5/5 - (1 bình chọn)

Cơn đau do thoát vị đĩa đệm mang lại khiến bạn đau đớn, mất ngủ mỗi đêm. Bạn phân vân “mổ thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng gì không, có nguy hiểm không? Có nên mổ thoát vị đĩa đệm hay không?” khi được bác sĩ đề xuất phẫu thuật. Vậy thì hãy cùng ICondom tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm của cột sống lệch ra quỹ đạo ban đầu. Đĩa đệm lệch có thể xảy ra ở một vị trí bất kỳ của cột sống. Phổ biến nhất ở các đốt sống L4, L5, S1 hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Đĩa đệm lệch gây chèn ép dây thần kinh gây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức, tê bì. 

Một số thao tác vận động, chấn thương, lao động quá sức, làm việc sai tư thế tưởng chừng như không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên thờ ơ, chủ quan vì nó chính là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm đấy nhé. Bên cạnh đó, đĩa đệm bị thoái hóa cũng chính là yếu tố thúc đẩy sự tiến triển của thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, khi cân nặng của bạn càng cao thì cột sống phải chịu gánh nặng càng lớn hơn, “con đường” dẫn đến thoát vị đĩa đệm càng ngắn.

Một số triệu chứng điển hình thường gặp ở người bị thoát vị đĩa đệm như:

  • Đau nhức chân tay đặc biệt là vùng cổ, thắt lưng sau đó lan sang các vùng lân cận như cổ tay, chân, vai gáy,…. Cơn đau có thể kéo dài âm ỉ trong vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng. 
  • Tê bì chân tay, vùng cổ và thắt lưng có cảm giác như bị kiến bò, sau đó lan dần xuống chân đến gót chân.
  • Khi đã tiến triển sang giai đoạn nặng, người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, vận động thường ngày như đứng lên, ngồi xuống, đi lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Hậu quả cuối cùng là teo cơ, liệt cơ và mất khả năng vận động.

Có nên mổ thoát vị đĩa đệm không?

Khi nào nên tiến hành mổ thoát vị đĩa đệm?

Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm phù hợp với tình trạng tiến triển của bệnh. Dựa trên kết quả chụp X- quang, MRI (chụp cộng hưởng từ) và tiền sử điều trị trước đó, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân có nên tiến hành phẫu thuật hay không. Theo các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh nên tiến hành mổ thoát vị đĩa đệm khi:

  • Bệnh không thuyên giảm khi điều trị bằng thuốc sau từ 6 đến 8 tuần hoặc người bệnh không đáp ứng với thuốc.
  • Bệnh tiến triển nặng, cơn đau xuất hiện thường xuyên, dai dẳng với mức độ ngày càng gia tăng.
  • Người bệnh bị mất cảm giác ở tứ chi, gặp khó khăn khi vận động.
  • Chức năng của ruột và bàng quang bị ảnh hưởng dẫn đến đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.

Các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm

Với sự phát triển của y học hiện đại, hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật dành cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh cũng như điều kiện kinh tế, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. 

  • Phương pháp mổ mở: Phương pháp này được tiến hành phẫu thuật thông qua một vết mổ nhỏ ở đốt sống, cắt bỏ một phần nhỏ của xương đốt sống để loại bỏ phần tổn thương.
  • Phẫu thuật loại bỏ phần đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh: Đây là loại hình phẫu thuật phổ biến để cắt bỏ phần đĩa đệm bị tổn thương do chấn thương hoặc thoái hóa giúp loại bỏ phần đĩa đệm chèn ép dây thần kinh. Khi cần thiết, bác sĩ có thể xem xét và tiến hành loại bỏ toàn bộ đĩa đệm. 
  • Phẫu thuật thay thế đĩa đệm: Bệnh nhân sẽ được tiến hành gây mê toàn thân để thuận lợi cho quá trình phẫu thuật. Đĩa đệm bị tổn thương, thoái hóa sẽ được loại bỏ và thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo phù hợp. Tuy nhiên, phẫu thuật thay thế đĩa đệm chỉ được áp dụng với đĩa đệm ở phần lưng bị thoái hóa. 
  • Phẫu thuật nối đốt sống: Giúp cố định, định hình các đốt sống và đĩa đệm bị lệch bằng cách ghép xương từ các phần khác của cơ thể hoặc xương của người hiến tặng với sự trợ giúp của các ốc vít, kim loại đặc biệt.

Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào y học giúp quá trình phẫu thuật trở nên thuận tiện hơn. Từ phẫu thuật mổ hở phát triển sang mổ nội soi, dùng tia laser hoặc sử dụng robot được lập trình sẵn. Hiện nay, ứng dụng robot vào quá trình phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là phương pháp hiện đại nhất, cho hiệu quả cao và hạn chế được những rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp có chí phẫu thuật cao nhất.

Mổ thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng gì không?

Bất kỳ một phương pháp phẫu thuật nào cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Điều này làm nhiều người không khỏi lo lắng mổ thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng gì không? Thực tế cho thấy, tỷ lệ thành công và hồi phục của các ca mổ thoát vị đĩa đệm tại Việt Nam lên đên 90% đến 95%, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện quân đội 108,… Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân sau khi phẫu thuật có thể gặp các biến chứng như:

  • Bệnh tái phát trở lại: Theo thống kê của bệnh viện quân đội 108, tỷ lệ tái phát chỉ rơi vào khoảng 5% trên tổng số bệnh nhân. Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc vào tuân thủ điều trị của mỗi người. Nếu bệnh nhân thường xuyên vận động nặng, làm việc sai tư thế hoặc tiếp tục uống quá nhiều rượu thì nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm sẽ rất cao.
  • Nhiễm trùng: Tình trạng này thường gặp với những vết mổ hở, khâu tiệt trùng hoặc sát trùng vết thương không đảm bảo, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu và nhiễm trùng tủy sống, có thể lấy đi sinh mạng của người bệnh nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, đây là một biến chứng khá hiếm gặp nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo vô khuẩn trước và sau phẫu thuật.
  • Tổn thương dây thần kinh: Biến chứng này thường do sai sót trong thao tác phẫu thuật làm ảnh hưởng đến dây thần kinh ở vị trí xung quanh đốt sống tổn thương. Bệnh nhân thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau đột ngột, âm ỉ và dai dẳng.
  • Tổn thương cột sống: Phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm, đốt sống làm cho cột sống dễ bị suy yếu, tăng khoảng cách giữa các đốt sống. Lúc này, cột sống phải chịu áp lực lớn hơn, bệnh nhân có nguy cơ xẹp đốt sống và thoái hóa đốt sống. Đặc biệt, một số loại thuốc gây mê ngoài màng cứng rất dễ làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống. 
  • Liệt chi: Bình thường, tay chân của chúng ta cử động linh hoạt nhờ sự chỉ huy của trung tâm thần kinh (não và tủy sống) phối hợp nhịp nhẹ nhàng với các khớp và dây thần kinh chi phối cơ quan đó. Khi một yếu tố bị tổn thương, quá trình dẫn truyền này sẽ bị gián đoạn. Do ảnh hưởng của quá trình mổ thoát vị đĩa đệm mà dây thần kinh chi phối hoạt động của các chi bị tổn thương dẫn đến liệt chi và mất khả năng vận động.

Mặc dù vậy, mổ thoát vị đĩa đệm vẫn là phương pháp hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo kết quả thống kê của bệnh viện quân y 108, cơn đau có xu hướng giảm sau 2-6 tuần và  các triệu chứng sẽ được cải thiện trong khoảng từ 3-4 tháng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, thời gian hồi phục còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân.

Vì vậy, nhằm hạn chế các biến chứng, giảm khả năng tái phát cũng như tăng khả năng phục hồi sau phẫu thuật, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định điều trị của bác sĩ. “Mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?” ICondom hy vọng sau bài viết này, bạn có thể hiểu hơn về vấn đề “nên hay không nên mổ thoát vị đĩa đệm” và các rủi ro có thể xảy ra

Xem thêm