Bướu tuyến giáp hay bướu cổ là sự tăng kích thước bất thường ở tuyến giáp. Đây là một bệnh phổ biến tại tuyến giáp và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Ở trạng thái bình thường bạn khó có thể nhìn hoặc sờ thấy được tuyến giáp, nhưng nếu bạn bị bướu cổ, bạn có thể cảm nhận được tuyến giáp của mình.
1. Bướu tuyến giáp là gì?
Bướu tuyến giáp hay bướu cổ là trạng thái bất thường do sự phì đại của toàn bộ tuyến giáp hoặc tuyến giáp có nhiều u cục. Và được chia thành nhiều loại như phình giáp lan tỏa hay có hạt, viêm giáp, bướu lành, ung thư. Những bướu này có thể có hoặc không làm thay đổi chức năng của tuyến giáp như suy giáp, bình giáp hoặc cường giáp. Tất cả bướu giáp được xếp làm 3 nhóm: lành tính, ung thư và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp.
Mặc dù bướu tuyến giáp thường không gây đau những nếu bướu có kích thước lớn có thể gây ra ho và khiến bạn khó nuốt hoặc thở. Bướu giáp lành tính hay bướu cổ đơn thuần được xác định bởi xét nghiệm chọc hút sinh thiết tế bào. Nếu kết quả cho ra lành tính thì có thể phẫu thuật hoặc điều trị tùy vào mức độ ảnh hưởng đến cơ thể.
2. Bướu tuyến giáp ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Bướu tuyến giáp là bệnh phổ biến ở tuyến giáp. Bướu giáp lành tính nếu to sẽ gây nuốt vướng hoặc khó nuốt, khó thở (do chèn vào đường thở hoặc thòng vào lồng ngực) hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ.
Còn bướu tuyến giáp ác tính là loại ung thư gây xâm lấn các cơ quan xung quanh, nhất là dây thần kinh hồi thanh quản. Gây khàn tiếng, khi di căn sẽ gây tổn thương gan, phổi, xương, não…
Bướu giáp do ung thư tuyến giáp cũng có thể gây nên hiện tượng khản giọng. Ung thư tuyến giáp có thể dẫn tới viêm thanh quản hoặc sưng dây thanh âm (những biểu hiện có trên bệnh nhân ung thư biểu mô giáp). Ở trường hợp này, người bệnh cần hết sức thận trọng vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Khi bướu tuyến giáp có kèm rối loạn chức năng nội tiết như suy giáp hoặc cường giáp sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Thường thấy là gây kiệt sức, sụt hoặc tăng cân, hồi hộp ở ngực, mất ngủ, rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng gây ra các bất thường này, do đó cần được bác sĩ thăm khám xác định bệnh.
3. Nguyên nhân gây ra bướu tuyến giáp
Nguyên nhân chính dẫn tới việc hình thành bướu tuyến giáp là do thiếu hụt i-ốt. I-ốt là một trong những thành phần cấu tạo chính và quan trọng nhất của hormon tuyến giáp. Khi thiếu iốt, tuyến giáp dưới phải tăng hoạt động để bù đắp sự thiếu hụt i-ốt và vì thế phình ra, gây bệnh bướu giáp.
Bệnh bướu tuyến giáp cũng có thể do hiện tượng dày lên của dây thanh quản (bởi sự tích tụ của mucopolisaccharide), khiến giọng nói trở nên trầm và khản hơn.
Do bệnh Graves, bệnh đôi khi có thể xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp). Khi có bệnh Graves, các kháng thể được sản xuất bởi hệ miễn dịch tấn công nhầm tuyến giáp, làm cho nó tạo ra lượng thyroxine dư do tuyến giáp bị kích thích quá mức.
Do mắc bệnh Hashimoto: Giống như bệnh Graves, bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn, nhưng thay vì làm cho tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone, Hashimoto sẽ gây tổn thương tuyến giáp để nó tạo ra quá ít hormone (suy giáp).
Bướu giáp nhiều nhân: Trong tình trạng này, một số khối u rắn hoặc đầy chất lỏng (gọi là các nốt sần) phát triển ở cả hai bên tuyến giáp của bạn, dẫn đến sự mở rộng tổng thể của tuyến.
Các nốt tuyến giáp đơn lẻ: Trong tình trạng này, một nốt đơn phát triển trong một phần của tuyến giáp. Hầu hết các nốt này lành tính và không dẫn đến ung thư.
Ung thư tuyến giáp: Ung thư tuyến giáp ít phổ biến hơn các nốt tuyến giáp lành tính. Sinh thiết nốt tuyến giáp sẽ cho kết quả chính xác nếu đó là ung thư.
Do mang thai: Một loại hormone được tạo ra trong quá trình mang thai (HCG), có thể làm cho tuyến giáp hơi phì đại.
Viêm: Viêm giáp là một tình trạng viêm có thể gây đau và sưng trong tuyến giáp. Nó cũng có thể gây ra sản xuất thiếu hoặc quá mức thyroxine.
Ngoài ra, di truyền và nhiễm phóng xạ cũng là nguyên nhân gây ra bướu giáp.
Bướu tuyến giáp do u nang: Việc phát triển quá mức của các tế bào u tuyến giáp gây kéo căng dây thần kinh thanh quản, vì thế dẫn đến khản tiếng. Có 3 loại u nang bao gồm:
- U nang keo – sự phát triển quá mức của các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh,
- U nang giáp – chứa dịch hoặc một phần chất rắn,
- U nang giáp tăng chức năng – sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp.
4. Dấu hiệu để nhận biết bướu tuyến giáp?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết, khi tuyến này bị bệnh sẽ gây ra những bất thường ở cổ hoặc ở các bộ phận khác trong cơ thể. Khi thấy cổ to ra hoặc có các dấu hiệu như khó nuốt, khó thở, khản tiếng… hoặc có bất cứ thay đổi nào trong cơ thể thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu, chọc hút tế bào… để xác định loại bướu tuyến giáp (bướu cổ).
Vì khi bị bướu giáp kể cả là bướu ác, nếu nhỏ thì chưa gây ra bất cứ bất thường nào mà chỉ phát hiện được qua siêu âm kiểm tra hoặc tình cờ phát hiện khi chụp CT, MRI, PET vùng cổ vì bệnh khác.
Để phân biệt bướu lành hay ác thì phương pháp chọc hút kim nhỏ (FNA) với độ chính xác cao sẽ giúp xác định chẩn đoán. Đây là phương pháp dùng kim nhỏ như kim chích thuốc, chích vào bướu, lấy tế bào và quan sát dưới kính hiển vi để đánh giá hình dạng và cách sắp xếp của tế bào để xác định lành hay ác.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải dùng đến kỹ thuật “cắt lạnh” trong lúc mổ mới có thể khẳng định chính xác hơn. Phương pháp chọc hút kim nhỏ thường được thực hiện tại các bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh bướu cổ với các trang thiết bị chuyên dụng.
5. Các triệu chứng phổ biến của bướu tuyến giáp là gì?
Bướu tuyến giáp hầu như không gây nên những triệu chứng cụ thể nào và cũng không phải ai bị bướu tuyến giáp cũng có các triệu chứng của bệnh. Khi bướu nhỏ, người bệnh vì thế khó cảm thận được sự thay đổi mà chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc làm các xét nghiệm khác như chụp CT, siêu âm…
Khi bướu lớn hơn, có thể nhận biết được qua hiện tượng cổ bị cứng và bành ra… Tuy nhiên vẫn có một số biểu hiện để chúng ta có thể nhận biết sự có mặt của nó:
– Đau cổ họng hoặc luôn cảm giác cổ họng bị vướng.
– Khó nuốt
– Khó thở
– Ho
– Khản tiếng
– Sưng ở dưới cổ, có thể thấy rõ khi soi gương
– Thấy người hồi hộp, có những cơn đau vùng tim thoáng qua, đổ mồ hôi nhiều, giảm cân hay có các biểu hiện của thừa hoóc-môn…
– Mệt hoặc căng thẳng, trí nhớ giảm sút, bị táo bón, da khô, cảm thấy lạnh…
6. Cách xử lý bệnh bướu tuyến giáp
Phương pháp điều trị bướu tuyến giáp phụ thuộc vào kích thước của bướu, dấu hiệu và triệu chứng, nguyên nhân gây ra bệnh:
– Với những trường hợp bướu còn nhỏ không ảnh hưởng sức khỏe và thẩm mỹ thì chỉ cần theo dõi tình trạng, đi khám siêu âm 6 tháng/lần. Sau 6 tháng mà bướu phát triển nhanh hoặc có bất thường đi kèm thì lúc này bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp.
– Mục đích điều trị là nhằm bình thường hóa nồng độ hormon tuyến giáp mà không đòi hỏi tuyến giáp phải tăng hoạt và phì đại. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do thiếu iode thì cung cấp iode, không do thiếu iode cung cấp thêm hormone tuyến giáp tổng hợp.
– Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thay thế hormone tuyến giáp bằng levothyroxine (Levoxyl, Synthroid, Tirosint) với trường hợp bị suy giáp. Còn đối với viêm tuyến giáp, bác sĩ có thể đề nghị dùng aspirin hoặc một loại thuốc corticosteroid để điều trị. Đối với bướu kết hợp với cường giáp, có thể cần kê thuốc để bình thường hóa mức độ hormone.
– Trong bướu giáp đơn do thiếu i-ốt, điều trị bằng i-ốt hay hormon giáp làm tuyến giáp nhỏ lại nhiều hay ít thay đổi tùy thuộc nhiều yếu tố, như thời gian xuất hiện bướu, kích thước bướu, độ xơ hóa của bướu.
Đối với bướu tuyến giáp không do thiếu i-ốt, có thể điều trị bằng thyroxine nhằm giảm phì đại tuyến giáp.
Phẫu thuật cắt bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp có thể được thực hiện nếu bạn có bướu cổ lớn, gây khó chịu, khó thở hoặc khó nuốt. Phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp. Bạn có thể cần phải dùng levothyroxine sau phẫu thuật, tùy thuộc vào lượng tuyến giáp được loại bỏ.
Ngoài ra, xạ trị liệu cũng được chỉ định vì làm kích thước tuyến nhỏ lại, hoặc có thể cắt bỏ chọn lọc các nhân… Trong một số trường hợp i-ốt phóng xạ được sử dụng để điều trị tuyến giáp hoạt động quá mức (i-ốt phóng xạ được uống và theo máu đến tuyến giáp, phá hủy các tế bào tuyến giáp). Phương pháp này có thể giúp giảm kích thước của bướu cổ, nhưng cuối cùng cũng có thể khiến tuyến giáp hoạt động kém.
Tóm lại, tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.
Nếu bạn nhận thấy có bất thường ở khu vực tuyến giáp hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có thể. Đừng trì hoãn, nhất là khi tuyến giáp đã phình lên hoặc một vài triệu chứng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Bướu tuyến giáp đa số là lành tính nhưng nếu không được can thiệp kịp thời, các triệu chứng có thể xấu đi và có thể gây ra ung thư…
Be the first to write a comment.