Môi trường thích hợp để thai nhi có thể phát triển là dạ con. Khi thai nhi nằm ngoài môi trường này là hiện tượng thai ngoài tử cung và gây ra nhiều nguy hiểm cho người mẹ. Vậy làm sao để nhận biết thai ngoài tử cung hay xử lý thai ngoài tử cung như thế nào? ICondom sẽ giải đáp những thắc mắc ấy qua bài viết sau.
Thai ngoài tử cung là gì?
Thông thường sau quá trình thụ thai, trứng đã được thụ tinh sẽ di chuyển tố tử cung va làm tổ ở đó. Vì một vấn đề nào đó hợp tử trên không đi tới tử cung mà làm tổ ở vị trí khác, có thể là vòi trứng, phía trên buồng trứng, cổ tử cung hay ổ bụng. Trường hợp thường gặp nhất là thai ngoài tử cung làm tổ ở vòi trứng.
Vì ở những môi trường thai không có điều kiện để phát triển nên sau một thời gian sẽ tự bị sảy, vỡ ra, gây chảy máu ồ ạt, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người mẹ.
Nguyên nhân thai ngoài tử cung là gì?
Khi người mẹ mang thai ngoài tử cung nếu không đi xét nghiệm, siêu âm thì khó có thể biết được. Một số nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung là:
- Do viêm vòi trứng gây nên.
Viêm vòi trứng khiến vòi trứng dễ bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Vì thế trứng đã thụ tinh không thể đi đến lòng tử cung để làm tổ và làm tổ ngay ở vòi trứng.
Nguyên nhân dẫn đến viêm vòi trứng chủ yếu là do một số bệnh lây nhiễm qua con đường tình dục gây nên. Bên cạnh đó tình trạng nạo phá thai không an toàn cũng khiến tỷ lệ phụ nữ bị viêm vòi trứng cũng nhiều hơn.
- Do một số bệnh phụ khoa
Một số bệnh lý phụ khoa cũng khiến cho chị em phụ nữ phải đối mặt với thai ngoài tử cung như sau:
– Vòi trứng bị kéo dài, gập góc hoặc hẹp tự nhiên do dị tật bẩm sinh
– Những bệnh lý của cơ quan sinh sản, hình thành khối u chèn ép vào vòi trứng gây ra thai ngoài tử cung
– Lạc nội mạc tử cung tại vòi trứng khiến cho vòi trứng bị tắc hẹp
- Do tác động của chất nicotin:
Nicotine trong thuốc lá và cồn trong rượu tác động rất nhiều tới vi lông mao bên trong ống dẫn trứng. Trong khi đó thai nhi nhờ vào những vi lông mao này để di chuyển xuống tử cung. Từ đó thai nhi chậm di chuyển hoặc khó có thể làm tổ ở tử cung hơn.
Thậm chí phụ nữ hút thuốc hoặc hít phải nhiều khói thuốc lá cũng gặp nguy cơ sảy thai cao hơn ở những phụ nữ bình thường.
Làm sao để nhận biết thai ngoài tử cung?
- Đau bụng hoặc đau xương chậu nghiêm trọng:
Vì thai ngoài tử cung cũng có những biểu hiện như mang thai bình thường nên khi phát hiện có thai, đi kèm với cơn đau vụng hoặc đau xương chậu, bạn có thể bị thai ngoài tử cung. Nếu những cơn đau này thường xuyên xuất hiện và kéo dài, hãy đến ngay bệnh viện để được chăm sóc đúng lúc
- Đau lưng trầm trọng:
Khi mang thai bạn cũng gặp vấn đề như đau lưng nhưng với thai ngoài tử cung cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Đặc biệt, cơn đau lưng của bạn sẽ diễn ra mạnh ở vùng lưng dưới.
- Chảy máu âm đạo
Đa số trường hợp thai ngoài tử cung đều bị chảy máu âm đạo bất thường, ngoài chu kỳ kinh nguyệt. Máu chảy ra có thể ít hơn, có màu đỏ sáng hoặc sẫm hơn so với bình thường, hoặc loãng hơn.
Nên làm gì khi có triệu chứng thai ngoài tử cung?
Thường kiểm tra nồng độ hormone hCG chỉ giúp chẩn đoán có thai, nhưng không thể xác định được thai ngoài tử cung. Khi thấy xuất hiện một số biểu hiện bất thường hãy đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi thăm khám và phát hiện thai ngoài tử cung bác sĩ sẽ tiến hành điều trị như sau:
– Tiến hành phẫu thuật nhằm lấy đi khối thai, có thể là phẫu thuật mở ổ bụng hay mổ qua nội soi.
Trong đó nội soi là phương pháp phẫu thuật qua lỗ nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật vào qua các lỗ nhỏ đó và thao tác để lấy khối thai.
– Điều trị nội khoa là biện pháp dùng thuốc để làm chết các tế bào của khối thai.
Có nhiều cách dùng thuốc: tiêm thuốc vào bắp cơ một lần duy nhất, hoặc nhiều lần, hoặc tiêm thẳng vào khối thai. Tuy nhiên, sau khi tiêm thuốc, khối thai vẫn tiếp tục phát triển thì buộc phải chuyển sang phẫu thuật.
Cách này thường được sử dụng vào những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ, kích thước < 3cm và chưa có tim thai.
– Điều trị bảo tồn hoặc không bảo tồn: là biện pháp điều trị có giữ lại vòi trứng hay không.
Thông thường khi khối thai đã có dấu hiệu vỡ thì thường phải cắt bỏ vòi trứng. Nếu bệnh nhân chỉ bị cắt một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chỉ còn một bên vòi trứng và chưa có con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn, giữ lại vòi trứng. Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở vòi trứng, lấy khối thai ra và tiến hành cầm máu.
Những phương pháp điều trị trên đây sẽ được áp dụng tùy vào từng trường hợp:
– Trọng lượng và kích cỡ của khối thai
– Thai đã bị vỡ hay chưa
– Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân như thế nào
– Tình trạng của cơ sở y tế, có trang thiết bị và nhân sự được đào tạo.
Trên đây là giải đáp một số thắc mắc cơ bản liên quan đến thai ngoài tử cung. Khi mới phát hiện mang thai, nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Nếu trường hợp của bạn là thai ngoài tử cung, phát hiện càng sớm càng tốt, điều trị cũng ít tốn kém và nhanh chóng hơn.
Be the first to write a comment.