5/5 - (1 bình chọn)

Trong đời sống hàng ngày, chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều về khái niệm axit dạ dày. Vậy axit trong dạ dày có vai trò gì? Các bạn hãy xem ngay bài viết của ICondom để biết được nhiều kiến thức bổ ích xung quanh vấn đề này nhé!

Axit dạ dày là gì?

Axit dạ dày là có thành phần chính là axit clohydric (HCL). Đó là lý do tại sao dạ dày là bộ phận có nồng độ axit lớn nhất trong cơ thể. Ở người bình thường, nồng độ HCL trong dạ dày dao động trong khoảng 0,0001 – 0,001 mol/l. Những tế bào ở viền dạ dày tiết ra axit đều đặn nhằm mục đích duy trì độ pH trong dạ dày luôn ở mức 1-3. 

Axit trong dạ dày có vai trò gì?

Axit dạ dày đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình tiêu hóa và trao đổi chất của cơ thể. Trong dạ dày, pepsinogen được thủy phân thành pepsin nhờ tác dụng hoạt hóa của HCL, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Nhờ có pepsin mà thức ăn sẽ được thủy phân để tạo ra những dưỡng chất cơ thể hấp thụ được. Ngoài ra, HCL còn giúp bảo vệ dạ dày bằng cách hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn có hại từ bên ngoài xâm nhập vào.

Điều gì xảy ra nếu nồng độ axit trong dạ dày quá cao?

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, do áp lực của công việc mà nhiều người đã làm bạn với những thói quen xấu như ăn uống tùy tiện, thức khuya, bỏ bữa, sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê,… khiến nồng độ axit dạ dày tăng cao vượt ngưỡng cho phép. Điều này sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương và dẫn đến các bệnh lý sau:

 Đau dạ dày 

Đau dạ dày là tình trạng đau do niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Ngoài vi khuẩn HP và tác dụng phụ của thuốc thì nồng độ axit quá cao cũng là một nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày. Triệu chứng của bệnh đau dạ dày ở mỗi người thường không giống nhau. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh đau dạ dày gồm:

  • Đau vùng thượng vị (vị trí ở giữa xương ức và rốn). Cơn đau có thể tăng lên vào những thời điểm liên quan đến bữa ăn như lúc đói hay sau khi ăn no.
  • Đầy hơi, khó tiêu, táo bón, đi ngoài phân đen.
  • Buồn nôn, nôn, có thể nôn ra máu.
  • Ợ hơi, ợ chua.
  • Ăn uống không ngon.

Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Khi nồng độ axit trong dạ dày quá cao và gặp phải một số tác động, dịch axit dạ dày sẽ bị đẩy ngược lên vị trí cao hơn, chẳng hạn như thực quản, cổ hay thậm chí là khoang miệng. Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày có thể kể đến như: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, đắng miệng, hôi miệng, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, khàn tiếng, ho, hen suyễn, khó nuốt, đau tức vùng thượng vị,…

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng trào ngược dạ dày có thể dẫn đến những biến chứng sau: viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, viêm thực quản, Barrett thực quản, viêm đường hô hấp,…

Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào ở dạ dày bị biến đổi và phát triển bất thường. Tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày do nồng độ axit cao cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự phát triển bất thường của các tế bào. Quá trình hình thành khối u ác tính có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm.

Ung thư dạ dày là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao nhưng rất khó để nhận biết các triệu chứng trong giai đoạn đầu. Do đó, người bệnh thường chủ quan không thăm khám để phát hiện bệnh sớm. Đây là lý do tại sao bệnh ung thư dạ dày thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng. 

Lúc này, người bệnh bắt đầu nhận thấy các triệu chứng rõ rệt hơn, chẳng hạn như:

  • Buồn nôn, nôn; ợ hơi, ợ chua thường xuyên; chán ăn, ăn ít cũng thấy no; đầy hơi, khó tiêu.
  • Đau dữ dội vùng thượng vị lúc đói, sau khi ăn hoặc vào nhiều thời điểm trong ngày, không theo chu kỳ.
  • Đi ngoài phân đen, nôn ra máu do xuất huyết tiêu hóa.
  • Sụt cân đột ngột, mệt mỏi, kiệt sức, giảm khả năng lao động.

Những lời khuyên giúp nồng độ axit trong dạ dày luôn ổn định

Những lời khuyên sau đây tưởng chừng như rất bình thường nhưng chúng lại mang tới những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe dạ dày, giúp duy trì nồng độ axit dạ dày luôn ở mức ổn định:

  • Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, nên ăn trước khi đi ngủ khoảng 3 – 4 tiếng.
  • Không ăn quá no trong 1 bữa, không nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn.
  • Hạn chế ăn đồ ăn chua, cay, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp.
  • Ăn chậm, nhai kỹ để tránh gây áp lực cho quá trình tiêu hóa.
  • Hạn chế sử dụng bia rượu, nước ngọt có gas, thuốc lá và các chất kích thích.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày vì chúng rất giàu chất xơ và vitamin.
  • Hạn chế thức khuya, ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày.
  • Cố gắng giữ tâm lý thoải mái và lạc quan trong mọi tình huống. 
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần ngay cả khi không phát hiện triệu chứng bất thường của cơ thể.

Những thông tin trong bài viết của ICondom đã giúp bạn đọc hiểu rõ axit trong dạ dày có vai trò gì. Axit dạ dày là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tiêu hóa và trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên, việc dư thừa axit dạ dày lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy chủ động duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để nồng độ axit dạ dày luôn ở mức ổn định.

Xem thêm