm bảo an toàn, do hải sản là loại thức ăn khá đặc phù, có thể chứa nhiều histamin do con vật đó đã bị nhiễm khuẩn.
- Một lưu ý quan trọng khác đó là: người bị dị ứng với cua biển cũng nên thận trọng khi ăn các hải sản khác như ghẹ, mực, tôm, nghêu… vì có thể gây phản ứng dị ứng chéo cũng rất nguy hiểm.
Be the first to write a comment.