Hẹp niệu đạo là bệnh lý thường gặp ở rất nhiều nam giới, nhưng không phải ai cũng biết rõ về căn bệnh này. Hẹp niệu đạo là một trong những biến chứng – di chứng nặng nề khi có tổn thương niệu đạo trực tiếp hay gián tiếp bởi nhiều nguyên nhân gây ra.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới, trong bài viết dưới đây, ICondom sẽ chia sẻ những thông tin xoay quanh về căn bệnh này.
Bệnh hẹp niệu đạo
Niệu đạo là một phần quan trọng của hệ tiết niệu – sinh dục. Ngoài nhiệm vụ chính là ống dẫn nước tiểu ra bên ngoài cơ thể ở cả nam và nữ, niệu đạo cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xuất tinh ở nam giới. Niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang để nó có thể bị trục xuất ra khỏi cơ thể.
Ở nam giới khỏe mạnh, niệu đạo là đủ rộng cho nước tiểu chảy tự do qua nó. Hẹp niệu đạo là một sẹo xơ ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo gây cản trở dòng nước tiểu do chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh này là cảm giác tiểu khó, dòng chảy chậm, lượng nước tiểu giảm, có máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân không thể đi vệ sinh như bình thường mà phải được đặt một ống thông trên xương mu để đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Hoặc thậm chí dẫn đến bí tiểu phải đến cấp cứu tại cơ sở y tế.
Nguyên nhân hẹp niệu đạo
Bệnh hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ. Do niệu đạo nam dài hơn nên dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh hơn. Bệnh hiếm khi gặp ở trẻ mới sinh. Ở người lớn, hẹp niệu đạo có thể xảy ra sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, lấy sỏi, đặt ống thông hay làm thủ thuật trong đường tiểu… Ở trẻ em, bệnh thường gặp sau khi phẫu thuật tạo hình các dị tật bẩm sinh, nội soi bàng quang hoặc sau đặt thông tiểu lâu ngày…
Tuy nhiên, một số trường hợp không xác định được nguyên nhân. Bệnh nhân có thể gặp tình huống hẹp niệu đạo là do những nguyên nhân chính như sau: nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia, đã từng được đặt một ống thông tiểu hoặc máy soi vào niệu đạo, bệnh lý tuyến tiền liệt đã được phẫu thuật như mổ mở, mổ nội soi, chấn thương ở vùng chậu – tầng sinh môn: vỡ khung chậu, ngã kiểu xoạc chân trên vật cứng, chấn thương trực tiếp vào dương vật… viêm niệu đạo tái phát nhiều lần.
Phương pháp điều trị bệnh hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo không thể điều trị dứt điểm bằng thuốc mà phải thực hiện các biện pháp can thiệp khác bên ngoài. Phương pháp điều trị rất đa dạng, phụ thuộc vào chiều dài, vị trí và mô sẹo của đoạn hẹp. Các phương pháp điều trị bao gồm: nong làm rộng niệu đạo, cắt đoạn hẹp bằng laser hay dao cắt nội soi, đặt stent, phẫu thuật tạo hình cắt nối dùng vạt da hoặc mảnh ghép.
– Nong niệu đạo: Thường được thực hiện ở phòng khám. Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ sử dụng các que nong với kích thước tăng dần để làm rộng niệu đạo. Ngoài ra, đoạn hẹp cũng có thể được nong bằng một trái bóng đặc biệt trên ống thông. Nong niệu đạo thường không giải quyết triệt để bệnh lý này để nên phải được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều. Thủ thuật có thể gây đau, chảy máu, nhiễm trùng.
– Cắt đoạn hẹp: Một ống soi được thiết kế đặc biệt để đưa vào niệu đạo cho đến khi gặp đoạn hẹp, sau đó dùng một lưỡi dao hoặc sợi laser ở đầu ống soi để cắt đoạn hẹp. Một ống thông được đặt vào niệu đạo trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi vết thương lành. Thời điểm rút ống thông sau khi phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
– Đặt stent niệu đạo: Đặt một stent kim loại vào niệu đạo bằng cách sử dụng một ống soi được thiết kế đặc biệt. Tuy nhiên phương pháp này lại chỉ phù hợp với rất ít trường hợp.
– Tạo hình niệu đạo: Nhiều cách phẫu thuật khác nhau được sử dụng để tạo hình niệu đạo. Không có một phẫu thuật nào là thích hợp cho tất cả các tình huống mà phụ thuộc vào đặc điểm của đoạn hẹp và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.
Hẹp niệu đạo không phải là một bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Vì bệnh lây truyền qua đường tình dục là một trong những nguyên nhân gây ra, sử dụng biện pháp bảo vệ trong khi quan hệ tình dục có thể ngăn chặn một số trường hợp. Khi bị nhiễm trùng, điều trị nhiễm trùng kịp thời và đầy đủ với kháng sinh thích hợp sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này. Tuy nhiên, những trường hợp chấn thương và các bệnh khác liên quan đến hẹp niệu đạo không thể lúc nào cũng tránh được và cần phải đến các cơ sở y tế để có thể chẩn đoán và điều trị.
Tình trạng hẹp niệu đạo nếu không được điều trị thì sẽ diễn tiến đến tắc nghẽn hoàn toàn. Điều này có thể gây bí tiểu đột ngột. Tình trạng này phải được xử lý nhanh chóng. Bệnh để lâu dài không chữa trị có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang và chức năng thận. Hậu quả cuối cùng có thể diễn tiến đến nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, sỏi đường tiết niệu, suy thận, thậm chí vô sinh.
Hy vọng những thông tin trên mà ICondom cung cấp đã giúp bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích về bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới.
Be the first to write a comment.