Rate this post

Corticoid là một loại thuốc rất thường dùng để điều trị bệnh. Đây là một loại thuốc có rất nhiều lợi ích nhưng cũng có không ít tác hại. Do đó, để sử dụng một cách hiệu quả và an toàn cần phải tìm hiểu kỹ về loại thuốc này. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về corticoid cho bạn. 

Corticoid là thuốc gì?

Corticoid hay còn được gọi là corticosteroid, là thuốc được tổng hợp gần giống với cortisol, một nội tiết tố tự nhiên có trong cơ thể người do tuyến thượng thận sản xuất.

Một số loại corticoid thường dùng bao gồm:

  • Hydrocortisone (Cortef). 
  • Cortisone.
  • Ethamethasoneb (Celestone). 
  • Prednisone (Prednisone Intensol). 
  • Prednisolone (Orapred, Prelone). 
  • Triamcinolone (Aristospan Intra-Articular, Aristospan Intralesional, Kenalog). Methylprednisolone (Medrol, Depo-Medrol, Solu-Medrol). 
  • Dexamethasone (Dexamethasone Intensol, DexPak)…

Corticoid có các dạng chế phẩm nào?

Corticoid được sản xuất ở rất nhiều dạng chế phẩm khác nhau với mục đích cho phép thuốc dễ dàng hòa tan và thời gian tồn tại lâu trong cơ thể.

Corticoid có 2 dạng chế phẩm là dạng chế phẩm sử dụng tại chỗ và dạng chế phẩm sử dụng đường toàn thân.

  • Chế phẩm corticoid sử dụng tại chỗ bao gồm: corticoid dùng để tiêm khớp, thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ tai và kem bôi da…
  • Chế phẩm corticoid sử dụng đường toàn thân bao gồm: corticoid uống, corticoid được đưa trực tiếp vào tĩnh mạch (tiêm hoặc truyền tĩnh mạch) hoặc corticoid đưa vào cơ bắp (tiêm bắp). Chế phẩm corticoid này sẽ lưu thông trong dòng máu đến các vị trí khác nhau của cơ thể.

Phương pháp điều trị bằng corticoid tại chỗ thường được ưu tiên lựa chọn hơn corticoid đường toàn thân vì corticoid tại chỗ ít tác dụng phụ hơn nhưng lại rất hiệu quả trong một số trường hợp.

Cơ chế tác dụng của corticoid là gì?

Corticoid có tác dụng kháng viêm và ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch – hệ thống phòng thủ chính của cơ thể. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ huy động các tế bào bạch cầu và hóa chất trung gian để có thể bảo vệ cơ thể chống lại các vật lạ xâm nhập như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…

Tuy nhiên, trong một số bệnh lý, hệ thống miễn dịch của cơ thể không hoạt động đúng. Điều này có thể gây ra hiện tượng viêm, hiện tượng này sẽ làm tổn thương các mô của cơ thể. Các dấu hiệu của hiện tượng viêm bao gồm sưng, nóng, đỏ, đau tại mô bị viêm.

Corticoid có tác dụng làm giảm sản xuất các hóa chất trung gian gây viêm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu mức độ tổn thương mô. Corticoid cũng làm ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch bằng cách chi phối hoạt động của các tế bào miễn dịch – tế bào bạch cầu.

Corticoid được sử dụng trong trường hợp nào?

Corticoid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý có hệ thống miễn dịch không hoạt động đúng cách, gây viêm và tổn thương mô. Corticoid có thể là thuốc điều trị chính cho một số bệnh. Trong khi với một số bệnh khác thì corticoid có thể được sử dụng rất hạn chế hoặc chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không thành công.

Corticoid được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như sau:

  • Viêm mạch hệ thống (hiện tượng viêm ở các mạch máu)
  • Viêm cơ.
  • Viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh lý viêm khớp mạn tính khác. 
  • Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Viêm đại tràng (viêm loét đại tràng và bệnh Crohn). 
  • Hen suyễn. 
  • Viêm phế quản. 
  • Một số bệnh lý liên quan đến phát ban trên da. 
  • Tình trạng dị ứng hoặc viêm liên quan đến mũi và mắt.
  • Bệnh vẩy nến nặng. 
  • Bệnh bạch cầu (ung thư máu), u lympho, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch và thiếu máu tán huyết miễn dịch. 
  • Ức chế hệ thống miễn dịch để ngăn ngừa thải ghép ở những bệnh nhân được ghép tạng.

Sử dụng corticoid có lợi gì?

Khi hiện tượng viêm đe dọa làm tổn thương các cơ quan quan trọng trong cơ thể, corticoid có thể cứu được nội tạng đó khỏi tổn thương hoặc suy chức năng. Ví dụ, corticoid có thể ngăn ngừa hiện tượng viêm nặng ở thận dễ dẫn đến suy thận ở những người bị lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm mạch hệ thống. Đối với những bệnh nhân này, liệu pháp điều trị bằng corticoid có thể loại bỏ nhu cầu lọc thận hoặc ghép thận.

Corticoid liều thấp có thể giúp giảm đau và cứng khớp cho những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Sử dụng corticoid liều cao và ngắn ngày có thể giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau khi bị viêm khớp nặng.

Khi nào bác sĩ sẽ quyết định kê toa corticoid cho bệnh nhân?

Quyết định kê toa corticoid luôn được đưa ra tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân khác nhau. Bác sĩ sẽ xem xét tuổi, hoạt động thể chất và các loại thuốc khác mà bạn đang dùng. Bác sĩ cũng sẽ đảm bảo bạn hiểu những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của corticoid trước khi bạn bắt đầu sử dụng nó.

Những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của corticoid sẽ thay đổi theo:

  • Bản chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh đang được điều trị.
  • Có phối hợp với các phương pháp điều trị khác hay không.
  • Có phối hợp với các bệnh lý nghiêm trọng nào khác hay không.

Các tác dụng phụ của corticoid là gì?

Khả năng xuất hiện tác dụng phụ của corticoid phụ thuộc vào liều lượng, loại corticoid sử dụng và thời gian sử dụng. Các tác dụng phụ sẽ có các mức độ từ nhẹ đến nặng. Tác dụng phụ thường gặp của corticoid phải kể đến như:

  • Làm tăng cảm giác thèm ăn nên dễ gây tăng cân.
  • Mất kali. 
  • Yếu cơ.
  • Rậm lông.
  • Làm mỏng da. 
  • Dễ bầm tím da. 
  • Giảm sức đề kháng.
  • Mụn trứng cá.
  • Loãng xương dễ dẫn đến gãy xương. 
  • Làm bệnh đái tháo đường trở nên tồi tệ và khó kiểm soát hơn.
  • Huyết áp tăng.
  • Kích ứng dạ dày tá tràng, có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Dễ kích động, bứt rứt. 
  • Khó ngủ. 
  • Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp gây nhìn mờ.
  • Kinh nguyệt không đều. 
  • Giữ nước gây sưng phù.
  • Chậm lành vết thương.
  • Gây béo phì, chậm phát triển và co giật ở trẻ em nếu sử dụng kéo dài. 
  • Rối loạn tâm thần bao gồm: trầm cảm, hưng cảm, mất ngủ, thay đổi tâm trạng và thay đổi tính cách.
  • Gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Làm giảm hiệu quả của vắc xin và kháng sinh. 
  • Teo tuyến thượng thận khi sử dụng corticoid lâu dài, dẫn đến việc cơ thể không thể sản xuất được nội tiết tố cortisol. 
  • Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. 
  • Suy tuyến thượng thận cấp tính do dừng đột ngột corticoid sau khi sử dụng kéo dài. Đây là một cấp cứu nội khoa với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tụt huyết áp và sốc, dễ dẫn đến tử vong nếu không kịp thời điều trị. 

Những tác dụng phụ trên đây là những tác dụng phụ phổ biến nhất. Các tác dụng phụ này thường chỉ xảy ra khi sử dụng corticoid đường toàn thân. Đối với corticoid tại chỗ rất hiếm khi xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong thời gian sử dụng thuốc, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì bạn cần báo ngay cho bác sĩ.

Có phải ai cũng mắc tác dụng phụ khi sử dụng corticoid?

Không phải tất cả bệnh nhân đều sẽ mắc các tác dụng phụ kể trên. Thông thường, sự xuất hiện các tác dụng phụ thường liên quan mật thiết đến cách sử dụng corticoid. 

Nếu sử dụng corticoid ngắn ngày (từ vài ngày đến vài tuần) có thể không có tác dụng phụ nào xảy ra. Ngoài ra, tác dụng phụ thường không xảy ra khi tiêm corticoid để điều trị viêm khớp, viêm gân hoặc viêm túi thanh mạc. 

Tuy nhiên, nếu sử dụng corticoid liều cao và kéo dài (trong vài tháng đến vài năm) thì các tác dụng phụ rất dễ xảy ra. Việc sử dụng corticoid liều cao và kéo dài chỉ thích hợp để điều trị các bệnh lý nặng gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của corticoid?

Để giảm thiểu tác dụng phụ của corticoid cần tuân thủ một số hướng dẫn sau:

  • Chỉ sử dụng corticoid khi thật cần thiết.
  • Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để phát hiện sớm các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Nên ưu tiên sử dụng corticoid dạng tại chỗ trong một số trường hợp nhất định. 
  • Sử dụng liều nhỏ nhất có thể kiểm soát được bệnh.
  • Giảm liều dần dần nhưng đảm bảo là bệnh vẫn được kiểm soát tốt.
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên và điều trị nếu cần thiết.
  • Theo dõi mật độ xương, đồng thời sử dụng thêm thuốc và các thực phẩm để giúp tăng sức khỏe cho xương.

(ICondom chuyển ngữ từ Clevelandclinic – Medicinenet)