Rau chùm ngây là một vị thuốc quý, là một loại rau cung cấp dinh dưỡng và còn là nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm. Tuy nhiên, rau chùm ngây có tốt không và bà bầu có nên ăn rau chùm ngây hay không vẫn còn là một băn khoăn của không ít người.
Qua bài viết sau đây, bác sĩ sẽ giải đáp thắc mắc về việc bà bầu ăn rau chùm ngây được không, mời các bạn đọc cùng tham khảo.
Rau chùm ngây có tốt không?
Chùm ngây là loài thực vật có nguồn gốc ở vùng Nam Á, với lịch sử được tìm thấy từ rất sớm – hơn 4.000 năm. Rau chùm ngây rất phổ biến ở châu Á và cả ở các nước châu Phi. Tuy nhiên tại Việt Nam, người ta mới biết đến công dụng và lợi ích tuyệt vời của rau chùm ngây cách đây không lâu.
Sở dĩ chùm ngây được xem như một vị thuốc và là một loại rau bổ dưỡng là vì trong hầu hết các bộ phận của cây đều có chứa các chất cần thiết cho con người như: khoáng chất, các vitamin, các axit amin, beta-caroten (tiền chất của vitamin A), phenolics…
Theo các nghiên cứu khoa học về loài cây này đã cho kết quả khá thú vị: lá và hoa chùm ngây có hàm lượng vitamin C nhiều hơn quả cam đến 7 lần, hàm lượng calcium (canxi) nhiều hơn sữa tươi 4 lần và nhiều gấp 2 lần về lượng protein. Hàm lượng vitamin A trong lá và hoa chùm ngây nhiều hơn cà rốt 4 lần. Hàm lượng sắt so với rau diếp cá nhiều hơn 2 lần và tương tự cũng gấp 3 lần chuối khi so về hàm lượng kali.
Lá chùm ngây thường được ăn như một loại rau ăn sống hoặc có thể làm sinh tố, nấu canh như canh rau ngót. Người già và trẻ em đều có thể ăn được rau chùm ngây và cải thiện sức khỏe. Vậy bà bầu có nên ăn rau chùm ngây hay không?
Lợi ích sức khỏe mà rau chùm ngây mang lại cho người dùng
Với bảng thành phần ấn tượng chứa hơn 90 loại chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm rất nhiều khoáng chất và 18 axit amin thiết yếu, cùng các chất chống oxy hóa, rau chùm ngây có tác dụng phòng ngừa và điều trị rất nhiều bệnh như: ung thư, đái tháo đường, thiếu máu thiếu sắt, còi xương, các bệnh lý tim mạch, lở loét, co giật, bệnh về gan, giúp chống oxy hóa và trẻ hóa da rất tốt.
Bên cạnh đó, chùm ngây còn cung cấp những hợp chết quý hiếm như: zeatin, quercetin, caffeoylquinic acid, alpha-sitosterol và kaempferol.
Như đã đề cập ở trên, hàm lượng vitamin C trong rau chùm ngây gấp 7 lần trong quả cam, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể cực kỳ hiệu quả. Trái và hạt cây chùm ngây đều có thể ăn được. Hạt có mùi vị giống như vị của măng tây.
Hoa và rễ cây chùm ngây có chứa pterygospermin kháng sinh tự nhiên rất mạnh, ăn các bộ phận này thường xuyên sẽ giảm được các bệnh lý nhiễm trùng do tạp khuẩn từ môi trường. Chùm ngây còn rất hiệu quả trong việc đào thải độc tố trong cơ thể ra ngoài, từ đó giúp ổn định huyết áp.
Bà bầu có nên ăn rau chùm ngây không?
Không có gì bàn cãi, rau chùm ngây chính là một trong những loại thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bà bầu ăn rau chùm ngây có thực sự an toàn không? Theo TS. BS. Lê Thúy Tươi: khi phụ nữ mang thai, cơ thể sẽ tiết ra hormon thai nghén là progesterone để nuôi dưỡng bào thai, làm mềm tử cung và giảm co bóp cho phôi thai làm tổ an toàn.
Tuy nhiên, bác sĩ cho biết rau chùm ngây tuy bổ dưỡng nhưng lại rất giàu alpha-sitosterol, một hợp chất có cấu trúc tương tự hormon estrogen trong cơ thể phụ nữ, hormon estrogen này lại có tác dụng co thắt cơ trơn tử cung, khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến bào thai, thậm chí là sảy thai.
Do đó, mặc dù rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng phù hợp với nguồn dinh dưỡng này. Bác sĩ không khuyến khích bà bầu ăn rau chùm ngây kể cả chỉ ăn một lượng rất ít, bởi vì còn rất nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhưng tiềm ẩn ít nguy cơ cho thai nhi hơn.
Trong các tài liệu ghi chép về các nền văn hóa trên thế giới, phụ nữ của dân tộc Raglai còn dùng chùm ngây như một phương thuốc ngừa thai tự nhiên bằng cách: cứ mỗi 5 ngày sẽ dùng 2 nắm (khoảng 150g) rễ chùm ngây tươi đem rửa sạch, cắt nhỏ rồi sắc uống 2 lần/ngày. Do đó bà bầu ăn rau chùm ngây là hoàn toàn không có lợi trong việc dưỡng thai.
Be the first to write a comment.