5/5 - (1 bình chọn)

Triệu chứng khó thở thường liên quan mật thiết đến các bệnh lý về đường hô hấp, ít ai nghĩ nó có thể liên quan đến bệnh lý trào ngược dạ dày. Vậy tại sao trào ngược dạ dày gây khó thở? Làm sao để khắc phục tình trạng này? Các bạn hãy theo dõi bài viết của ICondom để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!

Tìm hiểu về tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở

Hiện tượng trào ngược dạ dày xảy ra khi dịch axit trong dạ dày bị đẩy ngược lên vị trí cao hơn của ống tiêu hóa. Theo ThS.BS Cao Ngọc Tuấn (Phó Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM), tỷ lệ người mắc bệnh trào ngược dạ dày hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Theo ước tính, tại Việt Nam có hơn 7 triệu người đang bị mắc bệnh trào ngược dạ dày. Tình trạng trào ngược dịch axit khiến đời sống sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này gồm:

  • Người bị viêm loét dạ dày, thoát vị cơ hoành hoặc suy cơ thắt dưới thực quản.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Người uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ ăn chua cay, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ.
  • Người lười vận động, thường xuyên nằm ngay sau khi ăn.
  • Người hút thuốc lá.
  • Người sử dụng các loại thuốc sau: thuốc kháng histamin, thuốc trị hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs,…
  • Phụ nữ mang thai (đặc biệt là 3 tháng cuối của thai kỳ).

Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày là ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, hôi miệng, đắng miệng, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, khàn tiếng, ho, hen suyễn, khó nuốt, đau tức vùng thượng vị. Ngoài ra, khó thở cũng là một triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, triệu chứng khó thở thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở tình trạng nặng nên nó ít được đề cập đến. Thậm chí, có nhiều người không hề biết bệnh trào ngược dạ dày có thể gây khó thở.

Trào ngược dạ dày gây khó thở xảy ra khi nào?

Bệnh trào ngược dạ dày có thể làm cho người bệnh cảm thấy khó thở trong các trường hợp sau:

Khi dịch axit làm ảnh hưởng đến đường hô hấp

Khi dịch vị dạ dày bị đẩy ngược lên đến vùng hầu họng có thể xâm nhập vào đường dẫn khí, khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Ngoài ra, các thành phần có trong dịch vị dạ dày (thức ăn, axit HCL, enzyme pepsin) còn gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến tình trạng viêm, khiến người bệnh bị ho, có nhiều đờm trong cổ họng, khó thở.

Khi thực quản chèn ép đường hô hấp

Dịch vị dạ dày có tính axit nên sẽ kích thích các niêm mạc ở thực quản. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến thực quản bị sưng lên và chèn ép vào các cơ quan bên cạnh, trong đó có khí quản. Khi đó, đường kính của khí quản bị thu hẹp, cản trở luồng khí lưu thông, làm cho người bệnh cảm thấy khó thở.

Khi hệ thần kinh bị kích thích

Quá trình di chuyển ngược của dịch vị dạ dày không chỉ làm tổn thương niêm mạc thực quản mà còn kích thích các dây thần kinh ở thực quản. Sự kích thích này sẽ khiến các cơ ở vùng ngực bị co rút, chèn ép vào đường thở khiến người bệnh cảm thấy khó thở.

Trào ngược dạ dày gây khó thở để lâu không chữa có nguy hiểm không?

Triệu chứng khó thở thường chỉ gặp khi bệnh trào ngược dạ dày đã chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng. Do đó, nếu tình trạng trào ngược không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:

Tổn thương đường hô hấp

Hiện tượng trào ngược dạ dày có thể khiến dịch axit tràn trào phổi, gây ra hiện tượng kích ứng phổi, viêm phổi và một số vấn đề về đường hô hấp như:

  • Viêm họng.
  • Ho, khàn giọng.
  • Thở khò khè.
  • Viêm xoang.
  • Viêm thanh quản.
  • Khiến các triệu chứng của bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn.
  • Có dịch trong phổi.

Hẹp thực quản

Tình trạng viêm thực quản kéo dài do trào ngược dịch axit có thể khiến lòng thực quản bị chít hẹp, cản trở sự lưu thông của thức ăn xuống dạ dày. Người bị hẹp thực quản sẽ gặp phải các tình trạng sau: khó nuốt, dễ bị nghẹn, bị đau khi nuốt thức ăn,…

Bệnh barrett thực quản

Bệnh barrett thực quản xảy ra khi phần dưới của thực quản bị tổn thương do trào ngược axit kéo dài. Người bị bệnh barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản rất cao.

Ung thư thực quản

Niêm mạc thực quản bị tổn thương do dịch axit trong thời gian dài có thể hình thành khối u ác tính. Khi khối u phát triển với kích thước lớn hơn sẽ phá vỡ thành thực quản. Bên cạnh đó, các tế bào ung thư cũng có thể di chuyển sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ thống bạch huyết.

Cách khắc phục tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở hiệu quả

Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở hiệu quả:

  • Thăm khám thường xuyên: người bệnh nên thăm khám thường xuyên để biết chính xác tình trạng bệnh và được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách điều trị phù hợp.
  • Sử dụng thuốc: một số loại thuốc được dùng để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày gồm thuốc ức chế H2 (Famotidine, Cimetidin,…), thuốc ức chế bơm proton (Lansoprazole, Omeprazole,…), thuốc làm tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới (Domperidone, Metoclopramide,…), thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (Domitazol, Alginate, Misoprostol,…). Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: người bệnh nên lựa chọn nguồn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, đạm, chất béo có lợi, hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm có vị chua,…
  • Thay đổi thói quen ăn uống: thay vì ăn quá nhiều trong một bữa, người bệnh nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không ăn vào buổi tối muộn và trước khi đi ngủ.
  • Giảm cân: lượng mỡ thừa ở phần bụng gây áp lực lên dạ dày, dẫn đến tình trạng trào ngược. Do đó, nếu đang bị thừa cân, béo phì thì người bệnh nên giảm cân để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày.
  • Nâng cao đầu giường: việc nâng đầu giường cao hơn bình thường khoảng 15 độ sẽ giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày trong khi ngủ.
  • Lựa chọn trang phục hợp lý: người bệnh nên lựa chọn quần áo rộng rãi, không đeo thắt lưng quá chặt để tránh gây áp lực lên vùng bụng.
  • Từ bỏ các thói quen xấu: người bệnh nên dừng ngay việc hút thuốc lá, uống rượu bia, thức quá khuya, lười vận động, nằm ngay sau khi ăn,…

Tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó người bệnh cần đặc biệt chú ý và nên áp dụng các biện pháp khắc phục sớm nhất có thể.

Xem thêm