Với những cặp vợ chồng không may bị hiếm muộn, vô sinh, thụ tinh trong ống nghiệm được xem là “cứu cánh” để thỏa mãn mong ước có con. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người lo lắng về phương pháp này là thụ tinh trong ống nghiệm có phải con mình không? Thông qua việc chia sẻ sự hiểu biết khái niệm và quy trình thực hiện dưới đây, bạn sẽ có thêm thông tin về thắc mắc này.
Như thế nào gọi là thụ tinh trong ống nghiệm?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF – In Vitro Fertilization) là một kỹ thuật điều trị hiếm muộn – vô sinh hoặc các vấn đề về di truyền có liên quan đến giới tính.
Với phương pháp này, tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Sau khi tạo thành phôi sẽ chuyển lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ, bắt đầu quá trình mang thai.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thành công khi làm IVF đạt 35 – 40% và sẽ giảm khoảng 2 – 10% ở phụ nữ sau độ tuổi 40.
Cho đến thời điểm hiện tại, thụ tinh trong ống nghiệm là công nghệ hỗ trợ sinh sản mang lại nhiều hy vọng và đạt hiệu quả cao nhất đối với cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh đã thất bại ở phương pháp khác như dùng thuốc kích trứng, thụ tinh nhân tạo, …
Những trường hợp nào cần làm thụ tinh trong ống nghiệm?
Dưới đây là một số trường hợp được chỉ định thực hiện phương pháp IVF:
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ: tổn thương viêm tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng, rối loạn rụng trứng, diễn ra tình trạng suy chức năng buồng trứng sớm, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, phụ nữ đã thắt ống dẫn trứng, …
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng: qua thăm khám, chẩn đoán xác định người chồng có bất thường về tinh trùng như tinh trùng yếu, ít, dị dạng hoặc không có tinh trùng.
- Nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn chưa rõ ở cả vợ và chồng hoặc đã bơm tinh trùng nhiều lần nhưng vẫn thất bại. Thời gian vô sinh càng để lâu thì tỷ lệ thành công khi làm IVF càng thấp. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng nếu sau 1 năm chưa có con cần đi khám và sau 5 năm chạy chữa không hiệu quả thì nên làm thụ tinh trong ống nghiệm sớm.
- Ngoài ra, khi người phụ nữ do mắc bệnh nghiêm trọng về sức khỏe hoặc bất thường ở tử cung nên không thể mang thai có thể lựa chọn hình thức làm IVF và nhờ người mang thai hộ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Thụ tinh trong ống nghiệm hết bao nhiêu tiền?
Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm được xác định dựa trên nhiều yếu tố như: tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng, cơ địa của mỗi người, các bệnh lý kèm theo, khả năng đáp ứng thuốc, phác đồ điều trị, mức độ thành công khi chuyển phôi lần đầu, bệnh viện thực hiện, … Do đó, số tiền mà mỗi cặp vợ chồng cần chuẩn bị không giống nhau.
Để làm thụ tinh trong ống nghiệm, bạn nên có sự chuẩn bị trước về mặt tài chính để không phải lo lắng trong quá trình điều trị. Thông thường, bạn phải chi trả những khoản phí như làm hồ sơ, xét nghiệm, thuốc kích trứng, chọc hút noãn, tạo phôi, trữ lạnh phôi, thuốc hỗ trợ trong quá trình mang thai, biến chứng phát sinh (đa thai, quá kích buồng trứng, sẩy thai, thai ngoài tử cung, …), chi phí ăn ở sinh hoạt trong thời gian điều trị, …
Tùy trung tâm có quy định khác nhau về chi phí, trung bình khoảng 50 – 100 triệu cho mỗi lần thực hiện. Để biết mức chi phí cụ thể, bạn nên có sự tham khảo trước với bệnh viện, cơ sở y tế dự định sẽ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm như thế nào?
Sau khi đã thực hiện xong bước khám và tư vấn ban đầu, nếu bệnh nhân chẩn đoán hiếm muộn hoặc vô sinh và đủ điều kiện điều trị thì khi này sẽ bước vào quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm như sau:
Xét nghiệm và làm các chẩn đoán nhằm đánh giá khả năng sinh sản, đồng thời khám tổng quát sức khỏe của vợ và chồng
Đối với người vợ: xét nghiệm nội tiết, siêu âm và khám phụ khoa, …
- Xét nghiệm nội tiết: như AMH, FSH, LH, …giúp bác sĩ xác định số lượng noãn còn lại trong buồng trứng, khả năng đáp ứng của buồng trứng với thuốc kích trứng trong trường hợp sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm.
- Xét nghiệm phụ khoa: để tăng tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm cần điều trị dứt điểm các bệnh lý phụ khoa (u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, u nang buồng trứng), các bất thường bẩm sinh của đường sinh dục (tử cung có vách ngăn, tử cung đôi, tử cung 2 sừng, không có tử cung, …), các bệnh viêm nhiễm, lây truyền qua đường tình dục (HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai và chlamydia trachomatis).
Đối với người chồng: xét nghiệm tinh dịch đồ (trường hợp không có tinh trùng sẽ xét nghiệm theo chỉ định như nội tiết sinh dục trong máu, siêu âm bìu, …), các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục (viêm gan, HIV, giang mai, …).
Ngoài ra, cặp vợ chồng sẽ kiểm tra tổng quát về sức khỏe: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, đo điện tim, chụp X-quang phổi, … để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
Kích thích buồng trứng
Thời gian thực hiện có thể thay đổi tùy từng phác đồ, dao động từ 3 – 7 tuần. Trong đó, bác sĩ sẽ siêu âm nang noãn, xét nghiệm máu khoảng 3 – 6 lần để theo dõi nhằm tối ưu chất lượng của trứng.
Chọc hút noãn
Người vợ được tiêm hCG trong khoảng thời gian 36 – 40 tiếng để chuẩn bị cho bước tiếp theo là chọc hút trứng. Trước 4 giờ chọc hút noãn cần nhịn ăn. Quá trình này sẽ gây mê toàn thân và gây tê tại khu vực can thiệp.
Chuẩn bị tinh trùng
Cùng với thời điểm người vợ được chọc hút noãn, người chồng sẽ tiến hành lấy tinh trùng để chuẩn bị cấy phôi.
Hiện nay, phương pháp cấy phôi được áp dụng là kỹ thuật ICSI (nghĩa là tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) mang lại hiệu quả cao, khắc phục những nhược điểm do tinh trùng dị dạng, tinh trùng quá ít, …
Chuyển phôi
Sau khi phôi được nuôi trong ống nghiệm khoảng 2 – 3 ngày (một số trường hợp có thể là 5 ngày) sẽ chuyển phôi vào buồng tử cung của người vợ. Cần nằm nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường 2 – 4 tiếng, tránh vận động mạnh để phôi nằm đúng vị trí.
Bên cạnh đó, bệnh nhân được bác sĩ kê thuốc uống, thuốc đặt để hỗ trợ việc làm tổ, phát triển của phôi thai.
Thử thai
Sau khoảng 2 tuần chuyển phôi sẽ xét nghiệm nồng độ beta-hCG trong máu để thử thai
Siêu âm thai để có kết quả chính xác
Chỉ định siêu âm khi kết quả beta-hCG dương tính, nên thực hiện sau 3 tuần từ khi làm xét nghiệm beta-hCG. Điều này giúp xác định kết quả thụ tinh có đạt hay không, số lượng thai…
Nếu việc thụ tinh trong ống nghiệm không thành công, bác sĩ có thể sẽ dùng phôi lạnh trữ từ trước để tiếp tục thực hiện.
Qua những bước quy trình làm IVF ở trên, muốn thụ thai thành công cần có sự kết hợp giữa trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng. Trong trường hợp này, băn khoăn của nhiều người là thụ tinh trong ống nghiệm có phải con mình không đã có câu trả lời. Mặc dù đứa trẻ sinh ra không thông qua sự giao hợp tự nhiên mà cần có sự hỗ trợ của y học nhưng đây chính là “mầm sống” được kết tinh trực tiếp từ trứng và tinh trùng của bố mẹ.
Các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đều thực hiện thành công?
Hiện nay, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được xem là một trong những cách điều trị và hỗ trợ sinh sản hiện đại và có tỷ lệ thành công cao nhất. Trên thế giới, có khoảng 40 – 45% các ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Đã có hơn 8 triệu em bé được sinh ra từ phương pháp này.
Mức độ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm là tập hợp của nhiều yếu tố hợp thành, bao gồm: thể trạng sức khỏe, độ tuổi thực hiện, khả năng phù hợp của cơ thể với phôi thai được cấy vào, trình độ chuyên môn, …
Do vậy, đối với các cặp vợ chồng bị hiếm muộn hoặc khó thụ thai cần phải đi điều trị và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm càng sớm càng tốt (nếu muốn sớm có con) để gia tăng tỷ lệ thành công, tránh tốn kém tiền bạc, thời gian và ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Kinh nghiệm để thụ tinh ống nghiệm thành công là gì?
- Trước khi thực hiện, hai vợ chồng cần chuẩn bị tốt về mặt tài chính và sức khỏe. Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm bổ dưỡng, nhiều chất đạm, uống nhiều nước, … Người chồng nên ăn nhiều thức ăn giàu sắt kẽm như thịt bò, sò huyết, tuy nhiên cũng nên dùng có liều lượng, không nên lạm dụng quá mức.
- Đặc biệt, yếu tố tâm lý rất quan trọng, nếu mẹ có thái độ bi quan, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng thành công. Cả hai vợ chồng nên có tâm lý thoải mái trước khi bước vào quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Không nên quá tập trung về mặt kết quả sắp tới mà hãy làm những điều giúp bạn vui, giải trí nhẹ nhàng như nghe nhạc, đọc sách báo, …
- Thay đổi thói quen như hút thuốc lá, tránh sử dụng chất kích thích bia, rượu, … từ đó làm giảm chất lượng của trứng, tinh trùng. Người vợ không nên làm việc nặng hoặc quan hệ tình dục trong thời điểm kích thích buồng trứng, sau khi chuyển phôi bởi sẽ gây co bóp tử cung.
- Sau khi chuyển phôi, các cặp vợ chồng cần chú ý nhiều hơn nữa về dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động và các vấn đề sinh hoạt khác. Nên bổ sung nhiều thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cua, sữa. Ăn nhiều chất xơ, rau canh, uống nước hoa quả. Cần đảm bảo hợp vệ sinh để tránh bị rối loạn tiêu hóa. Tránh ăn thức ăn có nhiều gia vị chua, cay như tiêu, ớt, … Không ăn quá lạnh, quá nóng hoặc quá mặn.
- Khi phôi đã làm tổ và bám vào tử cung người mẹ, bạn nên nằm nghỉ ngơi thư giãn kết hợp cùng việc đi lại nhẹ nhàng, hạn chế bước cao hoặc đi lên cầu thang. Đừng nằm yên một chỗ bởi nó có thể gây nhiều ảnh hưởng bất lợi. Mẹ có thể tắm hàng ngày nhưng nên tắm bằng nước ấm, tắm nhẹ nhàng, thay quần lót thường xuyên.
Xem thêm
Be the first to write a comment.