5/5 - (1 bình chọn)

Chất lượng cuộc sống sẽ không còn thú vị nếu bạn mắc bệnh xơ gan. Do đó, rất nhiều người băn khoăn rằng liệu “xơ gan có lây không”? Xơ gan ngày càng tiến triển nhanh là do đâu? Đây chính là một trong những thắc mắc phổ biến cùng với tâm lý hoang mang rất cần được giải bày của người bệnh. Vậy nên, ICondom sẽ giải đáp chi tiết ngay trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc theo dõi nội dung để tìm thấy câu trả lời nhé!

Khái niệm

Gan được xem là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Công suất làm việc ngày đêm của gan với hơn 500 chức năng chính giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng và nuôi sống toàn bộ cơ thể. Đồng thời, gan cũng chính là tấm lá chắn bảo vệ giúp tiêu giảm độc tính và thải ra bên ngoài cơ thể. 

Xơ gan xuất hiện khi gan có hiện tượng bị tổn thương và không được điều trị trong thời gian dài, tạo nên các mô sẹo. Mô sẹo vô tình ngăn chặn lưu thông máu và khiến quá trình chuyển hóa năng lượng bị trì trệ. Vậy nên, không khó để hiểu được rằng, xơ gan là bệnh lý vô cùng nguy hiểm.

Phân loại

Giai đoạn tiến triển của bệnh xơ gan gồm xơ gan còn bùxơ gan mất bù. Cụ thể như sau:

  • Xơ gan còn bù là giai đoạn đầu, khi này gan bị tổn thương nhưng vẫn còn khả năng hoàn thành tốt các chức năng quan trọng đối với cơ thể. Chúng kéo dài trong nhiều năm và không có biểu hiện rõ rệt, rất dễ tiến triển đến giai đoạn nặng hơn.

Xơ gan mất bù là giai đoạn sau, khi này gan bị tổn thương với phần lớn là xơ hóa và mất hoàn toàn khả năng thực hiện các chức năng đối với cơ thể. Triệu chứng rõ rệt hơn và dần dần xuất hiện biến chứng nguy hiểm (ung thư gan).

Triệu chứng phổ biến

Bác sĩ Hoàng Đình Thành từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã đưa ra khuyến cáo như sau: “Một khi tổn thương gan không thể phục hồi được nữa thì người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan. Do đó, việc phát hiện sớm các triệu chứng để chẩn đoán và điều trị là vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa tiến triển của bệnh….” 

Tùy thuộc vào giai đoạn nhẹ hay nặng, các triệu chứng của bệnh xơ gan có thể sẽ khác nhau và rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh lý khác. Tương ứng với từng giai đoạn sẽ có triệu chứng như sau:

Giai đoạn nhẹ

  • Cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi cả ngày.
  • Có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thậm chí buồn nôn.
  • Liên tục sụt cân.
  • Sốt nhẹ vài ngày hoặc sốt cao đột ngột.

Giai đoạn nặng

  • Da và mắt chuyển sang màu vàng.
  • Dễ bị bầm tím, khó tan bầm.
  • Ngứa ngáy da, đôi khi xuất hiện kèm theo triệu chứng đau rát.
  • Lòng bàn tay luôn đỏ lên.
  • Chi dưới bị sưng phù gồm chân, mắt cá chân và bàn chân.
  • Dịch trong ổ bụng khiến bụng phình to, gọi là cổ trướng (báng bụng).
  • Nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hoặc đi ngoài ra máu.
  • Tính cách thay đổi thất thường.
  • Trí nhớ giảm dẫn đến lú lẫn.

Nguyên nhân khởi phát 

Trước hết, người bệnh nên nắm rõ nguyên nhân và cơ chế phát bệnh xơ gan để xác định xem mình thuộc nhóm nguyên nhân nào. Xơ gan được gây nên do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau xuất phát từ trong cơ thể người bệnh. Do đó, xơ gan không phải là bệnh truyền nhiễm và chúng không thể lây cho người khác. Bao gồm các nguyên nhân như sau:

Do nhiễm virus viêm gan 

Virus viêm gan gây phá hủy các tế bào gan. Quá trình hình thành mô sẹo được thúc đẩy phát triển dẫn đến hiện tượng xơ gan. Do đó, nếu không phát hiện kịp thời và điều trị bằng phương pháp phù hợp thì viêm gan virus chính là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh xơ gan.

Do ký sinh trùng

Hiện nay, các nhà nghiên cứu phát hiện ra 3 loại ký sinh trùng thường gặp gây ra bệnh xơ gan, bao gồm: amip, ký sinh trùng sốt rét và sán lá gan. Lá gan là môi trường thuận lợi để chúng sống ký sinh và khiến tế bào gan bị tổn thương, hình thành mô sẹo. Từ đó, bệnh xơ gan khởi phát. 

Do tiêu thụ nhiều bia, rượu

Chất kích thích trong bia, rượu chính là yếu tố khiến gan phải ngày đêm “gồng mình” để thải độc. Khi lặp đi lặp lại hoạt động này quá nhiều sẽ khiến gan rơi vào tình trạng quá sức và dễ gặp hiện tượng xơ hóa gan.

Do lạm dụng thuốc

Nhiều thành phần thuốc có chứa chất độc gây ảnh hưởng tiêu cực đến gan như thạch tín, cyanide,… Nếu người bệnh có tiền sử hoặc đang sử dụng quá nhiều thuốc có thành phần không tốt cho gan thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh xơ gan.

Do lối sống thiếu khoa học

Những người thừa cân béo phì có cân nặng vượt mức an toàn, lười vận động và có chế độ ăn uống không hợp lý,… rất dễ mắc các bệnh lý về gan (trong đó có xơ gan) và bệnh đái tháo đường. 

Xơ gan mật nguyên phát

Bên cạnh chức năng chuyển hóa và chức năng thải độc thì gan còn có chức năng tạo mật giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu và hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn. Xơ gan mật nguyên phát là tình trạng rối loạn gan tự miễn khiến các ống mật trong gan bị phá hủy, dẫn đến ứ mật trong gan. Hiện tượng ứ mật nếu không được điều trị kịp thời sẽ trở thành nguy cơ gây ra bệnh xơ gan.

Cách điều trị bệnh xơ gan

Thông thường, người bệnh xơ gan cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh hiện tại để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Tùy vào từng giai đoạn khác nhau sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Có thể kể đến một số phương pháp điều trị bệnh xơ gan hiệu quả như sau:

 Điều trị theo nguyên nhân

Nguyên nhân khởi phát bệnh có thể khác nhau tùy thể trạng của từng người. Do đó, phác đồ điều trị cũng sẽ khác nhau. Giai đoạn đầu của bệnh xơ gan có triệu chứng không quá nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị như sau:

  • Người bệnh cần cai bia, rượu hoàn toàn.
  • Người bệnh cần giảm cân nếu có thể trạng thừa cân béo phì, đồng thời cần kiểm soát tốt lượng đường huyết.
  • Điều trị xơ gan bằng thuốc nhằm kiểm soát viêm gan virus, gan ứ mật,… và một số loại thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng do xơ gan gây ra.

Điều trị theo biến chứng 

Bệnh xơ gan gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Do đó, điều trị theo biến chứng cũng là hướng điều trị phổ biến hiện nay, được áp dụng cho hầu hết người bệnh xơ gan. Có thể kể đến một số phương pháp như sau:

  • Cải thiện triệu chứng cổ trướng (báng bụng) bằng chế độ ăn uống ít muối, kết hợp sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ đề xuất tiến hành thủ thuật dẫn lưu dịch ổ bụng. 
  • Một số loại thuốc huyết áp kê đơn sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa, đồng thời ngăn chặn sự hình thành xuất huyết tiêu hóa.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng với thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn hoặc một số phương pháp điều trị khác (tùy thể trạng người bệnh).
  • Người bệnh cũng nên tiêm phòng ngừa các bệnh lý về gan như viêm gan siêu vi A và B.
  • Xét nghiệm máu định kỳ và tiến hành siêu âm để phòng ngừa ung thư gan.

Phẫu thuật ghép gan 

Đối với một số trường hợp xơ gan tiến triển quá nặng làm mất khả năng hoạt động của gan, bác sĩ sẽ đề xuất tiến hành phẫu thuật ghép gan cho người bệnh. Điều này nhằm thay thế hoàn toàn lá gan đã tổn thương của người bệnh bằng lá gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

 Làm thế nào để phòng ngừa bệnh xơ gan hiệu quả?

Phòng ngừa bệnh xơ gan là một trong những việc rất cần thiết, không chỉ với người bình thường mà còn cả những người đang mắc bệnh xơ gan. Việc tuân thủ các lưu ý dưới đây để phòng ngừa xơ gan cũng góp phần đẩy lùi tình trạng bệnh, giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Cụ thể bao gồm các lưu ý như sau:

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, đồ uống có cồn,…
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn (đồ đóng hộp).
  • Hạn chế ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc nhiều chất béo. Nếu được thì chỉ nên sử dụng chất béo thực vật.
  • Không tự ý sử dụng thuốc hoặc lạm dụng việc sử dụng thuốc điều trị. Nếu gặp các triệu chứng bất thường ở bất kỳ bệnh lý nào, người bệnh nên thăm khám với bác sĩ để nhận tư vấn phù hợp.
  • Nghiêm túc thực hiện tiêm phòng viêm gan và tẩy sán lá gan theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lý.

Ung thư gan khởi phát là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu người bệnh xơ gan chủ quan. Việc phát hiện triệu chứng và điều trị sớm giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Hy vọng bài viết trên đây từ ICondom đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh xơ gan và có câu trả lời cho vấn đề “xơ gan có lây không”. Chúc bạn đọc sẽ sớm làm chủ được căn bệnh xơ gan nhé!

Xem thêm