Rate this post

I ốt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. Nó là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương; phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng; hay duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…

1. I ốt là gì?

I ốt (Iodine) là một khoáng chất vi lượng cần thiết để cho tuyến giáp sản xuất ra các hormone giáp trạng; các hormone này giúp điều chỉnh các chức năng của cơ thể để chúng luôn hoạt động ở mức tối ưu. I ốt còn giúp phát triển não bộ và tăng cường thể chất của trẻ em.

Cơ thể không tự sản sinh ra I ốt, thay vào đó chúng ta cần dung nạp I ốt ở dạng thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. I ốt có nhiều trong muối I ốt, hải sản, cá biển, rong và tảo bẹ, trứng, ngũ cốc…

Không bổ sung đủ lượng I ốt cần thiết, hay thiếu hụt I ốt, có thể khiến cơ thể không thể sản sinh đủ hormone tuyến giáp và dẫn đến tuyến giáp phình to (bướu cổ). Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tuyến giáp và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra I ốt còn là khoáng chất cần thiết cho phụ nữ mang thai vì thiếu hụt I ốt trong thai kỳ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ em.

2. Vai trò của I ốt đối với sức khỏe con người

Theo nghiên cứu, trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển trí tuệ trên toàn thế giới thì thiếu hụt I ốt là điều duy nhất chúng ta có thể ngăn chặn. I ốt còn có nhiều vai trò khác đối với con người như:

2.1 Đối với người lớn

I ốt giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể, thiếu I ốt dẫn đến tình trạng thân nhiệt giảm, khiến ta cảm thấy người lạnh trong khi nhiệt độ ngoài trời vẫn cao.

I ốt hỗ trợ chuyển hóa chất dinh dưỡng, năng lượng, điều phối oxy cho các tế bào, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

Tuyến giáp thiếu I ốt sẽ phình to lên, phần cổ của những người thiếu I ốt trương to, gọi là bướu cổ. I ốt còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

2.2 Đối với phụ nữ mang thai

I ốt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi nhất là trong giai đoạn thai từ 3 đến 5 tháng tuổi. Cơ thể phụ nữ mang thai cần khoảng 200 mcg I ốt/ngày.

Thiếu hụt I ốt thời kỳ mang thai khiến não của thai nhi chậm phát triển, trẻ sinh ra có thể bị đần độn, thiểu năng trí tuệ.

Mẹ bầu dễ bị sảy thai, sinh non, tiền sản giật, chảy máu nhiều khi sinh, thai chết non…do khả năng của tuyến giáp suy yếu khi không bổ sung đầy đủ I ốt.

2.3 Đối với trẻ em

Trẻ đang trong thời kỳ phát triển não bộ nếu bị thiếu I ốt dễ dẫn đến trí tuệ kém phát triển. Thiếu I ốt kéo dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của trẻ và không khắc phục được.

I ốt còn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển xương, giới tính của trẻ. Thiếu I ốt khiến cơ thể trẻ kém phát triển cả về thể trạng và sinh lý khi đang trong giai đoạn dậy thì.

Nhu cầu I ốt mỗi ngày của trẻ em là khác nhau, tùy theo độ tuổi và giới tính:

Trẻ 0-6 tháng tuổi cần bổ sung 110 mcg I ốt/ngày.

Trẻ 7-12 tháng tuổi cần bổ sung 130 mcg I ốt/ngày.

Trẻ 1-3 tuổi cần bổ sung 90 mcg I ốt/ngày.

Trẻ 4-8 tuổi cần bổ sung 90 mcg I ốt/ngày.

Trẻ 9-13 tuổi cần bổ sung 130 mcg I ốt/ngày.

Nam giới trên 14 tuổi cần bổ sung 150 mcg/ngày.

Nữ giới trên 14 tuổi cần bổ sung: 150 mcg/ngày.

Phụ nữ có thai và đang cho con bú nên bổ sung khoảng  200mcg/ngày.

3. Thiếu I ốt gây hại gì?

Thiếu I ốt ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập và năng suất lao động của con người.

Phụ nữ mang thai thiếu I ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu.

Trẻ sơ sinh chậm phát triển trí tuệ, đần độn, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và tử vong.

Trẻ nhỏ tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, hạn chế phát triển chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng suy tuyến giáp, bướu cổ.

Người lớn nếu thiếu I ốt sẽ giảm khả năng tư duy, sức lao động và gây bệnh bướu cổ.

Thiếu không tốt nhưng thừa I ốt liệu có gây hại không?

Nếu ở mức bình thường, lượng I ốt thừa sẽ được cơ thể thải ra ngoài thông qua đường tiểu. Nhưng thừa quá nhiều I ốt, cơ thể không kịp đào thải sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như hội chứng cường giáp (hay gặp nhất là bệnh Grave – Basedow), u tuyến độc giáp (Toxic Adenoma) hay viêm tuyến giáp (Thyroiditis).

4. Ăn gì để bổ sung I ốt

Cơ thể không tự tổng hợp được I ốt mà phải được cung cấp từ bên ngoài qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, phần lớn thực phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày lại rất nghèo I ốt. Chỉ có một số ít thực phẩm có lượng I ốt cao như: phô mai (200mcg/100g), trứng gà (169mcg/100g), lươn, hải sản (60mcg/100g), sữa bột tách béo (130mcg/100g), sữa bột toàn phần (110 mcg/100g), tảo biển (92 mcg/100g), bắp cải (20mcg/100g), rong biển, cá biển, tảo bẹ, ngũ cốc…

Muối I ốt là giải pháp được khuyến khích sử dụng giúp bổ sung I ốt vào bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, dùng muối I ốt quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.

Với trẻ em, nguồn cung cấp I ốt tốt nhất cho bé là từ sữa mẹ và một số loại thực phẩm bổ sung.

Tuy nhiên muốn bổ sung I ốt cũng cần để ý đến một vài điều sau:

– Bổ sung đủ lượng I ốt cơ thể cần, không thừa cũng không thiếu. Phụ nữ mang thai và trẻ em là hai đối tượng cần được bổ sung I ốt nhiều nhất.

– Người mắc bệnh thận, tim không nên bổ sung nhiều muối I ốt. Và với người mắc bệnh cường giáp, bổ sung I ốt sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

– Khi sử dụng muối I ốt để bổ sung I ốt cho cơ thể cần lưu ý: Ăn mặn lâu ngày cũng sẽ khiến cơ thể mắc các bệnh không mong muốn như thận, cao huyết áp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu I ốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em… Do đó mỗi người chúng ta cần hiểu về I ốt, nắm được những tác hại của việc thiếu I ốt và tầm quan trọng của việc bổ sung I ốt vào các bữa ăn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.