Rate this post

Là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa – ung thư trực tràng (hay còn gọi tên gọi khác là ung thư ruột kết/ung thư đại trực tràng – những bộ phận của ruột già) mỗi năm ghi nhận hàng chục ngàn lượt bệnh nhân mắc mới hoặc tử vong.

Căn bệnh này nguy hiểm thế nào và nếu mắc bệnh, khả năng sống ra sao? Cùng ICondom tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Vị trí và chức năng của trực tràng trong cơ thể người

Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già, ngay phía trước cửa hậu môn, có độ dài trung bình từ 10-15cm (và thường ở dạng hình như quả bóng do trực tràng giãn ra trong quá trình hoạt động).

Trực tràng có nhiệm vụ chứa đựng và đào thải phân/các chất thải của cơ thể trước khi ra ngoài theo đường hậu môn. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, trực tràng tiết dịch nhầy để hấp thu nước và bôi trơn phân/chất thải, hỗ trợ quá trình đào thải diễn ra trơn tru, nhẹ nhàng.

Khi trực tràng bị ung thư, các tế bào ác tính xuất hiện và xâm lấn dần sang các bộ phận khác của ruột, gây xáo trộn khả năng tiêu hóa và làm suy kiệt cơ thể.

Đáng chú ý, ung thư trực tràng (ung thư đại trực tràng) là một trong những bệnh lý phổ biến và nguy hiểm hàng đầu về tiêu hóa, đặc biệt hay xảy ra với nam giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trung bình thế giới có khoảng 11 triệu ca mắc mới và tử vong do căn bệnh này.

Xu hướng của bệnh đang trẻ hóa và số mắc/tử vong đang gia tăng nhanh. Trong khi đó tại Việt Nam, căn bệnh này đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới (sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan).

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng gần 10.000 ca mắc mới là nam giới và khoảng 6.000 ca mắc mới là nữ giới.

Nguồn gốc và sự nguy hiểm của ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng thường bắt đầu bằng một hoặc một vài polyp (khối u lành tính hay còn gọi là chồi thịt có cuống) ở trong lòng ruột. Nếu không được phát hiện/can thiệp kịp thời, khối u/polyp lành tính này sẽ ngày càng phát triển theo thời gian, nhô ra trong lòng ruột khiến phân đi qua bị cọ xát, gây đau cho người bệnh, thậm chí để lâu có thể gây tắc ruột. Trong quá trình đó, tế bào lành tính có thể phát triển và biến tính trở thành ác tính, gây bệnh ung thư.

Việc hình thành các polyp là quá trình lâu dài và chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra cơ chế biến đổi từ các polyp lành tính thành ác tính. Cho đến nay, các thống kê/đánh giá lâm sàng cho thấy ung thư trực tràng có mối liên hệ mật thiết tới các yếu tố: Lối sống; chế độ dinh dưỡng và khả năng di truyền (gen).

Ung thư trực tràng được xếp vào nhóm ung thư nguy hiểm. Bệnh có thời gian hình thành, phát triển dài và diễn ra “lặng lẽ”. Tuy nhiên đến khi đã biểu hiện thành các triệu chứng, bệnh có khả năng tàn phá lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân do ngăn chặn đường đào thải phân ra ngoài, cản trở quá trình tiêu hóa và sinh hoạt bình thường. Nhiều người bệnh mắc ung thư trực tràng thường tử vong do suy kiệt khi cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng.

Ung thư trực tràng có biểu hiện đặc trưng như thế nào?

Rối loạn tiêu hóa kéo dài

Khi mắc bệnh, hệ tiêu hóa “phản ứng” đầu tiên bằng các biểu hiện rối loạn như bụng đau quặn, đau râm ran; chán ăn/ khó tiêu/ đầy bụng/ ợ hơi chua/ hơi thở có mùi hoặc đau tức vùng bụng trước/sau khi ăn.

Đặc biệt – người bệnh sẽ có triệu chứng đi ngoài nhiều lần trong ngày hoặc đi ngoài ra phân màu đen/thậm chí đi ngoài ra máu kèm dịch nhầy màu tối (rất dễ nhầm với bệnh lị). Không ít người bệnh nhầm với bệnh lị nên đã mua thuốc uống song không đỡ. Tình trạng này kéo dài không rõ nguyên nhân là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh.

Rối loạn bài tiết phân/phân thay đổi hình dáng

Trực tràng có chức năng bài tiết phân ra ngoài cơ thể. Vì thế người bệnh ung thư trực tràng sẽ gặp hiện tượng khó chịu khi đi ngoài: Đi táo/ lỏng thất thường, phân nhày do bị dịch đại tràng tiết vào, phân hình lá lúa hoặc bị mỏng/ dẹt (do phân đi qua khối u bị biến dạng), đi đại tiện xong vẫn tiếp tục muốn đi (do phân bị kẹt vào khối u, chưa bài tiết hết).

Sụt cân nhanh, cơ thể mệt mỏi

Đây là dấu hiệu thường gặp với tất cả các bệnh ung thư. Tuy nhiên với các bệnh ung thư đường tiêu hóa thì tình trạng sụt cân diễn ra nhanh hơn do bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng ăn uống/ bài tiết của người bệnh.

Bên cạnh đó, khi đại tiện bị mất máu do khối u va quệt, cơ thể sẽ thiếu máu gây mệt mỏi triền miên. Khi thấy các triệu chứng bất thường của việc đại tiện kết hợp việc giảm cân đột ngột, bạn chớ nên coi thường.

Các giai đoạn của bệnh ung thư trực tràng & khả năng sinh tồn

Ung thư trực tràng trải qua các giai đoạn cụ thể như sau

  • Giai đoạn 0 (giai đoạn tiền ung thư): Lúc này các tế bào ung thư mới chỉ hình thành với lớp rất mỏng trên niêm mạch trong đại tràng/trực tràng. Giai đoạn này bệnh chưa có biểu hiện cụ thể.
  • Giai đoạn 1: Tế bào ung thư lan ra bên trong thành trực tràng/đại tràng. Bệnh chưa có biểu hiện ở giai đoạn này nhưng có thể phát hiện bằng các phương pháp nội soi/sinh thiết. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, phương pháp tối ưu là phẫu thuật để loại bỏ triệt để các khu vực có tế bào ung thư, khả năng sống sót sẽ trên 5 năm (kết hợp với các biện pháp chăm sóc hậu phẫu, duy trì sức khỏe).
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư lan rộng, xâm lấn ra bên ngoài trực tràng để tới các mô lân cận. Lúc này tế bào ung thư chưa xâm lấn đến các hạch. Phẫu trị là phương pháp tối ưu.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư lan rộng và xâm lấn tới các hạch lân cận trực tràng, chưa xâm lấn tới các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ung thư lan sang các bộ phận khác – dễ di ăn tới gan/phổi

Thời gian sống của bệnh nhân ung thư trực tràng phụ thuộc rất lớn vào việc bệnh được phát hiện ở giai đoạn nào. Với các bệnh ung thư nói chung – sàng lọc và phát hiện sớm là yếu tố sống còn quyết định hiệu qủa điều trị. Trong giai đoạn sớm (giai đoạn 0-2), bệnh có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật. Không ít bệnh nhân may mắn phát hiện bệnh trong giai đoạn này đã chữa khỏi bệnh (trên 5 năm không tái phát, sức khỏe bình thường).

Trong các giai đoạn muộn hơn (giai đoạn 3-4), phẫu thuật không còn nhiều tác dụng. Các biện pháp khác như hóa trị – xạ trị hoặc phương pháp hóa trị – xạ trị – phẫu trị tổng hợp thường được ưu tiên trong giai đoạn này song không mang lại kết quả tích cực.

Lúc này khối u đã lớn, xâm lấn sang các bộ phận khác, di căn vào hạch, gan, phổi … làm sức khỏe người bệnh suy giảm nhanh chóng, không còn khả năng chống đỡ. Phát hiện bệnh ở giai đoạn này, thời gian sống trung bình từ 3-6 tháng, trường hợp cá biệt có thể kéo dài 12 tháng.

Biện pháp điều trị hiệu quả ung thư trực tràng

Phẫu thuật

Đây là phương pháp được sử dụng trong nhiều giai đoạn bệnh nhưng đặc biệt hữu ích ở giai đoạn sớm. Trong giai đoạn muộn hơn, phẫu thuật có thể được kết hợp với các biện pháp còn lại (hóa trị, xạ trị,…) để thu nhỏ kích thước khối u, loại bỏ triệt để tế bào ung thư còn sót lại. Phẫu thuật – vì thế – là phương pháp linh hoạt được sử dụng trong điều trị ung thư tiêu hóa (có thể thực hiện trước hoặc sau hóa trị, xạ trị tùy vào mục đích/phác đồ điều trị).

Xạ trị

Xạ trị là việc sử dụng tia có năng lượng cao (tia X) hoặc chất phóng xạ vào khu vực bị ung thư để tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Phương pháp này được sử dụng với bệnh ung thư thư trực tràng có di căn (từ giai đoạn 3 trở đi), đặc biệt là với những người được xác định là di căn sang xương/ não.

Hiện nay, xạ trị đã được cải tiến với các phương pháp hiện đại để nhắm trúng khối u, tăng hiệu quả điều trị: Xạ trị qua hậu môn, xạ trị bằng chùm tia bên ngoài, …. Tại Việt Nam đã có nhiều bệnh viện lớn đầu tư hệ thống xạ trị tiên tiến nhất cho phép xạ từ nhiều vị trí, góc độ với liều lượng khác nhau.

Điển hình là hệ thống máy xạ tại bệnh viện K, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Vinmec Times City (Hà Nội), …

Hóa trị

Là biện pháp áp dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Lúc này tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể, xâm lấn các hạch hoặc các bộ phận khác. Các thuốc/hóa chất được đưa vào cơ thể dưới dạng uống hoặc tiêm truyền sẽ có tác dụng toàn thân, tiêu diệt tế bào ung thư ở nhiều vị trì khác nhau.

Hóa trị còn có thể được sử dụng ở ngay giai đoạn đầu – khi bệnh nhân có thể phẫu thuật nhưng cần thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật, hóa trị có thể tiếp tục được dùng để ngăn chặn khối u phát triển/ lây lan.

Hóa trị là một trong những biện pháp điều trị ung thư có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Với nhiều người bệnh, hóa trị có thể làm tê liệt các chức năng của cơ thể, phá hủy tế bào lành, gây rụng tóc, giảm cân, suy yếu sức khỏe nhanh chóng.

Ai thường mắc và hướng dẫn cách phòng tránh/phát hiện bệnh sớm

Những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư trực tràng

  • Người có tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh: Ung thư trực tràng có khả năng di truyền. Nếu một người có bố/mẹ/anh chị em ruột mắc ung thư trực tràng thì khả năng người đó mắc bệnh cao hơn từ 2 đến 3 lần so với những người khác. Vì thế, nếu trong gia đình có bố/mẹ/anh chị em ruột từng mắc bệnh này, hãy chú ý tầm soát sớm và duy trì chế độ sinh hoạt/dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh hiệu quả.
  • Người uống nhiều rượu bia & hút nhiều thuốc lá: Đây là thủ phạm gây các bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư trực tràng. Chất độc có trong thuốc lá và rượu bia là tác nhân làm suy giảm sức khỏe các tế bào, kích thích các các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh.
  • Người mắc bệnh viêm đại/trực tràng mãn tính: Khi bị viêm đại tràng, trực tràng/viêm ruột mãn tính sẽ gây tình trạng viêm kéo dài và niêm mạc bị loét.
  • Người có tiền sử mắc các loại polyp trong thành ruột: Đa phần các polyp là lành tính, tuy nhiên có các polyp chuyển thành ung thư – đặc biệt là các polyp có kích thước lớn. Nếu không được cắt/sinh thiết kịp thời sẽ khó phát hiện sớm nguy cơ ung thư. Nếu có tiền sử đã mắc các loại polyp đường ruột, người bệnh cần thăm khám định kì.
  • Ăn nhiều thịt đỏ/ chất béo: Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt cừu, thịt bò, ..) thường có 2 admin dị vòng HCAs và PAHs (polycyclic aromatic hydrocarbons).
  • Khi thịt đỏ được nấu chín dưới nhiệt độ cao (dưới hình thức nướng, rán,…), 2 amin dị vòng này hình thành và phản ứng với các axit amin, creatine, protein, đường có trong thịt ở nhiệt độ cao làm kích hoạt tế bào gây ung thư. Nếu ăn thịt đỏ khoảng 160g/ngày và mỗi tuần ăn quá 5 lần được coi là ăn nhiều thịt đỏ. Hơn nữa, ăn nhiều thịt đỏ làm tăng lượng chất béo, gây nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Nên làm gì để phòng tránh bệnh ung thư trực tràng?

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên ăn các loại thịt trắng (thịt gà, thịt vịt/ thịt ngan, các loại cá,…) và bỏ hút thuốc/ uống rượu. Nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ quả có nhiều chất xơ, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, loại bỏ các chất độc ứ đọng trong thành ruột, giảm thời gian ứ đọng phân, tăng khả năng trao đổi chất trong ruột/trực tràng.
  • Tập thể dục đều đặn, vừa sức để tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, hạn chế việc tích tụ mỡ thừa trong thành ruột gây các polyp lành tính/ác tính.
  • Tầm soát định kì: Nên thực hiện khám định kì từ 35 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao (tiền sử gia đình, tiền sử polyp,…) nên đặc biệt chú ý. Trong tầm soát cần ưu tiên các biện pháp nội soi đại trực tràng để phát hiện sớm các tổn thương/polyp bất thường.
  • Ngày nay, nội soi đại trực tràng đã được cải tiến với các phương pháp hiện đại (sử dụng ống nội soi mềm, có gây tê gây mê trong quá trình thực hiện thủ thuật,…) giúp giảm thiểu tối đa các vấn đề đau đớn, khó chịu cho người bệnh.