Uốn ván hay còn gọi là phong đòn gánh, là một bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra, làm tổn thương thần kinh. Tuy nhiên, uốn ván có thể phòng ngừa được bằng vắc xin Te Anatoxal Berna. Cùng ICondom tìm hiểu kĩ hơn về loại vắc xin này qua bài viết sau đây.
Tên chung quốc tế: vắc xin hấp phụ độc tố uốn ván
Tên biệt dược: Te Anatoxal Berna
Sơ lược về bệnh uốn ván
Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng gây co giật và co thắt cơ nghiêm trọng, có thể đủ mạnh để gây ra gãy xương cột sống. Uốn ván gây tử vong với tỉ lệ từ 30 – 40% các trường hợp.
Tiêm vắc xin phòng uốn ván được khuyến nghị cho tất cả trẻ sơ sinh từ 6 đến 8 tuần tuổi trở lên, tất cả trẻ em và người lớn. Tiêm vắc xin phòng uốn ván bao gồm một loạt 3 hoặc 4 mũi tiêm, tùy thuộc vào loại độc tố uốn ván. Ngoài ra, việc tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm cho đến hết đời là điều rất quan trọng. Trong những năm gần đây, 2/3 các trường hợp uốn ván là ở người từ 50 tuổi trở lên. Nhiễm trùng uốn ván trong quá khứ không làm cho bạn miễn dịch với bệnh uốn ván trong tương lai.
Công dụng và cách dùng của vắc xin Te Anatoxal Berna
Tiêm vắc xin Te Anatoxal Berna sẽ kích thích cơ thể tạo kháng thể, cung cấp miễn dịch chống lại bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân chống lại căn bệnh đe dọa tính mạng này. Vắc xin Te Anatoxal Berna thường được sử dụng như một liệu pháp bổ dung sau loạt mũi tiêm kết hợp nhiều bệnh ở trẻ sơ sinh (trong đó có uốn ván).
Có thể cần tiêm Vắc xin Te Anatoxal Berna nhắc lại tại thời điểm bị thương (vết thương hở, sâu, lấm bẩn, bám đất hoặc phân động vật) ở trẻ và người lớn nếu đã được 5-10 năm kể từ khi tiêm mũi vắc xin uốn ván cuối cùng. Tiêm nhắc lại cũng nên được thực hiện mỗi 10 năm, ngay cả khi không có thương tích nào xảy ra. Vắc xin Te Anatoxal Berna hoặc thuốc tiêm kết hợp uốn ván/bạch hầu hoặc uốn ván/bạch hầu/ho gà có thể được sử dụng để tiêm nhắc lại.
Vắc xin được đưa vào cơ thể qua bằng đường tiêm bắp, ở cánh tay trên hoặc đùi trên. Không nên tiêm vắc xin Te Anatoxal Berna cho người đang bị nhiễm trùng. Nếu có thể, hãy lên lịch tiêm phòng sau khi hết bệnh.
Tác dụng phụ của vắc xin Te Anatoxal Berna
Sốt nhẹ, đau khớp, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi. Đau/ngứa/sưng/đỏ tại chỗ tiêm có thể xảy ra. Acetaminophen (paracetamol) có thể được sử dụng để làm giảm các tác dụng này. Nếu bất kỳ tác dụng nào trong số tác dụng kể trên kéo dài hoặc xấu đi, hãy báo cho bác sĩ kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sử dụng vắc xin Te Anatoxal Berna không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tác dụng phụ hiếm gặp: ngứa ran ở tay/chân, các vấn đề về thính giác, khó nuốt, yếu cơ, co giật… phải báo ngay cho bác sĩ.
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp, tuy nhiên cũng có thể xảy ra gồm: phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là ở mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.
Thận trọng khi sử dụng
Trước khi bạn hoặc con bạn sử dụng vắc xin Te Anatoxal Berna, hãy báo cáo cho bác sĩ về: tiền sử phản ứng nặng hoặc dị ứng với vắc xin (ví dụ: tê liệt, bệnh não), rối loạn đông máu (ví dụ: bệnh máu khó đông, số lượng tiểu cầu thấp), tiền sử hội chứng Guillain-Barre, từng sốt cao (hơn 39 độ C) sau khi tiêm vắc xin trước đó, các phản ứng khác (ví dụ: sưng, ngứa tại chỗ tiêm) khi tiêm vắc xin đã từng gặp, rối loạn hệ miễn dịch, bệnh nhiễm trùng, co giật , rối loạn hệ thần kinh (ví dụ: tê, ngứa ran, buồn ngủ cực độ, nhầm lẫn).
Vắc xin này có chứa thủy ngân (trong thimerosal giúp bảo quản) và không nên sử dụng ở trẻ em dưới 7 tuổi.
Khi mang thai, vắc xin Te Anatoxal Berna chỉ nên sử dụng khi cần thiết. Cho đến nay vẫn chưa biết vắc xin này đi vào sữa mẹ hay không, do đó hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng ở phụ nữ cho con bú.
Tương tác thuốc có thể xảy ra
Tương tác thuốc có thể thay đổi hiệu quả phòng bệnh hoặc tăng nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi có bất thường xảy ra, hãy chia sẻ với bác sĩ, không dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.
Một số thuốc có thể tương tác với vắc xin: chất chống đông (ví dụ: warfarin), corticosteroid (ví dụ: hydrocortison, prednison), thuốc trị ung thư, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (ví dụ: cyclosporine, tacrolimus), một vắc xin tiêm chủng gần đây (ví dụ: bệnh bạch hầu, uốn ván).
Sử dụng rượu hoặc thuốc lá cũng có thể gây ra tương tác.
(ICondom chuyển ngữ từ Webmd – Drugs)
Be the first to write a comment.