5/5 - (1 bình chọn)

Việt Nam là vùng có tỷ lệ người mang virus viêm gan B rất cao. Nếu người mẹ mang thai nhiễm virus viêm gan B thì có đến 90% sẽ truyền bệnh sang con. Vì lý do này, sau đây ICondom xin chia sẻ một số thông tin về bệnh viêm gan B và thời gian tiêm vacxin viêm gan B để phòng tránh bệnh một cách hiệu quả.

Vì sao phải tiêm phòng viêm gan B?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm gây nên bởi một loại siêu vi xâm nhập vào gan, virus này sinh trưởng theo cấp số nhân dẫn đến viêm gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Chính vì vậy, việc tiêm phòng viêm gan B là bước cần thiết để phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này.

Trên thế giới có hơn 2 tỉ người nhiễm viêm gan B, cứ mỗi năm khoảng 400.000 người chết vì các biến chứng của bệnh. Ở Việt Nam, cứ 4 người lại có một người mắc viêm gan B. Một khi đã mắc viêm gan B thì việc chữa khỏi hoàn toàn là không thể nên phòng bệnh là cách tốt nhất đối với căn bệnh mạn tính này.

Đối tượng cần tiêm phòng viêm gan B

Tất cả mọi người đều có thể tiêm phòng viêm gan B, nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chỉ mới phổ cập tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh vì vacxin sẽ ngừa được bệnh cho cả một thế hệ. Và nếu trẻ em bị nhiễm viêm gan B từ bé rất dễ bị suy gan ở tuổi trưởng thành, chính vì vậy, trẻ sơ sinh rất cần được tiêm phòng viêm gan B từ sớm.

Vacxin là để phòng bệnh, nghĩa là chỉ thực hiện trên những đối tượng chưa hề bị lây nhiễm viêm gan B. Như vậy đối với những ai đã mắc bệnh thì việc tiêm phòng vacxin viêm gan B không còn giá trị nữa. Người lớn cũng có thể tiêm phòng nếu chưa bao giờ bị nhiễm siêu vi B.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: “Mọi trẻ em phải được tiêm chủng đủ 3 mũi vacxin, mũi đầu tiên tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh”. 

Tính an toàn của vacxin viêm gan B

Khoa học đã chứng minh vacxin viêm gan B có rất ít tác dụng phụ và an toàn với tất cả mọi người. Tiêm phòng viêm gan B gây đau đớn nhưng các phản ứng với vacxin xảy ra rất hiếm, tỉ lệ xảy ra các phản ứng nặng chỉ 1/600.000 liều vacxin. Triệu chứng của các phản ứng này là đỏ da, khó thở hay tụt huyết áp, và chưa có báo cáo ca tử vong nào vì tiêm phòng viêm gan B.

Thời gian tiêm phòng viêm gan B

Hiện nay, người ta áp dụng lịch tiêm phòng 0-1-6, nghĩa là 2 mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu, mũi thứ ba tiêm nhắc lại sau sáu tháng tính từ

mũi đầu tiên. Một số trường hợp đặc biệt cần kích thích hệ đáp ứng miễn dịch nhanh, nhất là ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B mạn tính, thì sẽ phải tiêm 4 mũi theo trình tự 0-1-2-12, nghĩa là 3 mũi đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản, mũi còn lại tiêm vào tháng thứ mười hai tính theo thời gian từ mũi đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ với hai mũi đầu có thể tạo kháng thể chống lại bệnh trong khoảng 5 đến 10 năm tùy cơ địa từng người. Nếu lỡ quên ngày chích mũi thứ ba thì vẫn có thể chích lại sau đó, không cần chích lại từ đầu.

Trước khi chích vacxin ngừa viêm gan siêu vi B bạn cần thực hiện hai xét nghiệm HBsAg và antiHBs để biết mình đã có kháng thể hay không. Nếu mắc bệnh, có nghĩa là dương tính với HBsAg, thì việc tiêm phòng sẽ không hiệu quả. Nếu antiHBs dương tính nghĩa là bạn đã có kháng thể siêu vi viêm gan B, lúc này không cần phải tiêm phòng nữa. Nếu kết quả đều âm tính với hai xét nghiệm trên, nghĩa là bạn chưa bị bệnh và cần được tiêm phòng vacxin viêm gan B tránh bị lây nhiễm.

Những thông tin mà ICondom chia sẻ trên đây, hi vọng các bạn đã hiểu về bệnh viêm gan B và thời gian tiêm vacxin viêm gan B hiệu quả nhất. Hãy luôn chú ý đến các bệnh truyền nhiễm và cách phòng tránh bệnh cho bản thân để có một sức khỏe tốt.