5/5 - (1 bình chọn)

Dấu hiệu tiểu đường trên da là “tín hiệu” đáng báo động về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vậy dấu hiệu tiểu đường trên da bao gồm những gì và cách chữa trị như thế nào? Cùng tham khảo bài viết của ICondom dưới đây nhé!

Bệnh tiểu đường và những dấu hiệu của nó

Tiểu đường là bệnh lý mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường là do insulin không đáp ứng đủ cho cơ thể, hoặc do đề kháng insulin kém. Điều này dẫn đến việc rối loạn chuyển hoá đường máu trong cơ thể.

Đối tượng mắc bệnh tiểu đường đa phần là những người cao tuổi (ngoài 40 tuổi). Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, đối tượng mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nề.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tiểu đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người mắc. Các dấu hiệu nhận biết mà người bệnh nên lưu ý, bao gồm:

  • Cảm thấy khát nước liên tục.
  • Trong một ngày, người bệnh đi tiểu 7 lần hoặc có thể nhiều hơn.
  • Thường xuyên đói, mệt mỏi và kiệt sức khi làm việc nặng.
  • Mắt không nhìn rõ.
  • Huyết áp tăng cao bất thường.

Ngoài những dấu hiệu đã đề cập, người bệnh nên tiến hành đo chỉ số đường huyết thường xuyên để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Các dấu hiệu tiểu đường trên da

Ngoài những biểu hiện được đề cập ở trên, các dấu hiệu tiểu đường trên da cũng là yếu tố quan trọng giúp nhận biết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những dấu hiệu đó bao gồm:

Khoảng da xuất hiện màu vàng hoặc nâu đỏ

Việc xuất hiện những khoảng da màu vàng hoặc nâu đỏ có hình dạng không đều, bị chai cứng là biểu hiện của tình trạng hoại tử mô mỡ do đái tháo đường. Hoại tử mô mỡ được xem là rối loạn viêm da, xuất phát từ nguyên nhân collagen thoái hoá kết hợp với phản ứng u hạt, gây tích tụ mỡ và mạch máu dày lên.

Đối tượng bị hoại tử mô mỡ đa phần là những người phụ nữ trưởng thành. 

Da mờ đục và chuyển dần sang màu đỏ, nổi rõ lên bề mặt da là một trong những triệu chứng ban đầu của hoại tử mô mỡ da. Với triệu chứng này, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa rát và đau. Sau một thời gian, những khoảng da nâu đỏ này sẽ hình thành sẹo màu tím, để lộ rõ các mạch máu ở dưới da. 

Khi bị hoại tử mô mỡ da, bàn chân là bộ phận có tổn thương nhiều nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoại tử mô mỡ da xuất hiện ở cánh tay, da đầu,…

Cách điều trị đối với khoảng da xuất hiện màu nâu đỏ

Đối với bệnh hoại tử mô mỡ da, cho đến nay, chưa có một phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm. Việc bạn cần làm là chăm sóc vết thương thật tốt để tránh bị lở loét thêm.

Tuy nhiên, dùng steroid để bôi ngoài da cũng là một trong những cách điều trị hữu hiệu. Tác dụng của steroid là làm giảm viêm ở những khoảng da có màu nâu đỏ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bị bỏng nặng thì việc sử dụng steroid là vô tác dụng, thậm chí nó còn gây lở loét.

Khoảng da đen, sạm

Khi xuất hiện những khoảng da có màu đen, sạm và dày thì rất có thể bạn đã bị mắc bệnh gai đen. Bệnh này khiến vùng cổ, háng, nách,… xuất hiện những vệt màu đen như nhung. 

Ở giai đoạn đầu, da chỉ xuất hiện màu xám giống với vi khuẩn, đất tích tụ trên cơ thể khi không tắm rửa thường xuyên. Sau một thời gian, vùng da chuyển sang màu nâu đậm hoặc đen do tăng sừng và nổi các u nhú.

Đối tượng mắc bệnh gai đen đa số là những người bị thừa cân, béo phì hoặc tiểu đường.

Bệnh gai đen xuất hiện do những nguyên nhân sau:

  • Do rối loạn nội tiết: Đối với những người bị bệnh rối loạn như u nang buồng trứng, hoặc xảy ra các vấn đề tuyến thượng thận thì rất dễ mắc bệnh gai đen.
  • Do bệnh ung thư: Khi khối u phát triển trong một cơ quan nào đó thì bệnh gai đen cũng dễ dàng xuất hiện.
  • Một số loại thuốc khác: Một số loại thuốc có thể gây ra bệnh gai đen như: Thuốc tránh thai, niacin liều cao,…

Bệnh gai đen điều trị như thế nào?

Cũng giống như bệnh hoại tử mô mỡ da, bệnh gai đen không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các cách sau:

  • Giảm cân: Đối với những người bị thừa cân béo phì nên áp dụng phương pháp giảm cân bằng cách tập luyện và xây dựng chế độ ăn hợp lý. Sau khi giảm cân, bệnh gai đen sẽ tự động biến mất.
  • Thoa kem theo toa: Việc thoa kem theo toa sẽ giúp vùng da bị tổn thương sáng lên và mềm hơn.
  • Ngừng sử dụng các chất bổ sung: Nếu bạn đang dùng những loại thuốc hoặc các chất bổ sung gây ra bệnh gai đen thì bạn nên ngưng sử dụng chúng.

Xuất hiện triệu chứng loét da

Đây là biến chứng thần kinh ngoại biên xảy ra nhiều nhất ở bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt là ở những bệnh nhân máu lưu thông kém. Bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất là bàn tay và bàn chân.

Khi xuất hiện lở loét, bàn chân hoặc bàn tay của người bệnh thường có cảm giác tê buốt, hay ngứa ran hoặc nóng. Đi bộ hoặc làm những việc liên quan đến chân, tay đều có cảm giác đau. Thậm chí, xuất hiện triệu chứng đau khớp xương, nhiễm trùng hoặc lở loét.

Cách điều trị đối với vùng da bị lở loét

Có 5 bước chăm sóc vết lở loét mà người bệnh cần phải lưu ý:

Bước 1: Kiểm soát đường huyết bằng cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đúng cách. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên để theo dõi tình hình bệnh.

Bước 2: Loại bỏ mô hoại tử trên vết loét và mủ dịch.

Bước 3: Vệ sinh vết lở loét bằng dung dịch kháng khuẩn như: Dizigone, povidone lod.

Bước 4: Kích thích lành vết loét nhanh chóng bằng cách thoa kem dưỡng ẩm. Một số kem dưỡng ẩm mà người bệnh có thể dùng như: Vitamin E, Lanolin,…

Bước 5: Băng bó vết loét.

Da khô và ngứa

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng da khô và ngứa ở người bệnh tiểu đường là do dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương, hoặc có thể do biến chứng thận, gan, nhiễm nấm,…

Ở những người mắc tiểu đường, khi đường huyết trong cơ thể tăng cao sẽ khiến cơ thể bị mất nước trầm trọng và giảm tưới máu tới da. Bên cạnh đó, quá trình tiết mồ hôi làm ẩm da bị giảm bớt do tổn thương dây thần kinh, khiến da trở nên khô, nứt nẻ và thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu.

Cách điều trị đối với vùng da khô và ngứa

Người bệnh có thể thoa kem dưỡng ẩm và hạn chế gây tổn thương cho da để tránh tình trạng viêm nhiễm.

Quanh mắt xuất hiện mảng da màu vàng

Mảng thâm nhiễm màu vàng nằm xung quanh mắt là những biểu hiện của vàng mi mắt. Nguyên nhân là do sự rối loạn chuyển hoá lipid gây nên tình trạng ban vàng mi mắt. Những mảng thâm màu vàng thường mềm, hoặc cứng do bên trong có chứa canxi.

Bệnh ban vàng mi mắt thường xảy ra ở những bệnh nhân tăng mỡ máu type II và type IV. 

Khi gặp phải bệnh này, thị lực và mí mắt sẽ không bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp khác sẽ làm sụp mí mắt. Thường thì ban vàng mi mắt không gây hại nhưng lại làm mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Cách điều trị bệnh ban vàng mi mắt

Bệnh ban vàng mi mắt có nhiều cách điều trị khác nhau. Cụ thể:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học như: Ăn nhiều rau xanh, cá, ngũ cốc,…
  • Phẫu thuật thẩm mỹ: Những mảng thâm nhiễm màu vàng khi được cắt bỏ sẽ đạt kết quả điều trị cao nhất. Thời gian cắt bỏ từ 10-15 phút.

Giải pháp ngăn ngừa và cải thiện bệnh tiểu đường

Cải thiện bệnh tiểu đường không chỉ dừng lại ở mức kê toa thuốc của bác sĩ và điều trị ổn định đường huyết, mà còn dựa vào tinh thần và lối suy nghĩ của người bệnh. Vậy người bệnh cần làm gì để có thể sống vui, sống khỏe với bệnh tiểu đường?

Thứ nhất, tự tạo ra những niềm vui trong cuộc sống: Người bệnh không nên căng thẳng trước thực đơn kiêng khem khắt khe của mình. Thỉnh thoảng, người bệnh vẫn có thể thưởng thức món ăn mà mình yêu thích. Tuy nhiên, cần phải ăn ở mức độ vừa phải và biết cách kiềm chế, không nên ăn quá mức để tránh gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. 

Thứ hai, duy trì đời sống tình dục: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tình dục là do sự lo lắng, mặc cảm khi mắc bệnh. Chính vì thế, người bệnh nên thoát khỏi suy nghĩ đó để đời sống tình dục được cải thiện hơn. Ngoài ra, bạn đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ bởi vì chính họ sẽ tư vấn cho bạn việc xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý và phương pháp điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia sẻ với bạn đời của mình để cả hai cùng thấu hiểu nhau hơn nhé.

Thứ ba, giữ các mối quan hệ xã hội: Người bệnh có thể tham gia vào các bữa tiệc, hoặc đi du lịch với bạn bè,… để nâng cao tinh thần. Việc tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ giúp bạn tạo ra tinh thần thoải mái, hạnh phúc.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, khi tham gia vào các bữa tiệc cần phải kiểm soát và hạn chế những món ăn mà người tiểu đường cần kiêng khem. Ngoài ra, cần đem theo các dụng cụ cần thiết và thuốc nữa bạn nhé.

Xem thêm