5/5 - (1 bình chọn)

Đối với người cao tuổi, xương khớp luôn là vấn đáng lo ngại, điển hình là bệnh “thoái hóa khớp gối ở người già”. Bên cạnh việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh phải được chăm sóc đặc biệt. Là con cái, bạn phải biết cách chăm sóc ông bà hoặc cha mẹ khi họ bị thoái hóa khớp gối, nhằm góp phần hỗ trợ hồi phục và tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Định nghĩa về thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là tình trạng xuất hiện những cơn đau nhức, do sự biến dạng của lớp sụn khi bị bào mòn, dẫn đến hiện tượng va chạm cọ xát của 2 đầu xương. Tình trạng đau nhức từ thoái hóa khớp gối có thể ngày càng tồi tệ hơn nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách.

Bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thoái hóa khớp gối gây ra nhiều khó khăn, làm hạn chế hoạt động của người bệnh trong cuộc sống sinh hoạt như đi lại, vận động, đứng lên hay ngồi xuống.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối ở người già

Khớp gối được cấu tạo từ một hệ thống bao gồm gân cơ, dây chằng và các túi hoạt dịch. Nơi tiếp giáp giữa ba bộ phận xương bánh chè, đầu trên xương chày và đầu dưới xương đùi. Khi bị tác động bởi các tác nhân, hệ thống cấu tạo của khớp gối bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng thoái hóa, một số nguyên nhân gây bệnh như:

  • Lão hóa: khi bước vào giai đoạn lão hóa tự nhiên, các tế bào sụn dần bị suy giảm chức năng, khiến chất lượng sụn khớp suy giảm theo và dần mất đi tính đàn hồi vốn có. Độ tuổi càng cao thì càng có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
  • Thừa cân, béo phì: tỷ trọng cơ thể có thể gây áp lực lên khớp gối, khiến cho khớp gối phải hoạt động nhiều hơn so với người bình thường.
  • Bẩm sinh: người thân trong gia đình có tiền sử mắc thoái hóa khớp gối hoặc có cơ địa lão hóa sớm, thì con cháu thế hệ sau cũng có nguy cơ mắc phải thoái hóa khớp gối khi về già.
  • Chấn thương: khi gặp các tổn thương từ sinh hoạt, vận động thể thao hay tai nạn giao thông làm gãy xương hoặc lệch xương, khớp gối bị tổn thương và yếu đi, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp gối theo thời gian.
  • Chế độ ăn uống: việc ăn uống thiếu chất, nhất là canxi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối ở người già. Thiếu canxi, làm xương khớp giòn yếu và hạn chế sự linh hoạt của khớp gối. Ngoài ra, rượu bia cũng là tác nhân ảnh hưởng đến khớp gối.
  • Lạm dụng thuốc: khi lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa corticoid, dần dần sẽ làm giòn xương và ảnh hưởng đến xương khớp.
  • Các bệnh lý: thoái hóa khớp gối có thể là hậu quả của các bệnh lý để lại, như viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp. Người bị loãng xương, đái tháo đường cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp 2 lần so với người bình thường.

Để có thể điều trị và chăm sóc hợp lý, trước hết người bệnh nên xác định nguyên nhân gây ra bệnh.

Chăm sóc người già khi bị thoái hóa khớp gối 

Ngoài việc điều trị từ phác đồ của bác sĩ, bệnh nhân thoái hóa khớp gối cần được chăm sóc đặc biệt nhằm hỗ trợ quá trình điều trị. Dưới đây là những cách để chăm sóc người già bị thoái hóa khớp gối mà bạn có thể tham khảo:

Tâm sự với người bệnh

Trước hết phải quan tâm và chia sẻ với người bệnh về tình trạng của họ. Khuyên nhủ và nhắc nhở những điều nên làm và không nên làm, từ đó xây dựng lại thói quen sinh hoạt hàng ngày. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị bệnh. 

Mặc khác, không để cho họ cảm thấy là gánh nặng và luôn động viên tinh thần để họ cảm thấy an tâm và quyết tâm chống lại bệnh tật.

Xây dựng lại thực đơn

Dinh dưỡng có vai trò rất lớn đến quá trình điều trị và hồi phục xương khớp. Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tăng cường hệ thống miễn dịch và kiểm soát được cân nặng.

Người bệnh nên bổ sung các chất sau:

  • Các thực phẩm có bổ sung nhiều canxi, omega – 3 và vitamin D như cá, trứng, sữa,…
  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin C như bưởi, chanh, cam, quýt,… rất tốt cho hệ miễn dịch.
  • Các loại rau xanh, củ quả.
  • Các loại hạt, ngũ cốc.

Ngoài ra, không cho người bệnh sử dụng những thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc làm làm tình trạng thoái hóa khớp gối trầm trọng hơn như cà phê, rượu bia, thuốc lá, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, bánh kẹo nhiều đường hóa chất,… có thể kích thích phá hủy sụn khớp, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Khuyến khích người bệnh vận động

Để tránh tình trạng teo cơ, biến dạng, cứng khớp. Bạn có thể khuyến khích người bệnh vận động những bài tập đơn giản như yoga hay dưỡng sinh, giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, cơ bắp, giảm các tình trạng đau nhức và nâng cao tinh thần của người bệnh.

Đối với những trường hợp nặng không thể di chuyển bình thường, bạn có thể giúp họ di chuyển bằng cách sử dụng các dụng cụ như nạng, gậy hay bố trí các tay vịn để thuận tiện cho quá trình vận động, di chuyển.

Kiểm soát các cơn đau nhức 

Thoái hóa khớp gối sẽ gây ra tình trạng xuất hiện những cơn đau nhức, tê bì, cứng khớp,… Để giúp người bệnh kiểm soát và hạn chế những triệu chứng này, bạn có thể dùng một số cách sau:

  • Massage: giúp đả thông kinh mạch, thúc đẩy quá trình lưu thông tuần hoàn máu. Từ đó, sẽ giúp người bệnh cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn khi gặp phải các cơn đau nhức.
  • Chườm nhiệt: tùy tình trạng của người bệnh mà có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh hoặc chườm nóng để kiểm soát tình trạng. Bạn có thể chườm nóng với những trường hợp đau cứng khớp và chườm lạnh khi có biểu hiện sưng viêm.

Để quá trình điều trị thoái hóa khớp gối diễn ra thuận lợi, người bệnh cần được chăm sóc. Đặc biệt, là những người thân trong gia đình, bạn phải biết cách quan tâm và chăm sóc người thoái hóa khớp gối đúng cách và hợp lý để tránh tình trạng trở nặng. Trên đây là bài viết “thoái hóa khớp gối ở người già, con cái nên chăm sóc như thế nào”? Hy vọng có thể giúp bạn tìm ra cách chăm sóc người bệnh hợp lý và hiệu quả.

Xem thêm