Kinh nguyệt không đều là hiện tượng phổ biến, phản ánh chính xác và đầy đủ tình trạng sức khỏe sinh sản và cảnh báo một số bệnh phụ khoa điển hình cho chị em phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này – dưới đây là 9 nguyên nhân chủ yếu và cách xử lý hiệu quả.
Thế nào là kinh nguyệt không đều?
Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu sau khi trứng chín và rụng nhưng không được thụ tinh. Trứng cùng lớp niêm mạc tử cung sẽ bong và thoát ra ngoài gây hiện tượng chảy máu kinh nguyệt.
Chu kì kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên có hiện tượng chảy máu tới ngày đầu tiên của kì kinh tiếp theo. Chu kì kinh nguyệt thường kéo dài phổ biến từ 26-30 hoặc 34 ngày. Nếu chu kì kinh kéo dài trên 38 ngày hoặc có những biểu hiện rối loạn (xuất hiện không theo chu kỳ ổn định, lượng máu thay đổi thất thường, màu máu biến đổi, vv …) thì lúc đó hiện tượng kinh nguyệt không đều xuất hiện.
Hiện tượng kinh nguyệt không đều xảy ra rất phổ biến ở nữ giới ở tất cả các độ tuổi (từ tuổi dậy thì cho tới tuổi tiền mãn kinh). Nó có thể là biểu hiện sinh lý bình thường (ở tuổi dậy thì, khi cơ thể đang phát triển, chu kỳ kinh chưa ổn định) hoặc có thể là biểu hiện cảnh báo một số bệnh phụ khoa ở chị em phụ nữ (phổ biến ở tuổi trên 30).
Nếu kéo dài không được điều trị kịp thời, kinh nguyệt không đều có thể cản trở quá trình thụ thai, thậm chí cảnh báo vô sinh.
Nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng kinh nguyệt không đều. Dưới đây là những nguyên nhân điển hình thường gặp nhất:
Xáo trộn/rối loạn nội tiết tố nữ
Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất gây nên hiện tượng kinh nguyệt không đều. Nội tiết tố nữ (gồm estrogen và progesterone) có chức năng điều tiết hoạt động sinh lý nữ, bao gồm buồng trứng, chu kì kinh nguyệt,…
Khi nội tiết của chị em phụ nữ xáo trộn vì bất kì lý do nào đó (mang thai, sinh con, cho con bú, tiền mãn kinh, căng thẳng lo âu nhiều…) sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng và các hormone nữ, gây hiện tượng kinh nguyệt không đều.
Rối loạn hoạt động tuyến giáp
Hormone tuyến giáp là loại hormone được tiết ra từ tuyến giáp, có chức năng điều chỉnh sự trao đổi chất trong toàn bộ cơ thể.
Khi tuyến giáp hoạt động bất ổn sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có buồng trứng, gián tiếp gây nên hiện tượng kinh nguyệt không đều (mất kinh, rối loạn chu kì kinh, vv …)
Hội chứng buồng trứng đa nang
Trong độ tuổi sinh sản, hoạt động của buồng trứng có thể sản sinh ra nhiều nang giúp duy trì và tăng lượng hormone nữ (estrogen) – gây hiện tượng buồng trứng đa nang (POS). Các nang này theo thời gian sẽ làm lớp niêm mạc tử cung dày lên và sẽ bong ra – gây hiện tượng chảy máu nhưng không phải kinh nguyệt.
Các nang này cũng cản trở/gây khó khăn cho quá trình rụng trứng, làm chu kì kinh nguyệt không đều/rối loạn. Mức độ rối loạn phụ thuộc vào số lượng và tình trạng hoạt động của các nang trong buồng trứng.
Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và các loại thuốc khác
Bên cạnh tác dụng tránh thai, thuốc tránh thai khẩn cấp gây những xáo trộn nội tiết cho người sử dụng. Dưới tác dụng của thuốc, chu trình rụng trứng sẽ thay đổi gây hiện tượng chậm kinh, mất kinh, rối loạn kinh nguyệt tức thời, ra máu giữa chu kỳ kinh,… Sau khi thuốc tránh thai khẩn cấp hết tác dụng, nội tiết trong cơ thể sẽ tự điều hòa để trở về chu kỳ hoạt động bình thường.
Ngoài thuốc tránh thai khẩn cấp, các loại thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp/ thần kinh/ thuốc ngủ/ điều trị trầm cảm/ hóa trị/ thuốc chống đông máu đều có thể tác động trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt. Các loại thuốc này cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ trong quá trình sử dụng để đảm bảo an toàn.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh
Đây là giai đoạn chuyển tiếp trước khi bước vào thời kỳ mãn kinh ở nữ giới, thường kéo dài trung bình từ 4-8 năm. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, hiện tượng kinh nguyệt không đều rất phổ biến do hormone nội tiết nữ estrogen biến động thất thường, gây xáo trộn chu kỳ kinh (có thể ngắn hơn hoặc dài hơn).
Các dấu hiệu nhận biết tiền mãn kinh bao gồm: Khô âm đạo, bốc hỏa, tâm trạng dễ thay đổi, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm,…
Người bị u xơ tử cung
Đây là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ ngoài 30 tuổi. Lúc này, các khối u trong tử cung (có kích thước nhỏ như hạt đỗ tới quả cam) có thể hình thành, phát triển, chèn ép vào buồng trứng và tử cung gây hiện tượng rối loạn kinh nguyệt (tắc kinh, đau bụng kinh) kèm các triệu chứng đau tức xương chậu, khó chịu khi quan hệ tình dục, vv…).
Để phát hiện chính xác nguyên nhân, chị em cần đi khám ở các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Căng thẳng, lo âu
Khi gặp trạng thái căng thẳng, lo âu, tuyến thượng thận sẽ tiết ra hormone cortisol – loại hormone ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản sinh nội tiết tố nữ estrogen và progesterone. Vì thế, nếu thường xuyên stress – chị em rất dễ bị rối loạn kinh nguyệt. Chị em cần tìm cách thư giãn, cân bằng cuộc sống bằng các hoạt động đa dạng để đảm bảo sức khỏe.
Rối loạn ăn uống/ thừa cân hoặc thiếu cân
Giảm cân hoặc tăng cân đột ngột đều tác động tới chu kỳ kinh nguyệt. Cơ thể thay đổi trọng lượng khiến hàm lượng hormone nội tiết tố nữ (estrogen) biến đổi theo. Ngoài ra, nếu gặp chứng rối loạn ăn uống (ăn quá nhiều/quá ít) sẽ khiến cơ thể thừa/thiếu năng lượng để sản xuất estrogen gây hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
Mắc các bệnh lý nguy hiểm (ung thư buồng trứng, cổ tử cung, nội mạc tử cung)
Các bệnh lý này đều có biểu hiện đặc trưng là gây kinh nguyệt không đều với các triệu chứng như rong kinh, ra máu giữa kỳ kinh hoặc máu ra quá nhiều/quá ít, có màu đen/sậm, ra máu trong lúc giao hợp,…
Làm gì khi gặp hiện tượng kinh nguyệt không đều
Theo dõi biểu đồ chu kỳ kinh nguyệt
Khi thấy những triệu chứng đầu tiên của hiện tượng kinh nguyệt không đều, hãy chú ý ghi chép biểu đồ chu kỳ kinh nguyệt tối thiểu 1-3 tháng. Cần quan sát và ghi lại các biểu hiện cụ thể (màu máu, lượng máu, số ngày của chu kì kinh,…) để cung cấp thông tin đầy đủ cho bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể để đánh giá nồng độ hormone trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.
Không tự điều trị bằng các loại thuốc nội tiết tố
Mua thuốc có chứa các thành phần như estrogen về tự điều trị là cách mà không ít chị em lựa chọn khi gặp hiện tượng kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, các thuốc này nếu không có chỉ định của bác sĩ sẽ có thể khiến tình trạng nặng thêm do tác động tiêu cực tới quá trình sản sinh hormone nội tiết.
Nếu cơ thể không tự điều tiết để trở về chu kỳ thông thường, hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Thay đổi chế độ sinh hoạt, khám sức khỏe thường xuyên
Cơ thể khỏe mạnh bắt nguồn từ sức khỏe bên trong. Mỗi chị em phụ nữ cần cố gắng duy trì chế độ ăn khoa học (nhiều rau, ít thịt, bổ sung nước và hoa quả); kết hợp chế độ tập luyện phù hợp để cân bằng tinh thần, tránh được stress.
Ngoài ra, để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm (ung thư cổ tử cung/nội mạc tử cung/buồng trứng), cần thực hiện thăm khám định kì, sử dụng các biện pháp chẩn đoán phù hợp nhằm ngăn chặn sớm các nguy cơ gây bệnh.
Be the first to write a comment.