Giai đoạn giao mùa, trẻ nhỏ có sức đề kháng chưa hoàn chỉnh dễ bị nhiễm lạnh và mắc các bệnh về đường hô hấp, dẫn đến biểu hiện bé sổ mũi. Sổ mũi là một triệu chứng phổ biến thường thấy ở trẻ nhỏ, có thể không gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng sẽ làm bé khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn. Tình trạng nặng dễ biến chứng viêm họng, viêm tai giữa,.. Để bảo vệ sức khỏe cho bé các mẹ có thể tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị cho bé sổ mũi sau đây.
Vì sao bé bị sổ mũi?
Các yếu tố như thời tiết, hóa chất, viêm nhiễm hay dị vật,.. là nguyên nhân gây kích thích lớp biểu mô trong hốc mũi, làm cho các tuyến chế tiết ở biểu mô tăng sản xuất dịch tiết nhiều hơn bình thường gây chảy mũi, sổ mũi.
Nguyên nhân bé sổ mũi
Bé bị cảm lạnh: biểu hiện thường là chảy nước mũi kèm hắt hơi, đau họng, cơ thể mệt mỏi, có thể sốt
Do virus cúm: biểu hiện thường chảy nước mũi, kèm ho, sốt cao (có khi trên 38ºC), tiêu ngoài phân lỏng, nôn trớ, chán ăn
Dị ứng: biểu hiện thường là chảy nước mũi, kèm hắt hơi, ngứa mắt và chảy nước, có thể kèm theo ho
Do bé bị viêm xoang: biểu hiện thường là chảy nước mũi, kèm ho kéo dài cả ngày và đêm, cảm giác đau ở xương gò má hoặc một bên mũi, sốt nhẹ ở một số trẻ.
Có dị vật nằm trong mũi bé: biểu hiện thường là một bên mũi có hiện tượng bị chảy nước mũi, một số trường hợp dịch mũi có mùi khó chịu.
Cách trị sổ mũi cho bé tại nhà
Nếu tình trạng của bé chỉ sổ mũi nhẹ có thể sử dụng các phương pháp đơn giản tại nhà để điều trị cho trẻ, tránh tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
Nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi
Đây là phương pháp đặc biệt hiệu quả với bé chưa biết cách hỉ mũi. Nước muối sinh lý khá an toàn, giúp làm lỏng dịch nhầy trong mũi, thuận lợi để hút sạch nước mũi.
Cách làm:
- Đặt bé nằm ngửa, đầu thấp hơn chân
- Nhỏ nhẹ nhàng vào mỗi bên mũi trẻ 1 giọt nước muối sinh lý
- Dùng dụng cụ hút chất nhầy ở từng bên mũi cho trẻ sau 2-3 phút nhỏ nước muối. Chú ý đặt đầu ống hút vào mũi bé một cách nhẹ nhàng, nếu sử dụng dụng cụ dạng bóp thì bóp mạnh và giữ chặt bóng trước khi đưa đầu hút vào mũi bé, sau đó thả bóng ra từ từ.
Chườm nóng cho bé
Sử dụng khăn mỏng nhỏ để thấm vào nước ấm rồi đặt lên mũi bé. Hơi ấm khăn tác động vào mũi, dịch mũi loãng ra và tự chảy ra ngoài.Nếu bé gỉ mũi nhiều, mẹ nên vuốt nhẹ cánh mũi, làm ẩm miếng bông nhỏ rồi cho vào mũi để vệ sinh gỉ mũi, kiên trì thực hiện đến khi mũi sạch.
Ngâm chân bé bằng nước ấm, cho bé uống nhiều nước ấm
Dùng ít nước ấm cộng vài lát gừng ngâm chân cho bé trước khi đi ngủ. Thường xuyên thay nước trong chậu để đảm bảo nước không bị nguội đi, cho đến khi trẻ có dấu hiệu ra mồ hôi trán, đồng thời uống nhiều nước ấm, sữa, nước trái cây hoa quả và đi ngủ sớm. Cách làm này giúp lưu thông máu huyết, làm dịch mũi loãng dần giúp trẻ dễ hỉ ra.
Đảm bảo sự cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời
Cơ thể trẻ nhỏ rất nhạy cảm, dễ bị kích thích bởi không khí, cũng chưa thích ứng được với việc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Do đó để tránh bé bị cảm và sổ mũi, nên duy trì nhiệt độ trong nhà không quá thấp hoặc không chênh lệch nhiều so với nhiệt độ ngoài trời.
Cho bé uống nước mật ong và tỏi
Chuẩn bị tỏi và mật ong với lượng gần bằng nhau, nghiền nhỏ tỏi rồi pha với nước nóng khoảng 800C, cho bé dùng mỗi lần khoảng 1 thìa canh, uống từ 4-6 lần/ ngày, hỗn hợp có tác dụng rất tốt trong việc loại trừ nước mũi và giải cảm. Chú ý chỉ nên dùng hỗn hợp trên cho trẻ lớn hơn 1 tuổi, bé dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ bị ngộ độc với mật ong.
Cho trẻ nằm gối cao khi ngủ
Tư thế kê cao đầu giúp nước mũi dễ chảy ra ngoài hơn, ngăn hiện tượng nước mũi chảy ngược vào trong làm trẻ ngạt mũi.
Trong trường hợp bé sổ mũi nghi ngờ do có dị vật trong mũi, các mẹ nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, kịp thời loại bỏ dị vật.
Phân biệt sổ mũi do viêm xoang hay do tác nhân thông thường
Mẹ có thể nghi ngờ bé sổ mũi do viêm xoang dựa trên những cận lâm sàng sau:
- Có viêm mũi họng cấp kèm sổ mũi kéo dài trên 1 tuần ( trong khi sổ mũi do nguyên nhân thông thường sẽ hết trong vòng 5-7 ngày), bé sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi,
- Gỉ mũi màu vàng, xanh đặc, có mùi hôi. Ho vào ban đêm khi ngủ do đờm chảy từ mũi xuống họng, hơi thở hôi và hay nôn.
- Với bé còn đang cho bú, cảm giác bé bú không được dài hơi do tắc mũi, hay quấy khóc, thở ngáy do có đờm. Bé lớn hơn thường than đau đầu nặng mặt, đôi khi sẽ thấy mặt trước của bé bị sưng đỏ, ấn đau do tiến triển của một đợt viêm cấp. Thấy đóng bánh ở góc trong ổ mắt do rò mủ.
- Quan sát thấy mủ vàng xanh trong miệng, bám đầy ở thành sau họng xuống dưới hạ họng.
- Màng tai bé sẽ dày đục và lõm, đôi khi còn ứ đọng dịch trong hòm tai gây viêm tai giữa thanh dịch.
Để điều trị sổ mũi do viêm xoang, bé phải được kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ, thời gian điều trị thường kéo dài từ 4-6 tuần với kháng sinh nhóm b lactam hoặc macrolid, kết hợp với thuốc kháng viêm, kháng histamin. Dùng các thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch, giảm xuất tiết để làm thông thoáng lỗ dẫn lưu xoang. Chỉ định phẫu thuật khi có biến chứng nặng của viêm xoang hay điều trị nội khoa thất bại sau 6 tháng.
Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc bé sổ mũi:
Không ép nước tỏi trộn với nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé
Tuy tỏi có chứa chất Allicin có tác dụng diệt vi trùng, vi nấm và phòng ngừa cúm, nhưng việc nhỏ nước tỏi ép sẽ gây nóng rát, phù nề, thậm chí là bỏng niêm mạc mũi bé dẫn đến hoại tử, càng nguy hiểm hơn đối với trẻ dưới 3 tuổi do niêm mạc trẻ còn rất mỏng.
Tránh rửa mũi cho bé quá nhiều lần
Mũi trẻ cần duy trì một lượng chất nhầy cần thiết để duy trì độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Việc rửa mũi nhiều có thể làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi, khiến bé dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn, dễ bị viêm.
Ngoài ra, khi sử dụng nước muối sinh lý quá thường xuyên có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng khứu giác. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi trước bước nhỏ thuốc trị ngạt cho bé.
Không lạm dụng thuốc nhỏ mũi cho bé
Đa số các thuốc nhỏ mũi trên thị trường đều có chứa thành phần corticoid chỉ được dùng không quá 7 ngày và phải có chỉ định của bác sĩ. Corticoid nếu dùng không đúng cách sẽ gây một số tác dụng phụ như ức chế vỏ thượng thận, cơ thể bị phù do giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận, tăng đường huyết, ức chế miễn dịch. Để đảm bảo an toàn cho bé tốt nhất các mẹ chỉ nên sử dụng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Be the first to write a comment.