Rate this post

Tăng huyết áp là bệnh thuờng gặp và gia tăng theo tuổi, là nguyên nhân gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong. Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc phải, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị tăng huyết áp.

Do đó việc điều trị huyết áp cao cần được quan tâm để tránh những tai biến nguy hiểm có thể gây ra

Vậy tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là bệnh mạn tính trong đó áp lực máu hệ thống động mạch tăng cao. Khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim). Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ra suy thận mãn và biến chứng ở mắt.

Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm: nguyên phát và thứ phát.

  • Cao huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
  • Tăng huyết áp thứ phát(Tăng huyết áp là triệu chứng của một só bệnh khác): liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
  • Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tối đa) tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường. Ví dụ: Khi chỉ số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Đối với người có tuổi, dạng tăng huyết áp phổ biến là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (<90mmHg).
  • Tăng huyết áp khi mang thai: Bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Làm thế nào để biết mình có bị tăng huyết áp hay không?

Đo huyết áp là phương pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không. Theo định nghĩa của TCYTTG, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tối đa >140mmHg và hoặc huyết áp tối thiểu >90 mmHg.

Vậy đo huyết áp phải được tiến hành như thế nào cho đúng?

Huyết áp phải được đo khi người bệnh trong trạng thái hoàn toàn nghỉ ngơi (không gắng sức ít nhất 5 phút trước khi đo), không dùng các chất kích thích có ảnh hưởng đến huyết áp (thuốc lào – thuốc lá; trà, cà phê). Huyết áp phải được đo ít nhất 2 lần cách nhau 2-5 phút, giá trị huyết áp là con số trung bình cộng của 2 lần đo.

Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tăng huyết áp. Tuy nhiên, khoảng >95% các trường hợp không phát hiện được nguyên nhân tăng huyết áp. Trong trường hợp này người ta gọi là bệnh tăng huyết áp; còn nếu tìm thấy căn nguyên thì đó là tăng huyết áp triệu chứng (tức tăng huyết áp chỉ là 1 dấu hiệu của bệnh, chứ không phải là 1 bệnh)

Bên cạnh đó, tăng huyết áp thứ phát là hệ quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay tác dụng gây ra bởi thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia, thuốc lá. Loại này chỉ chiếm khoảng 5-10% trên tổng số ca bệnh cao huyết áp. Điều trị dứt điểm các nguyên nhân thứ phát có thể giải quyết được bệnh. Đối với tăng huyết áp gây ra do tác dụng không mong muốn của thuốc, sau khi ngừng thuốc có thể mất chừng vài tuần để huyết áp ổn định lại về mức bình thường. Trẻ em, nhất là các trẻ dưới 10 tuổi, mắc tăng huyết áp thứ phát thì nguyên nhân thường là do bệnh khác gây ra, điển hình như bệnh thận.

Tăng huyết áp thai kỳ là dạng tăng huyết áp đơn thuần nhưng thường xảy ra sau tuần thai thứ 20. Trong khi đó, tiền sản giật cũng xảy ra sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi, nhưng kèm theo phù và có đạm trong nước tiểu. Nguyên nhân của các dạng tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai này có thể là do thiếu máu trầm trọng, nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng, đa thai, thai phụ trẻ dưới 20 tuổi hoặc cao trên 35 tuổi, tiền sử cao huyết áp hoặc đái tháo đường…

Biểu hiện của bệnh tăng huyết áp như thế nào?

Biểu hiện của bệnh tăng huyết áp rất nghèo nàn, không đặc hiệu cho bệnh. Chính vì vậy người bệnh rất chủ quan và chỉ chịu khám và điều trị khi đã xảy ra các biến chứng. Bệnh có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đỏ bừng hay nóng bừng mặt, tức nặng ngực.

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp?

Chính vì sự nghèo nàn của các triệu chứng nên cách phát hiện bệnh sớm duy nhất là kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hoặc khi con số huyết áp gần tới mức tối đa cho phép (gần đến giá trị 140/90 mmHg).

Bệnh tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Hội chứng tăng huyết áp rất nguy hiểm và được coi là “Kẻ giết người thầm lặng”. Tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra triệu chứng rõ ràng. Vì vậy Bệnh tăng huyết áp rất nguy hiểm.

– Tỷ lệ mắc bệnh rất cao và đang có xu hướng tăng nhanh trên toàn thế giới cũng như ở nước ta: trên một nửa dân số có tuổi >50 bị tăng huyết áp ở các nước phát triển. Còn ở Việt Nam, tại Hà Nội có khoảng 20% những người >50 tuổi đã bị cao huyết áp.
– Bệnh gây nên rất nhiều các biến chứng, để lại hậu quả rất nặng nề cho người bệnh cũng như cho xã hội như: nhồi máu cơ tim, suy tim; chảy máu não hay tắc mạch máu não; suy thận; giảm thị lực dẫn tới mù loà…
– Mặc dù gây ra các biến chứng nặng nề như vậy nhưng các biểu hiện của bệnh khi chưa có biến chứng lại rất nghèo nàn, do vậy hầu hết các bệnh nhân đều rất chủ quan, không tuân thủ điều trị một cách đầy đủ nên tỷ lệ gặp các biến chứng còn rất cao. Như

+ Tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng trên các cơ quan như: tim, não, mắt, động mạch ngoại biên. 

+ Biến chứng tức thời: Có thể nguy hiểm đến tính mạng, gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, bóc tách động mạch chủ, phù phổi cấp, suy thận cấp.

+ Biến chứng lâu dài: Xảy ra nếu bệnh nhân sau một thời gian dài tăng huyết áp mà không được chẩn đoán và điều trị đúng. Biến chứng gồm: Rối loạn tiền đình, bệnh lý mắt, tim to, suy tim, đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, suy thận mạn, đau cách hồi.

Các xét nghiệm cần làm khi bị tăng huyết áp

Xét nghiệm cơ bản đối với tất cả các bệnh nhân:

  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Công thức máu toàn phần
  • Sinh hoá máu (kali, natri, creatinin, glucose, cholesterol toàn phần, HDL cholesterol)
  • ECG

Xét nghiệm tối ưu:

  • Độ thanh thải creatinine, vi đạm niệu, protein nước tiểu 24 giờ, calcium, axit uric, triglyceride lúc đói, LDL cholesterol, glycosolated hemoglobin, TSH,
  • Siêu âm tim.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp?

  • Người lớn tuổi: Hệ thống thành mạch máu không còn duytrì được độ đàn hồi như trước, dẫn đến cao huyết áp;
  • Giới tính: Tỷ lệ đàn ông dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh lại có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này;
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với các thành viên trong gia đình (cha mẹ hoặc anh chị) có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

Những yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bao gồm:

  • Thừa cân béo phì
  • Lối sống tĩnh tại, lười vận động
  • Ăn uống không lành mạnh
  • Ăn quá nhiều muối
  • Sử dụng lạm dụng rượu, bia
  • Hút thuốc lá
  • Căng thẳng thường xuyên vì công việc, môi trường

Điều trị bệnh tăng huyết áp như thế nào?

– Việc điều trị tăng huyết áp nhằm 2 mục đích:
+ Phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh.
+ Nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
– Tuân thủ 1 nguyên tắc quan trọng nhất: điều trị tăng huyết áp là một điều trị suốt đời. Chỉ có tuân thủ chế độ điều trị thích hợp mới giảm được các tai biến do tăng huyết áp. Nhiều bệnh nhân, và ngay cả một số thầy thuốc khi thấy huyết áp trở về bình thường (sau khi uống thuốc) đã cho bệnh nhân dừng thuốc.

Các biện pháp điều trị bệnh tăng huyết áp

– Các biện pháp không dùng thuốc: là phương pháp điều trị bắt buộc dù có dùng thuốc hay không. Bao gồm:
+ Từ bỏ các thói quen nguy hại: hút thuốc lá; uống nhiều rượu; thói quen ăn mặn; lười vận động.
+ Giảm cân nặng (nếu có thừa cân).
+ Tăng cường tập luyện thể lực (tuỳ theo khả năng thể lực của mỗi người mà có các biện pháp tập luyện thích hợp): tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 45 phút.
+ Chế độ ăn uống: giảm muối (lượng muối ăn không quá 6gr muối/ngày). Hạn chế ăn mỡ động vật và các thức ăn giàu cholesterol (như phủ tạng động vật).
Đối với nhiều bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ, chỉ việc thay đổi lối sống đã có thể làm cho huyết áp trở về bình thường. Nếu huyết áp không trở về bình thường, việc điều chỉnh lối sống kết hợp với điều trị bằng thuốc cũng góp phần hạn chế các biến chứng và giúp kiểm soát tốt huyết áp.
+ Dùng các thuốc hạ huyết áp: gồm rất nhiều các nhóm thuốc khác nhau. Tuỳ mức độ tăng huyết áp cũng như giai đoạn của bệnh và sự nhạy cảm của từng cá nhân, các bác sỹ chuyên khoa Tim mạch sẽ giúp người bệnh chọn lựa được các thuốc phù hợp nhất cho mỗi trường hợp bệnh nhân khác nhau. Không có 1 công thức chung nào được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân. Các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.

Sau khi uống thuốc có huyết áp bình thường rồi thì có nên uống thuốc nữa hay dừng?

Nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị THA là điều trị lâu dài, suốt đời. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nhưng cũng lại là nguyên tắc hay bị bỏ quên nhất. Người bệnh thấy khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường, huyết áp đo bình thường thì lại bỏ không uống thuốc. Cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao, lúc đấy mới lại dùng thuốc.

Điều trị như vậy sẽ không có tác dụng dự phòng được các biến chứng có nghĩa là không có hiệu quả. Vì vậy, dù huyết áp có bình thường, dù cảm thấy khoẻ mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường, thì người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị như đã nêu trên.

Việc điều chỉnh lối sống rất quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp: Giảm ăn mặn, giảm mỡ, giảm đường (nếu có tiểu đường), không uống quá nhiều bia rượu mặc dù uống với số lượng hạn chế cũng giúp có lợi cho sức khoẻ của bạn.

Tập thể dục đều đặn là cách thức giảm cân, hoạt động thể lực, yoga, đi bộ, bơi lội hàng ngày 30-45 phút hầu hết các ngày trong tuần.

Ngưng hút thuốc lá.

Duy trì đời sống tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi giải trí hợp lý.