Rate this post

Khi tiết trời giao mùa hoặc trời chuyển lạnh đột ngột, vấn đề mà mọi người hay mắc phải là các bệnh về hô hấp cũng như nhiễm khuẩn. Một trong số đó chính là cảm lạnh. Tuy nhiên không nhiều người thực sự quan tâm đến cảm lạnh hoặc cách phòng ngừa cảm lạnh là gì mà xem như đây là một bệnh vặt.

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là một bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất ở người. Thống kê cho thấy người lớn trung bị mắc cảm lạnh từ 2-4 lần mỗi năm còn trẻ nhỏ có thể lên đến 6-8 lần. Bệnh do virus gây ra ở đường hô hấp trên, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi, họng và các xoang.

Dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh là gì?

Điển hình nhất là ho, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi và đau họng. Bên cạnh đó có thể kèm theo đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, nhạt miệng và sốt.

Thống kê các trường hợp nhiễm cảm lạnh cho thấy: 40% có triệu chứng đau họng, 50% ho và 50% xuất hiện đau cơ. Dịch tiết như đờm, nước mũi có thể có màu vàng hoặc xanh lá cây. Cơn sốt thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiều hơn là người lớn.

Sốt và ho do cảm lạnh thường nhẹ hơn so với cảm cúm. Ở người lớn nếu ho và sốt xảy ra thì nghi ngờ cảm cúm nhiều hơn, tuy nhiên 2 căn bệnh này nhìn chung rất khó để phân biệt các triệu chứng với nhau. Các triệu chứng của cảm lạnh là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với virus, hoàn toàn không phải do virus gây ra. Cảm lạnh không có cách điều trị tiêu diệt tác nhân gây bệnh, chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Quá trình cảm lạnh diễn ra như thế nào?

Cảm lạnh bắt đầu với sự mệt mỏi toàn thân, rã rời, cảm thấy lạnh người, hắt hơi, đau đầu kéo dài trong vài ngày, sau đó là chảy mũi và ho.

Các triệu chứng của cảm lạnh bắt đầu sau 16 giờ mắc bệnh, đỉnh điểm vào 2 – 4 ngày sau khi khởi phát bệnh và chấm dứt sau 7-10 ngày, ngoại lệ một số ca có thể kéo dài tới 3 tuần.

Ở trẻ em 35-40% triệu chứng ho kéo dài hơn 10 ngày và 10% kéo dài 25 ngày.

Nguyên nhân gây cảm lạnh là gì?

Có hơn 200 chủng virus liên quan đến nguyên nhân gây ra cảm lạnh, trong đó chủng rhinovirus là nguyên nhân thường gặp nhất (30-80%), ngoài ra còn có coronavirus (10-15%), human parainfluenza viruses, human respiratory syncytial virus, adenoviruses… Các virus cảm lạnh lây truyền qua đường không khí hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm. Virus cảm lạnh có thể tồn tại một thời gian trong môi trường, lây qua tay người khi tiếp xúc với vật bẩn, dịch tiết của người bệnh.

Người ta luôn cho rằng, những cơn cảm lạnh kéo dài và nghiêm trọng thường xảy ra vào những ngày trời trở lạnh và mưa. Chắc hẳn vì thế nên người ta gọi nó là cảm lạnh. Căn cứ trên góc nhìn y học, virus gây cảm lạnh thường xuất hiện theo mùa nhất định, khi có điều kiện thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt. Độ ẩm không khí thấp, không khí khô làm tăng tỉ lệ lây nhiễm do virus tồn tại lâu và khuếch tán được xa hơn. Mặc khác không khí lạnh làm cho hệ thống hô hấp của con người trở nên nhạy cảm hơn.

Phòng tránh cảm lạnh

  • Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là đối với trẻ em.
  • Khi tay bẩn, không được chạm tay vào mắt, mũi.
  • Súc miệng thường xuyên với nước ấm có pha muối.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc các nơi đông người để tránh bụi bặm và các virus, vi khuẩn có hại.
  • Giữ khoảng cách với người đang bị cảm lạnh.
  • Không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống, ly cốc, ống hút với người khác.
  • Bổ sung Vitamin C thường xuyên thông qua các loại thực phẩm hoặc thuốc uống, điều này có thể làm giảm nguy cơ cũng như mức độ nặng nề khi nhiễm cảm lạnh, giảm thời gian mắc bệnh do tăng sức đề kháng của cơ thể.
  • Bổ sung kẽm do kẽm đã được nghiên cứu cho thấy có khả năng phòng ngừa và rút ngắn thời gian cảm lạnh.
  • Uống nước đầy đủ để tránh mất nước, khô họng, khô mũi.
  • Khử trùng điện thoại, ipad của bạn một cách thường xuyên, nhất là trước khi cho trẻ chơi với chúng.
  • Ngủ đủ giấc là một chìa khóa để ngăn ngừa cảm lạnh. Trong một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, người thường xuyên ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày dễ mắc cảm lạnh hơn so với người ngủ từ 8 tiếng trở lên.
  • Tắm nước ấm khi thời tiết lạnh, tránh cơ thể bị lạnh đột ngột. Đeo tất (vớ) khi đi ngủ.

Cách điều trị cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh hiện nay không có thuốc hoặc dược liệu nào điều trị trị tận gốc vào các tác nhân gây bệnh, chỉ có thể điều trị triệu chứng để giảm bớt các khó chịu cho bệnh nhân. Bệnh cảm đa phần sẽ tự khỏi nhờ vào hệ miễn dịch của cơ thể.

Việc nghỉ ngơi, thư giãn hoặc ngủ một giấc dài sẽ khiến người bệnh cảm thấy đỡ hơn. Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm, súc miệng bằng nước pha muối cũng là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm đau họng khi bị cảm lạnh. Giữ ấm tay, chân, cổ, ngực khi thời tiết lạnh để tránh bệnh trầm trọng hơn. Đôi khi, bác sĩ cũng sử dụng một số giả dược (thuốc không có tác dụng điều trị bệnh, có thể là thuốc bổ, vitamin) để kê đơn cho bệnh nhân, đôi khi phương pháp tinh thần này lại rất hiệu quả.

Một số thuốc sử dụng để giảm bớt triệu chứng khó chịu trong bệnh cảm lạnh có thể kể đến là: thuốc giảm đau hạ sốt (acetaminophen/paracetamol, ibuprofen…), thuốc ho (dextromethorphan, terpin codein…), thuốc trị sổ mũi (thuốc kháng histamin H1) và các loại vitamin bổ sung.

Bổ sung kẽm: một nghiên cứu ở Phần Lan cho thấy kẽm có thể giúp bạn khỏi cảm lạnh nhanh hơn 40% nếu bạn dùng liều tối thiểu là 75 mg.

Thông thường, bác sĩ sẽ không sử dụng kháng sinh trong trường hợp cảm lạnh. Điều này được giải thích là do: nguyên nhân gây cảm lạnh là virus, kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus. 

Một số phương pháp dân gian như nấu nước lá để xông, giúp thông mũi, cơ thể toát mồ hôi cũng thường được khuyên dùng khi bị cảm lạnh. Trà chanh mật ong cũng là một gợi ý để đẩy lùi các khó chịu trong cổ họng của người bệnh.

Sử dụng tinh dầu: như bạc hà, bạch đàn, đinh hương, tinh dầu trà. Tinh dầu có tác dụng giúp thông mũi, dễ thở hơn. Thêm 1 hoặc 2 giọt tinh dầu vào bát nước ấm, nhúng khăn mặt sạch vào trong nước, vắt khô và trùm khăn lên mặt, để yên trong vài phút. Kết hợp hít thở sâu để cảm nhận hơi thở được thông suốt dần.

Bạn không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.