Rate this post

Hội chứng ruột kích thích thường xuyên gây rối loạn tiêu hoá và các cơn đau co thắt mạnh ở vùng đại tràng, khiến những bữa cơm tất niên, tiệc tùng, liên hoan dịp Tết trở thành nỗi ám ảnh của người bệnh.

Một trong những bệnh lý về đường ruột phổ biến nhất ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung là hội chứng ruột kích thích. Theo một khảo sát về bệnh tiêu hoá của khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai) vào năm 2004, hội chứng ruột kích thích chiếm tới 83,38% trong số các bệnh lý ống tiêu hoá ở Việt Nam.

Số liệu từ trang web chính thức của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích chiếm từ 5 – 20% dân số, tỷ lệ này biến động theo từng vùng dân cư và từng nghiên cứu. Nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh của nữ giới gấp 2 lần so với nam giới.

Đặc biệt, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, số lượng người mới mắc hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh tiến triển nặng hơn tăng vọt trong các kỳ nghỉ Tết. Lý do là bởi đây là quãng thời gian mà thói quen ăn uống, sinh hoạt của mọi người bị đảo lộn, chưa kể tới việc sử dụng nhiều rượu, bia, chất kích thích như thuốc lá, cà phê,…

Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ngày Tết

Hiện các chuyên gia y tế vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác của hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt) song đã xác định nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý này.

Theo báo Khám Phá, khoa học đã chứng minh được mối liên hệ giữa não bộ và đường ruột của người. Cụ thể, đường ruột có tới 100 triệu tế bào thần kinh kết nối với bộ não nên cơ quan này còn được mệnh danh là “não bộ thứ 2” của con người. 

Khi bị căng thẳng, não bộ sẽ bật tín hiệu và gây ra các cơn đau co thắt rất mạnh ở đại tràng, đồng thời làm giảm số lượng lợi khuẩn dẫn tới rối loạn tiêu hoá do lợi khuẩn có nhiệm vụ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và tiêu hoá thức ăn. Khi đường ruột thiếu hụt lợi khuẩn lại càng khiến tình trạng căng thẳng trầm trọng thêm, do lợi khuẩn là nơi sản sinh vitamin nhóm B cho cơ thể – thức ăn của não bộ.

Các bác sĩ khuyến cáo, lợi khuẩn không ưa thích những loại đồ ăn trong dịp Tết – thường là các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, nhiều đường, nhiều chất bảo quản và chất phụ gia; đồ uống thường là rượu bia cùng với đồ ăn để trong tủ lạnh lâu ngày. Bên cạnh đó, việc thói quen sinh hoạt và ăn uống bị đảo lộn trong ngày Tết như ăn uống thất thường, bỏ bữa, ngủ nghỉ không đúng giờ,… cũng dễ khiến hội chứng ruột kích thích tái phát, kéo theo những cơn đau co thắt với tần suất cao hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích gồm: Hormone (chẳng hạn sự thay đổi của nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt của nữ giới), stress, hội chứng không dung nạp thức ăn, dị ứng thực phẩm, các chứng bệnh như viêm dạ dày hoặc có quá nhiều vi khuẩn trong ruột.

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng điển hình nhất của hội chứng ruột kích thích là cảm giác khó chịu ở bụng hoặc đau bụng kéo dài 12 tuần đến 12 tháng trước đó. Cảm giác này không nhất thiết phải liên tục xuất hiện, có thể kèm theo một số triệu chứng như thay đổi số lần đi đại tiện, thay đổi hình dạng khuôn phân.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng không đặc hiệu nhưng là gợi ý để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích gồm:

– Số lần đi đại tiện không bình thường, chẳng hạn trên 3 lần/ngày hoặc dưới 3 lần/tuần.

– Phân không bình thường: Nhão, cứng, lỏng,…

– Đại tiện có lúc phải rặn nhiều, có lúc phải chạy vội vào nhà vệ sinh, có cảm giác đi chưa hết phân.

– Bụng chướng hơi, có cảm giác nặng tức bụng.

– Phân có chất nhầy nhưng không có máu.

 – Táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi tiêu chảy hoặc táo bón xen kẽ nhau.

– Một số triệu chứng khác như buồn nôn, ăn nhanh no, nóng ở vùng thượng vị, có cảm giác vướng ở họng,…

– Nếu hội chứng ruột kích thích kéo dài mà không được điều trị có thể kéo theo một số triệu chứng ngoài ống tiêu hoá như rối loạn tâm lý, mất ngủ, đau đầu,…

Cách phòng tránh hội chứng ruột kích thích dịp Tết

Người bị hội chứng ruột kích thích nên và không nên làm gì trong dịp Tết?

Người bị hội chứng ruột kích thích không nên:

– Không nên ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ dầu mỡ.

– Hạn chế ăn các loại bánh kẹo, mứt Tết vì đây là nhóm thực phẩm chứa quá nhiều đường.

– Hạn chế sử dụng đồ ăn sẵn như lạp xườn, thịt hun khói, xúc xích, ủ muối, đồ cay nóng,… vì chúng có rất nhiều chất phụ gia và chất bảo quản, dễ gây cảm giác khó tiêu và kích ứng niêm mạc ruột, khiến hội chứng ruột kích thích nặng thêm.

– Hạn chế ăn các món tái sống, nộm, nem chua, đặc biệt là các loại thức ăn để quá lâu trong tủ lạnh. Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, đồ ăn đã chế biến chỉ nên lưu trữ trong tủ lạnh từ 1 – 2 ngày. Thức ăn để trong tủ lạnh khi bỏ ra ngoài  dùng tiếp phải nấu lại thật kỹ, hạn chế dùng lò vi sóng vì lò vi sóng không thể diệt hết vi khuẩn.

– Hạn chế uống các loại nước ngọt có gas, cà phê, bia rượu.

Người bị hội chứng ruột kích thích nên:

– Cố gắng không bỏ bữa (nhất là bữa sáng), tập kiểm soát bữa ăn, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và không ăn quá nhiều trong một bữa.

– Nên sử dụng các phương pháp luộc, hấp, lẩu bằng nước dùng thanh đạm (chẳng hạn như nước dùng rau củ).

– Dự trữ các loại trái cây tươi và trái cây sấy khô tự nhiên, không chứa đường tinh luyện để sử dụng trong ngày Tết và mời khách đến nhà thay cho bánh kẹo, mứt.

– Trong thực ăn ngày Tết nên bổ sung các loại thực phẩm thanh đạm.

– Nên uống các loại trà nóng không đường.

– Thay thế các món nhậu ngày Tết, đồ nhắm mua sẵn bằng những món ăn tự làm, chứa ít dầu mỡ và phụ gia.

– Sử dụng rượu vang với số lượng 1 – 2 ly thay cho các loại rượu mạnh.

– Sau mỗi bữa cỗ, tiệc tùng, ăn nhậu thì các bữa ăn sau nên sử dụng thực phẩm thanh đạm.

– Nên ăn nhiều rau củ quả tươi.

– Tăng cường bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể từ các men vi sinh, sữa chua, thực phẩm chức năng,…

– Để giảm thiểu những cơn đau co thắt do hội chứng ruột kích thích, bên cạnh áp dụng theo những điều nên và không nên làm trong dịp Tết, người bệnh cũng có thể kết hợp với một số bài thuốc Đông y có tác dụng điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả với thành phần là những loại thảo dược gồm sa, mộc hương, lá mơ lông, cam thảo,…