Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý phổ biến và nguy hiểm. Ở Việt Nam, 25% dân số mắc bệnh và 20.000 người tử vong mỗi năm do bệnh tim mạch gây ra. Bệnh lý tim mạch gồm những căn bệnh nào? Những dấu hiệu của bệnh tim mạch là gì? ICondom sẽ cung cấp những thông tin cụ thể qua bài viết dưới đây.
Bệnh lý tim mạch gồm các loại nào?
Bệnh mạch vành: Bệnh mạch vành hay còn gọi là động mạch vành, gồm bệnh tim xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự tích tụ mảng xơ vữa trên thành động mạch dẫn đến những cơn đau thắt ngực. Đây là một trong những căn bệnh tim mạch thường gặp và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh cơ tim: gồm bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim hạn chế. Nguyên nhân là do cơ tim suy yếu và có thể dẫn đến suy tim. Bệnh cơ tim nếu không được chữa trị sớm có thể gây nhiều biến chứng xấu.
Bệnh tim do tăng huyết áp: Nguyên nhân là do tăng tăng huyết áp gây ảnh hưởng trực tiếp đến tim và các động mạch. Do đó, để phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh tim do tăng huyết áp thì phải kiểm soát thật tốt huyết áp.
Suy tim: Đây là bệnh lý nặng, thường là giai đoạn cuối của các bệnh lý tim mạch khác. Tim bị suy sẽ không còn đảm bảo chức năng của mình, gây ra nhiều rối loạn phức tạp cho cơ thể.
Rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp tim là biểu hiện của nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau. Rối loạn nhịp tim có thể khiến tim đập nhanh, chậm, không đều hoặc xuất hiện những nhịp bất thường.
Bệnh viêm tim: Viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim và giãn buồng tim. Đây là tình trạng viêm của tim ở những mức độ khác nhau.
Bệnh van tim: Bao gồm các bệnh lý hẹp van tim, hở van tim. Tuỳ thuộc vào mức độ hẹp hay hở van tim mà sẽ các biểu hiện khác nhau.
Bệnh mạch máu não: Bao gồm các bệnh nhồi máu não, xuất huyết não, xuất huyết khoang dưới nhện. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn.
Bệnh động mạch ngoại vi: Do thiếu cung cấp máu đến tay và chân.
Bệnh tim bẩm sinh: do tim có những bất thường về cấu trúc, thường xuất hiện trong giai đoạn bào thai, khiến trẻ mới sinh đã mắc bệnh
Bệnh thấp tim: gây ra bởi vi khuẩn liên cầu tiêu huyết nhóm A, thường bệnh lý này thứ phát sau viêm họng ở trẻ em.
Ngoài ra, còn có một số bệnh lý khác nhưng hiếm gặp hơn.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tim mạch là gì?
Do bệnh lý tim mạch rất đa dạng nên dấu hiệu của bệnh cũng rất nhiều. Một số dấu hiệu đặc trưng nhất có thể bao gồm:
Khó thở, đặc biệt là khi nằm
Người mắc bệnh tim mạch thường xuất hiện khó thở như có vật gì đè trước ngực hoặc gặp khó khăn trong việc hít thở sâu khi gắng sức và kể cả khi nghỉ ngơi. Khác với những cơn khó thở khi mắc bệnh phổi, người mắc bệnh tim khó thở ngay khi nằm xuống. Khó thở cũng có thể xảy ra vào buổi tối, lúc bạn đang ngủ. Đó là do việc tim đột ngột giảm khả năng co bóp, làm gián đoạn sự bơm máu từ tim lên phổi gây khó thở. Nếu bạn thường xuyên thấy khó thở hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám, vì đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh tim.
Cảm giác nặng ngực hoặc đau thắt ngực
Đây là dấu hiệu rất thường gặp. Người bệnh có cảm giác đau thắt ngực ở dưới xương ức, cơn đau có thể kéo dài đến 10 phút và hay lặp lại. Khi bị đau thắt ngực kéo dài, bạn cần nghỉ ngơi tuyệt đối và khẩn trương đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim. Đau thắt ngực thường do các tế bào cơ tim không nhận đủ ôxy do lưu lượng máu đến tim giảm.
Ho dai dẳng hoặc khò khè
Ở người bị bệnh tim mạch, tim không còn đủ khả năng bơm máu cung cấp cho cơ thể dẫn đến dịch bị ứ lại ở nhiều cơ quan. Dịch ứ tại phổi gây ho mạn tính, thở khò khè. Ứ dịch ở gan, ruột gây chán ăn, buồn nôn. Tình trạng ho có thể nặng hơn khi nằm hoặc lúc mới ra khỏi giường. Ho do bệnh tim thường ho khan hoặc có thể có đờm trắng hoặc nhầy đặc.
Nhịp tim có vấn đề
Tim người bệnh có thể đập với tốc độ nhanh hơn, hoặc đập dồn dập, có cảm giác hồi hộp bất thường, nghe rõ tiếng đánh trống ngực. Nguyên nhân khiến tim đập nhanh là để bù đắp cho khả năng suy giảm chức năng bơm máu của tim, nhằm đảm bảo lượng ôxy cung cấp cho cơ thể.
Hiện tượng phù
Hiện tượng phù là do cơ thể đang giữ nước nhiều hơn nhu cầu thông thường. Nếu khi ngủ dậy, bạn phát hiện mặt bị căng phù, nặng mi mắt, hoặc điển hình là phù bàn chân vào thời điểm nhất định trong ngày, cảm thấy đi dép chật.. thì nhiều khả năng bạn đang mắc bệnh lý tim mạch. Thủ phạm chính của hiện tượng phù là do tim không bơm được máu đầy đủ cho khắp cơ thể. Máu không mang được chất thải từ các mô về nên ứ đọng các chất gây phù. Phù thường bắt đầu ở bàn chân, mắt cá chân, ngón tay, bàn tay bởi đó là vị trí xa tim, nơi lưu thông máu kém.
Luôn khát nước
Người mắc bệnh tim mạch hay thấy khát nước dù trong mùa lạnh, hoặc thậm chí vừa uống xong đã khát. Điều này đôi khi không phải do vận động nhiều, căng thẳng hay do thời tiết. Dấu hiệu này thường đi kèm với hiện tượng phù.
Mệt mỏi hoặc kiệt sức không rõ nguyên nhân
Cảm giác mệt mỏi hoặc kiệt sức nhiều lần trong ngày, chân tay như không có sức, không có tinh thần làm việc, thậm chí cả khi mới thức dậy, chưa làm bất cứ việc gì mất sức, không đau ốm. Nếu hiện tượng này xảy ra một cách thường xuyên, nó có thể báo động cho sự tồn tại của một bệnh lý tim mạch.
Theo một khảo sát trên 500 phụ nữ sống sau cơn đau tim của Trường Y Harvard thuộc Đại học Harvard của Mỹ, có đến 95% trong số họ đã nhận thấy dấu hiệu mệt mỏi hay kiệt sức không rõ nguyên nhân thường xuyên xuất hiện trước thời điểm cơn đau tim xảy ra.
Lo lắng, hoảng loạn, mất ngủ
Đây là những dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh tim mạch nhưng lại dễ bị bỏ qua. Mất ngủ do bệnh tim mạch không giống với mất ngủ thông thường mà là đột ngột tỉnh giấc giữa đêm không kèm theo triệu chứng khác. Thực tế nguyên nhân là do tim không được cung cấp đủ ôxy nên gây ra các dấu hiệu này.
Chán ăn
Một trong những dấu hiệu chính của bệnh tim là người bệnh lúc nào cũng có cảm giác no. Đó là do sự tích tụ dịch trong gan hoặc hệ thống tiêu hóa của người bệnh. Kết quả là người bệnh không còn cảm giác muốn ăn và ăn ít hơn. Nếu có thêm dấu hiệu mệt mỏi đến mức không muốn ăn, bạn cần được đi khám chuyên khoa tim mạch.
Đi tiểu ban đêm
Điều này xảy ra do sự di chuyển của lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận để đào thải ra ngoài. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể vào buổi tối hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ.
Ợ nóng
Phụ nữ có khả năng bị ợ nóng gấp 2 lần do bệnh tim mạch, bao gồm các biểu hiện ợ hơi, khó tiêu, buồn nôn.
Những cơn đau lan tỏa
Cơn đau xuất hiện bất kỳ nơi nào trên cơ thể: đau ở lưng, cổ, khó chịu ở một hoặc hai cánh tay, đau ở vùng hàm hoặc dạ dày… Bạn cảm thấy những cơn đau này xuất phát từ một điểm nào đó rồi lan tỏa dần. Đặc điểm của những cơn đau này thường là hôm nay đau cổ, ngày mai chuyển sang đau cằm hoặc hôm nay đau, ngày mai lại không đau. Nguyên nhân là do tim thiếu ôxy sẽ phát tín hiệu đau qua dây thần kinh đến các cơ vì vậy những vị trí này sẽ có cảm giác đau.
Vã mồ hôi
Rất có thể cơn đau tim đang xảy ra nếu bạn đột ngột vã mồ hôi như tắm. Nhiều người có thể nhầm lẫn với dấu hiệu vã mồ hôi khi đang mắc bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, bạn đừng nên chủ quan.
Tay chân lạnh không rõ nguyên nhân
Hiện tượng tay chân lạnh đột ngột, không do thời tiết hoặc cảm lạnh thì rất có thể là do bệnh tim mạch. Nguyên nhân là tim có vấn đề khiến tuần hoàn máu kém dẫn đến tay chân lạnh.
Thường xuyên đau nửa đầu
Thường xuyên đau nửa đầu cũng là một dấu hiệu cảnh báo. 40% những người mắc bệnh lý tim mạch xuất hiện dấu hiệu này.
Có cảm giác đau thắt khi đi bộ
Phần hông và các cơ bắp ở chân bị chuột rút, có cảm giác đau thắt khi đi bộ hoặc cử động nhưng biến mất sau vài phút nghỉ ngơi. Nguyên nhân là do động mạch ở chân của bạn đã bị tắc một phần.
Ngáy và ngưng thở khi ngủ
Nếu ngáy thường xuyên và quá to, đủ để đánh thức người bên cạnh hoặc buộc họ phải bịt tai, có thể gợi ý bệnh tim đang tồn tại. Chứng ngưng thở tạm thời khi ngủ chính là nguyên nhân gây ra những tiếng ngáy đó. Chứng này cũng có liên quan đến tất cả các loại bệnh tim mạch.
Lợi sưng đau, chảy máu
Lợi bị sưng đau và chảy máu thường xuyên do nhiều nguyên nhân, nhiều khi chỉ là do kém vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, không thể loại trừ việc tim mắc bệnh khiến máu lưu thông kém gây nên dấu hiệu này.
Đời sống chăn gối không như ý
Rối loạn cương dương cũng là một trong những dấu hiệu thường hay bị bỏ qua của bệnh lý tim mạch. Bởi khi động mạnh bị thu hẹp hoặc xơ cứng, lưu lượng máu đến dương vật bị hạn chế dẫn đến khó duy trì sự cương cứng.
Các dấu hiệu trên có thể điển hình hoặc không điển hình trong các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên nếu có các dấu hiệu trên kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch sau đây thì khả năng cao là thật sự bạn đang mắc các bệnh lý tim mạch:
- Giới tính. Nhìn chung, nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới.
- Di truyền: Gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, ví dụ như cha mẹ hoặc anh chị em của bạn đã từng gặp phải các vấn đề về tim mạch trước tuổi 55.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
- Thừa cân, béo phì.
- Nghiện thuốc lá.
- Thiếu vận động thể chất.
- Tăng huyết áp.
- Cholesterol trong máu cao.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
Be the first to write a comment.