Bệnh thoái hóa khớp gối không còn là một bệnh xa lạ nữa. Hiện nay, số lượng người bị thoái hóa khớp gối khá cao, đặc biệt nhất là người cao tuổi do quá trình lão hóa. Một thắc mắc đặt ra ở các bệnh nhân đó là thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Mời bạn đọc cùng với ICondom tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Bệnh thoái hoá khớp gối là hậu quả của các quá trình cơ học và sinh học. Bệnh làm mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và quá trình huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn tại khớp gối.
Sự mất cân bằng này có thể khởi đầu từ nhiều yếu tố, ví dụ như: di truyền, quá trình phát triển, quá trình chuyển hoá và sự chấn thương.
Biểu hiện cuối cùng của quá trình thoái hóa khớp gối là sự thay đổi về hình dạng, sự nhuyễn hóa khớp, nứt loét và mất sụn khớp gối, xơ hoá xương, tạo gai xương, hốc xương…
Trong các trường hợp thoái hóa khớp gối, nữ giới chiếm 80%.
Phân loại bệnh theo nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối nguyên phát: đây là nguyên nhân chính, chủ yếu nhất. Thường xuất hiện muộn ở những người sau 60 tuổi. Thoái hóa diễn ra tại một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm.
Các yếu tố như: di truyền trong gia đình, yếu tố nội tiết và chuyển hóa (đái tháo đường, mãn kinh…) sẽ là gia tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
Thoái hóa khớp gối thứ phát: thường là do chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương…) gặp ở mọi lứa tuổi.
Các bất thường trục khớp bẩm sinh: khớp gối quay vào trong, khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quá duỗi…
Các nguyên nhân từ tổn thương viêm tại khớp gối (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, lao khớp…).
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp gối
Đau tại vị trí khớp gối, cơn đau thường liên quan đến vận động, cử động. Mức độ: đau âm ỉ, có thể kéo dài, tăng khi vận động hoặc thay đổi tư thế. Cơn đau thường giảm về đêm, khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
Tùy trường hợp cụ thế, đau diễn biến thành từng đợt dài hoặc ngắn, sau mỗi đợt có thể hết đau tạm thời, sau đó tái phát vào một đợt khác hoặc có thể đau liên tục kéo dài với mức độ tăng dần.
Cảm thấy khó khăn khi vận động các khớp: động tác bước lên, bước xuống cầu thang, đứng dậy từ tư thế ngồi, tư thế ngồi xổm, đi bộ một thời gian dài liền xuất hiện cơn đau…
Biến dạng khớp gối: thường biến dạng không nhiều (do mọc gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch).
Có tiếng lục khục khi vận động khớp hoặc đi lại.
Dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng, kéo dài không quá 30 phút.
Một số trường hợp có thể còn sờ thấy được các “chồi xương” ở xung quanh khớp.
Cơ bị teo lại do ít vận động.
Điều trị thoái hóa khớp gối
Mục tiêu điều trị:
- Giảm các cơn đau về mức độ và tần suất.
- Duy trì và tăng cường khả năng vận động của người bệnh.
- Ngăn ngừa hoặc hạn chế biến dạng khớp.
- Giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc điều trị.
- Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Điều trị nội khoa
Không dùng thuốc: giảm vận động mạnh, giảm trọng lượng cơ thể nếu béo phì, sửa chữa các tư thế xấu ảnh hưởng đến khớp, vật lý trị liệu, đảm bảo dinh dưỡng, nhiệt trị liệu (siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, suối nước nóng, bùn khoáng…)
Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau đường uống: acetaminophen (paracetamol), morphin…
- Thuốc kháng viêm không steroids: diclofenac, meloxicam, piroxicam, celecoxib
- Thuốc bôi ngoài da giúp giảm đau: Voltaren Emulgel, Profenid gel…
- Corticosteroid: tiêm nội khớp
- Glucosamine sulfate hoặc Chondroitin sulfate hoặc phối hợp cả hai
- Bổ sung chất nhầy dịch khớp: các acid hyaluronic dưới dạng natri hyaluronate như Go On, Hyalgan, Hyasyn…tiêm khớp gối.
- Thuốc nhóm bisphosphonate (Alendronate, Risedronate, Pamidronate…)
- Tiêm huyết thanh tươi giàu tiểu cầu tự thân: chỉ định ở những bệnh thoái hóa khớp gối độ I, II, III.
Điều trị ngoại khoa
Chỉ định trong các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, kháng lại với thuốc điều trị nội khoa.
- Nội soi khớp
- Đục xương chỉnh trục
- Thay khớp nhân tạo
Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không là một thắc mắc rất lớn của các bệnh nhân thoái hóa khớp.
Khi các khớp gối bị thoái hóa, lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương có xu hướng cong vào trong – do đó, càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm.
Ngay cả khi đứng,cơ thể cũng tạo một lực đè ép lên các sụn khớp đã thoái hóa. Lớp sụn này bình thường sẽ giúp hấp thụ lực đè ép, tuy nhiên khi thoái hóa mất tác dụng dẫn đến chấn thương hai đầu xương, có thể gây viêm khớp và gây đau đớn khi bệnh nhân đi bộ hoặc đứng.
Vì thế, người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không? Câu trả lời không hoàn toàn là không.
Tốt nhất là nên hạn chế đi lại quá nhiều, đừng coi đi bộ là một môn thể thao đối với người thoái hóa khớp gối. Đi bộ chỉ nên là hoạt động sinh hoạt thường ngày. Trường hợp bị thoái hóa khớp gối nặng, mỗi khi đi bộ bệnh nhân cần phải sử dụng nạng hoặc gậy nâng đỡ, giúp giảm tải trọng đè ép lên bề mặt khớp bị hư.
Những người lớn tuổi bị thoái hóa khớp gối có thể tham khảo các môn thể thao như đạp xe đạp, thể dục dưỡng sinh – thái cực quyền, bơi lội. Đặc biệt, thể dục dưỡng sinh rất tốt vì các động tác được thực hiện rất chậm rãi, nhẹ nhàng, phối hợp giữa ý nghĩ và hơi thở theo động tác của tay chân.
Tuy nhiên, hãy luôn ý thức về bệnh tình của mình và cảm nhận ngưỡng chịu đựng của cơ thể, cần tránh các động tác mạnh như xoay gối, cúi gập người thậm chí chạy nhảy tại chỗ. Với người cao tuổi, các động tác mạnh rất hại cho các khớp, không những là khớp gối mà còn đặc biệt là cột sống thắt lưng.
Đi lại đúng cách cho người bị thoái hóa khớp gối
Ngoài việc thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không thì đi như thế nào cho đúng cách và ít gây hại cho khớp nhất lại là một băn khoăn nữa của các bệnh nhân. Sau đây là một số chú ý khi bệnh nhân thoái hóa khớp gối khi đi lại/vận động:
Tư thế: bệnh nhân không nên sải bước quá dài, không di chuyển quá nhanh vì điều này sẽ làm tăng áp lực không cần thiết cho khớp gối. Tốt nhất nên đi thong thả, đi thật chậm rãi và từ tốn, khoảng cách giữa hai bước chân thích hợp nhất chỉ nên từ 1 – 2 bàn chân.
Cường độ đi: bệnh nhân nên di chuyển khoảng 50 – 60 bước/phút hoặc ít hơn tùy theo mức độ thoái hóa khớp mà bệnh nhân có cảm nhận khác nhau, tự điều chỉnh cho phù hợp nhất. Chỉ nên dành thời gian đi bộ dưới 30 phút, tránh gây áp lực cho khớp gối.
Bệnh nhân nên lưu ý:
- Khởi động làm nóng cơ thể và các khớp trước khi đi bộ bằng các động tác gập duỗi khớp gối nhẹ nhàng (có thể ngồi trên ghế cong và duỗi chân vài nhịp).
- Quan trọng là hãy chọn những nơi bằng phẳng để đi, tránh địa hình dốc hoặc cao.
- Chọn giày phù hợp và thoải mái nhất để bảo vệ chân và khớp gối.
- Nếu việc đi bộ khiến những cơn đau trầm trọng hơn thì nên hạn chế lại, tốt nhất trước đó nên hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên cho việc tập luyện hay đi bộ phù hợp nhất với bệnh tình của bản thân.
Chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp gối
- Duy trì cân nặng hợp lí, hạn chế sử dụng các thực phẩm dễ gây tăng cân.
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ: giấc ngủ ngon rất cần thiết cho sức khỏe cũng như sự hồi phục dịch khớp, các cơn đau khớp cũng giảm dần khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân thường đau nhiều nên khó có giấc ngủ ngon, nên đề cập điều này với bác sĩ điều trị để cải thiện giấc ngủ cũng như những cơn đau khớp gối.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau tạm thời, ngoài ra tắm nước nóng buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ cũng xoa dịu rất hiệu quả.
- Chế độ dinh dưỡng cung cấp nhiều vitamin C (trái cây như cam, kiwi, bưởi, xoài…), protein từ đậu nành (sữa, bột đậu nành, đậu hũ…), đặc biệt các thực phẩm giàu omega – 3 (cá hồi, cá thu, cá ngừ…) giúp giảm sưng khớp gối đến 68% khi cung cấp với lượng khoảng 10g mỗi ngày.
Be the first to write a comment.