5/5 - (1 bình chọn)

Hiện tượng thai nhi bị nấc và hiện tượng thai máy trong bụng mẹ là hai hiện tượng các bà bầu thường cảm nhận được trong thời gian mang thai. Đây có phải là những hiện tượng bình thường của thai nhi hay không? Và làm thế nào để phân biệt được khi nào thai nhi bị nấc và khi nào là hiện tượng thai máy? Bài viết này sẽ cung cấp cho quý vị những thông tin cơ bản về hai hiện tượng này và cách phân biệt chúng.

Để có thể phân biệt được thì trước tiên chúng ta phải biết được hiện tượng thai máy và hiện tượng thai nhi bị nấc là gì, và chúng có biểu hiện như thế nào.

Hiện tượng thai máy

Hiện tượng thai máy là gì?

Hiện tượng thai máy là chỉ các cử động của thai nhi, chính xác hơn đó là những cử động của em bé bên trong bụng mẹ mà mẹ có thể cảm nhận được. Bởi thực tế là khi thai nhi được 8 tuần tuổi thì đã bắt đầu có các cử động. Tuy nhiên, do lúc này thai nhi còn quá nhỏ, vì vậy các cử động còn rất nhẹ và mẹ không thể cảm nhận được các cử động đó.

Với những bà mẹ mang thai lần đầu thường không chú ý đến những cử động rất nhẹ này. Chính vì vậy họ thường dễ bỏ lỡ những chuyển động đầu tiên của thai nhi. Đối với những phụ nữ mang thai lần thứ hai trở đi, họ sẽ thường có cảm nhận được thai máy sớm hơn. Để cảm nhận hiện tượng thai máy dễ dàng, các bà mẹ cần nghỉ ngơi yên tĩnh.

Sau khi thai nhi được 20 tuần tuổi, các cử động của thai lúc này đã mạnh hơn, rõ ràng hơn và số lần máy cũng nhiều hơn, thường xuyên hơn đặc biệt là đến những tuần cuối của thai kỳ. Lúc này mẹ có thể cảm nhận rõ chuyển động của em bé bên trong bụng mình như cử động xoay người, nhào lộn, thúc cùi chỏ hay đạp chân vào thành bụng mẹ. Mẹ cũng có thể sờ được bàn chân bé xíu hay khuỷu tay của em bé qua da bụng.

Với những bà mẹ có thành bụng dày sẽ khó cảm nhận hiện tượng thai máy hơn những bà mẹ có thành bụng mỏng. Đồng thời, lượng nước ối nhiều hay ít cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận của bà bầu.

Cách nhận biết hiện tượng thai máy

Thường thì các bà bầu sẽ cảm nhận được hiện tượng thai máy từ tháng thứ 4 và càng ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn. Từ tuần 30 đến tuần 38, hiện tượng thai máy sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất. Trung bình trong một ngày đêm thai nhi có thể máy tới 130 lần, thường máy nhiều vào buổi tối và máy ít vào buổi sáng.

Số lần và cường độ thai máy thường theo một quy luật nhất định, các bà mẹ chỉ cần chú ý là có thể nắm bắt được quy luật này. Thông qua nhịp thai máy cũng có thể biết được thai nhi có khỏe hay không. Hiện tượng thai máy ít hơn bình thường là dấu hiệu cho biết thai nhi không được khỏe, bà bầu nên đi khám để biết nguyên nhân là do đâu và các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Mẹ cần phải theo dõi và đếm số lần thai máy trong ngày, đặc biệt là từ khi thai nhi được 7 tháng trở đi.

Cách nhận biết hiện tượng thai máy đơn giản nhất là đếm số lần thai cử động theo các bước dưới đây:

  • Mẹ theo dõi và đếm số lần thai máy trong một tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm, buổi trưa và buổi tối hàng ngày.
  • Sau đó, mẹ cộng tổng số lần thai máy trong 12 tiếng đồng hồ lại.
  • Thai máy 4 lần/giờ là thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh.
  • Trường hợp thai nhi chỉ cử động từ 3 lần/giờ trở xuống, mẹ cần phải đếm thêm 1 giờ nữa, để đảm bảo chính xác vì rất có thể là lúc trước thai nhi đang ngủ nên máy ít. Nếu chắc chắn là thai máy 3 lần/giờ hoặc ít hơn thì mẹ sẽ tiến hành đếm liên tục trong 12 giờ (từ 8h sáng đến 8h tối).
  • Nếu thai máy >10 lần/12 giờ là bình thường.
  • Nếu thai máy < 10 lần/12 giờ là bất thường. Khi này mẹ cần đi khám ngay để kiểm tra tình trạng của thai nhi.
  • Ngược lại, khi thai máy quá nhiều, trên 20 lần/giờ, các mẹ cũng cần phải chú ý. Bởi rất có thể thai nhi đang bị căng thẳng hoặc do mẹ bị stress quá mức gây ảnh hưởng đến em bé.

Theo dõi hiện tượng thai máy giúp cho mẹ nhận biết được tình trạng sức khỏe của thai nhi thông qua số lần và cường độ các cử động của thai nhi.

Hiện tượng thai nhi bị nấc

Thai nhi bị nấc là một hiện tượng khá thú vị. Thông thường mọi người không nghĩ rằng em bé cũng bị nấc khi đang ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên, đây lại là hiện tượng thường gặp và không phải lo lắng gì cả. Và các bà bầu cũng có thể cảm nhận được hiện tượng này.

Vì sao thai nhi bị nấc?

Nấc cụt xảy ra là do sự thay đổi bất thường trong quá trình chuyển động của cơ hoành, trừ một số trường hợp là triệu chứng của một bệnh lý nào đó. Tình trạng nấc ở thai nhi cũng cùng một cơ chế này.

Nguyên nhân của hiện tượng thai nhi bị nấc là:

  • Do hệ hô hấp của thai nhi chưa được hoàn thiện, do đó chưa có khả năng cân bằng nhịp thở và động tác nuốt của cơ thể. Bởi vậy khi bé thở hoặc nuốt, nước ối sẽ đi vào trong phổi khiến cho cơ hoành chuyển động bất thường mà gây ra hiện tượng nấc.
  • Có thể do vào thời điểm cuối của thai kỳ, hệ thống thần kinh trung ương của thai nhi đã phát triển tương đối hoàn thiện, có khả năng kiểm soát hiện tượng nấc.
  • Ngoài ra thai nhi bị nấc cũng có thể là do đang tập bú ở trong bụng mẹ hoặc em bé đã rất muốn ra ngoài.
  • Trong một số trường hợp thì hiện tượng nấc lại là dấu hiệu của tình trạng dây rốn đang bị quấn chặt.

Thai nhi bị nấc như thế nào?

  • Cơn nấc của thai nhi cũng không khác gì với cơn nấc của người lớn.
  • Mỗi một ngày, em bé có thể bị nấc 1 – 2 lần, mỗi lần thường kéo dài khoảng 3 – 5 phút.
  • Không phải lúc nào các bà mẹ cũng cảm nhận được hiện tượng thai nhi bị nấc. Có bà mẹ thường xuyên cảm nhận được hiện tượng này, song cũng có mẹ lại chỉ nhận thấy thai nhi bị nấc một vài lần trong cả thai kỳ.
  • Khi thai nhi bị nấc, mẹ có thể thấy bụng mình như bị giật giật. Lúc này, nếu đặt tay lên bụng, mẹ bầu sẽ cảm nhận giống như là nghe thấy tiếng tim đang đập hay tiếng gõ vọng ra đều đều từ bên trong bụng.

Làm thế nào để phân biệt thai nhi bị nấc và hiện tượng thai máy trong bụng mẹ?

Có nhiều bà mẹ bị nhầm lẫn giữa hiện tượng thai máy và hiện tượng thai nhi bị nấc, bởi chúng đều làm cho mẹ bầu cảm nhận thấy sự chuyển động bên trong bụng mình. Các bà bầu có thể phân biệt hai hiện tượng này dựa vào các điểm khác biệt sau đây:

Khác biệt về nhịp điệu:

  • Khi thai nhi bị nấc, mẹ sẽ nhận thấy các chuyển động trong bụng có nhịp điệu đều đặn.
  • Khi thai máy thì các chuyển động trong bụng xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không theo một chu kỳ nhịp nhàng nào cả.

Khác biệt về thời gian:

  • Mỗi lần thai nhi bị nấc thường chỉ kéo dài khoảng 3 – 5 phút sau đó sẽ hết.
  • Hiện tượng thai máy có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài từ nửa tiếng cho tới một giờ.

Khác biệt về thời điểm xuất hiện:

  • Hiện tượng thai nhi bị nấc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, mẹ bầu không thể đoán trước được điều này.
  • Còn hiện tượng thai máy lại trái ngược hoàn toàn, vào những tháng cuối của thai kỳ, hiện tượng này sẽ xuất hiện vào một khung giờ cố định trong ngày.

Khác biệt về mức độ: Trong khoảng 3 tháng giữa của thai kỳ, mức độ tác động khi bé bị nấc và khi thai máy lên bụng mẹ thường khá nhẹ nhàng. Còn ở 3 tháng cuối, hai hiện tượng này sẽ khác biệt lớn về mức độ, cụ thể là:

  • Khi thai nhi bị nấc, mẹ cảm thấy các chuyển động nhẹ nhàng.
  • Khi thai máy, mẹ sẽ cảm thấy các chuyển động rất mạnh, có những lúc mẹ sẽ thấy rõ cả bàn chân hoặc bàn tay của bé nổi rõ trên bụng.

Trên đây là cách phân biệt thai nhi bị nấc và hiện tượng thai máy trong bụng mẹ. Các mẹ bầu chỉ cần chú ý là có thể nhận biết được hai hiện tượng thú vị này của em bé khi còn nằm trong bụng mẹ.

Xem thêm