Khi khám trào ngược dạ dày, người bệnh thường thắc mắc: “trào ngược dạ dày có cần nội soi không”? Do đó,bài viết này từ ICondom sẽ giúp bạn giải mã thắc mắc trên. Hy vọng sẽ giúp ích nhiều cho bạn khi thăm khám nhé!
Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày (Gastroesophageal Reflux Disease (GERD)) là quá trình thức ăn và dịch trong dạ dày bị đẩy ngược lên trên do các rối loạn của cơ vòng thực quản hoặc do rối loạn từ dạ dày. Cơ vòng thực quản có chức năng như 1 “cánh cửa” giúp đóng mở linh hoạt, nhằm đưa thức ăn từ trên xuống và ngăn không cho dịch vị và các thức ăn đã được tiêu hóa đẩy lên trên.
Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày
Bệnh trào ngược dạ dày thường có các triệu chứng điển hình như:
- Ợ chua, ợ hơi: Tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn xong và sẽ kéo dài nếu ăn phải món khó tiêu. Ợ chua thường kèm theo cảm giác nóng rát từ dạ dày lan đến cổ do trào ngược axit, bạn cũng sẽ thấy vị chua ở miệng khi hơi từ dạ dày đẩy lên. Khi đói người bệnh cũng không tránh khỏi cảm giác khó chịu từ ợ hơi gây ra.
- Nôn ói, buồn nôn: Sau các bữa ăn, tình trạng này càng trầm trọng và kèm theo cảm giác nghẹn, khó nuốt. Khi đi tàu xe, người bị trào ngược dạ dày cũng dễ say hơn người bình thường.
- Ăn không ngon, sụt cân: Khi các cơn trào ngược kéo dài làm thực quản viêm, sưng gây đau nhức. Từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn, ăn không thấy ngon khiến người bệnh suy nhược, sụt cân.
- Ho, viêm họng, khàn giọng: Nguyên nhân là do axit trào ngược làm viêm thanh quản, gây ho và viêm họng kéo dài do chưa điều trị dứt điểm nguyên nhân là trào ngược dạ dày.
Nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra các cơn trào ngược, tuy nhiên theo y học hiện đại, tình trạng trào ngược dạ dày thường do 2 nguyên nhân chính:
Do các bất thường từ thực quản
Các nguyên nhân trào ngược thực quản chủ yếu do sự rối loạn và suy yếu của cơ vòng thực quản dưới. Cơ chế của cơ vòng thực quản dưới sẽ đóng mở linh hoạt để giúp dạ dày nhận và tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi rối loạn đa số cơ vòng thực quản sẽ chỉ mở mà không đóng, từ đó thức ăn và dịch axit trào ngược lên trên thực quản, tạo ra các cơn trào ngược thực quản. Nguyên nhân làm nhóm cơ này suy yếu thường do:
- Thói quen sinh hoạt: Lối sống sinh hoạt không lành mạnh, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê…
- Do các bệnh lý liên quan: Thoát vị cơ hoành, nhiễm trùng thực quản gây xơ, tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản,…
- Tác dụng phụ của thuốc: Các bệnh mãn tính thường phải dùng thuốc kéo dài, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp lên dạ dày, thực quản như thuốc huyết áp, giảm đau,…
Do các bất thường từ dạ dày
Việc dư thừa axit hoặc quá tải bên trong dạ dày cũng là nguyên nhân làm trào ngược. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do:
- Thói quen ăn uống: Ăn quá no hoặc ăn các loại thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, các loại đồ uống có gas,… gây quá tải cho dạ dày.
- Các bệnh lý dạ dày: Hẹp hang môn vị dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,… cũng có thể là nguyên nhân gây nên các cơn trào ngược dạ dày.
- Ngoài ra việc mất kiểm soát cân nặng, béo phì cũng làm tăng áp lực lên vùng bụng và gây trào ngược dạ dày.
Khám trào ngược dạ dày có cần nội soi không?
Bệnh trào ngược dạ dày thường diễn biến âm thầm và kéo dài do các triệu chứng không rõ ràng. Nhiều người bệnh thường chủ quan và xem nhẹ, nhưng họ không biết rằng nếu không được thăm khám và điều trị sớm sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như: Loét thực quản, viêm đường hô hấp thậm chí có thể dẫn đến ung thư.Nội soi dạ dày là một loại cận lâm sàng, giúp thăm dò phần trên của hệ thống tiêu hóa, bằng cách đặt ống có gắn đèn và camera qua miệng đến dạ dày giúp bác sĩ quan sát và phát hiện các tổn thương dễ dàng. Đa số khi thăm khám bệnh nhân thường thắc mắc “khám trào ngược dạ dày có cần nội soi không?”.
Câu trả lời là “CÓ”.
Như bạn thấy, các nguyên nhân thường gặp gây ra trào ngược dạ dày cũng có thể do các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Vì vậy việc nội soi là vô cùng quan trọng, đây là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất và đưa ra hướng xử lý kịp thời. Có nhiều lý do cho việc cần nội soi như:
- Nhờ hệ thống đèn phát sáng và camera gắn vào ống nội soi sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng nhìn thấy các tổn thương từ họng và thực quản trước khi xuống dạ dày, từ đó các chuẩn đoán về mức độ nghiêm trọng của trào ngược dạ dày cũng chính xác hơn.
- Phát hiện sự có mặt của vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), đây là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày, làm cản trở hoạt động của cơ quan này và gây ra các bệnh viêm loét, trào ngược. Việc nội soi sẽ giúp lấy mẫu, xác định chính xác mật độ của chúng trong dạ dày, từ đó bác sĩ sẽ có liệu trình thuốc phù hợp để tiêu diệt HP.
- Giúp phát hiện các bệnh về dạ dày (nguyên nhân gián tiếp gây trào ngược dạ dày) như: các ổ viêm loét, xuất huyết, ung thư cũng như phát hiện hầu hết mức độ của các tổn thương bên trong dạ dày dù là nhỏ nhất,…
Có 2 thủ thuật nội soi bao gồm:
Nội soi không gây mê
Phương pháp này thường gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, do ống nội soi cọ sát vào họng và thực quản gây đau đớn, buồn nôn. Đồng thời khi rút ống nội soi sau thủ thuật cũng không mấy dễ chịu. Vì vậy người bệnh thường e ngại và sợ sệt khi áp dụng phương pháp này.
Nội soi gây mê
Ở phương pháp này bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê trước khi nội soi, điều này cũng giúp giảm cảm giác khó chịu, đau đớn, buồn nôn. Tuy nhiên cũng cần nhiều lưu ý khi nội soi gây mê như:
- Nên thông báo cho bác sĩ tình trạng bệnh tình hiện tại, có đang sử dụng các loại thuốc nào, nhằm đảm bảo quá trình nội soi an toàn, thuận lợi.
- Không nên uống nước trước khi nội soi gây mê để tránh nước trào ngược vào phổi.
- Sau nội soi gây mê nên theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe, nếu có các bất thường nên báo ngay cho bác sĩ giúp kiểm soát tác dụng phụ của thuốc gây mê lên người bệnh.
Trên đây là các thông tin của ICondom về trào ngược dạ dày và trả lời thắc mắc “khám trào ngược dạ dày có cần nội soi không?”. Hy vọng bài viết hữu ích và hỗ trợ bạn trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh trào ngược dạ dày.
Xem thêm
Be the first to write a comment.