Hiện nay, các trường hợp mang song thai, đa thai rất phổ biến. 90% trường hợp đa thai là cặp song sinh, 10% còn lại là sinh ba, tư, năm hoặc nhiều hơn. Bất kì phụ nữ nào cũng có khả năng mang song thai, đặc biệt trong các gia đình đã có cặp song sinh.
Việc mang song thai cũng có phần vất vả hơn cá mẹ bầu mang thai một. Hiểu rõ về kiến thức cung như học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ mang song thai là một việc làm hữu ích để có một thai kì thành công.
Dấu hiệu nhận biết mang song thai
- Các dấu hiệu mang thai ở trường hợp song thai thường xuất hiện sớm hơn bình thường. Điều này được giải thích là do nồng độ hCG tăng cao trong máu gây ra các triệu chứng mang thai sớm như buồn nôn và nôn.
- Bụng to sớm hơn bình thường so với tuổi thai, đè lên bàng quang khiến thai phụ đi tiểu thường xuyên. Hiện tượng này thường sẽ giảm đi khi tử cung được nâng cao lên sớm hơn, ra khỏi xương chậu trước 12 tuần.
- Tăng cân nhanh: trong quý đầu thai kỳ bình thường, thai phụ chỉ tăng từ 1 – 2 kg nhưng nếu cân nặng cơ thể tăng nhanh chóng từ khi mới mang thai có thể chính là song thai. Phần lớn các thai phụ mang thai đôi sẽ tăng từ 15 – 20 kg trong toàn bộ thai kỳ, trong khi cân nặng thông thường của thai đơn chỉ từ 12 – 16 kg.
- Thai đạp sớm, tim thai đập nhanh và rõ ngay cả lúc trước khi được 15 tuần, đối với thai đơn thông thường chỉ cảm nhận được cử động thai từ tuần thứ 18-22.
- Thai phụ có thể cảm thấy khó thở do các cặp song sinh đã phát triển nhiều chiếm không gian co giãn của phổi. Đa số thai phụ cảm thấy mệt mỏi cùng cực. Các triệu chứng khác giống như mang thai đơn, tuy nhiên nặng nề hơn một chút (ống nghén, chóng mặt…). Suy tĩnh mạch, bệnh trĩ, chân đau hoặc phù nhiều khiến việc đi lại khó khăn.
Song thai cùng trứng – khác trứng
Song thai khác trứng: trường hợp mang thai đôi tương ứng với hai trứng thụ tinh với hai tinh trùng riêng lẻ tạo nên hai thai. Hai thai này có hai buồng ối và hai bánh rau khác nhau nhưng cùng nằm trong một buồng tử cung. Hai em bé sinh ra trong trường hợp này thường là một năm một nữ, có thể cùng giới tính nhưng đa số không giống nhau hoàn toàn.
Song thai cùng trứng: trường hợp này có một trứng được thụ tinh với một tinh trùng nhưng lại tạo ra hai thai. Hai em bé sinh ra thường có cùng giới tính và gần như giống hệt nhau. Có một số phân loại thai trong trường hợp này như sau:
- Hai buồng ối, hai bánh rau: tuy cùng một trứng nhưng sự phân chia của phôi thai xảy ra rất sớm vào khoảng ngày thứ 3 sau khi thụ tinh. Song thai này phát triển tương tự như song thai khác trứng.
- Một bánh rau, hai buồng ối: trường hợp song thai có sự phân chia phôi xảy ra vào khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 sau khi thụ tinh, song thai này cần được lưu ý vì có nhiều biến chứng của thai nghén (đối với mẹ và con).
- Một bánh rau, một buồng ối: sự phân chia phôi xảy ra vào khoảng từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 13 sau khi thụ tinh. Một số trường hợp song thai dính nhau: dính đầu, ngực, bụng hoặc đặc biệt hơn là thai trong thai.
Các biến chứng của song thai
- Khi siêu âm có thể không biết mang thai song sinh cùng trứng (giống hệt nhau) hoặc khác trứng (không giống hệt nhau). Hai trường hợp này không khác biệt nhau về triệu chứng mang thai nhưng khác nhau về nguy cơ biến chứng thai đôi. Rủi ro mà thai phụ mang song thai gặp phải có thể cao hơn các thai phụ mang đơn thai. Xu hướng tăng các rủi ro theo mỗi tuần của thai kỳ khi thai nhi lớn hơn.
- Tỉ lệ bệnh tật và tử vong cả mẹ và trẻ sơ sinh cao gấp 2-3 lần khi mang thai đôi. Sẩy một hoặc cả hai thai., điều này có thể xảy ra ở bất kì thời điểm nào của thai kì, đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
- Biến chứng sinh non phổ biến nhiều trường hợp mang song thai. Thống kê cho thấy có không quá 50% trường hợp song thai được sinh ra khi tuổi thai hơn 38 tuần.
- Sự bất thường của cặp song sinh phổ biến hơn ở cặp sinh đôi cùng trứng. Đặc biệt là song sinh dính liền, điều này sẽ được thông báo trong quá trình chẩn đoán siêu âm thai kì.
- Các em bé song sinh thường nhỏ hơn về kích cỡ và trọng lượng so với những em bé sinh đơn có cùng tuổi thai.
- Nguy cơ phải mổ lấy thai hoặc sử dụng các hỗ trợ khác tăng cao trong lúc sinh. Nếu muốn sinh thường phải gây tê ngoài màng cứng và cắt tầng sinh môn để các bác sĩ dễ kiểm soát sự chào đời của bé và tránh biến chứng chuyển dạ. Sinh thường chỉ được cho phép khi em bé đầu tiên ở vị trí ngôi đầu (đầu hướng xuống) và em bé thứ hai nặng hơn bé đầu 500g.
- Hội chứng truyền máu song sinh xảy ra khi một thai nhi trở nên lớn khác thường so với thai nhi còn lại, do có sự chia sẻ không đồng đều dòng máu giữa chúng. Tỉ lệ gặp phải khoảng 15% cặp sinh đôi cùng trứng.
- Tỉ lệ nhiễm độc thai nghén tăng cao. Tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và cao huyết áp do mang thai gây ra, hiện tượng đầy ối (quá nhiều dịch ối), tăng khả năng thiếu máu và thiếu sắt.
- Hiện tượng nhau thai quấn cổ thai nhi và làm nghẽn mạch máu nuôi một hoặc cả hai em bé., thai chậm phát triển.
Thận trọng khi mang song thai
Đầu tiên thai phụ phải kiểm tra và siêu âm thai thường xuyên trong suốt thai kì. Vì việc sàng lọc thai nhi vào tuần thứ 18 ở các ca song thai rất khó khăn, đặc biệt là khi thai nhi không nằm ở những vị trí tốt để nhìn thấy rõ ràng. Nên thực hiện kiểm tra Doppler để xem xét về lưu lượng máu truyền qua dây rốn cho mỗi thai nhi. Theo dõi kĩ lượng nước ối để đảm bảo chức năng thận của cả hai em bé vẫn làm việc tốt.
Các thai nhi trong trường hợp mang song thai sẽ phát triển hoàn toàn bình thường trong bụng mẹ giống như một em bé thai đơn khác cho đến giữa tuần thai thứ 32 – 35. Sau giai đoạn này, không gian phát triển trở thành một vấn đề quan trọng. Thai phụ mang song thai sẽ bắt đầu khó chịu và khó có thể hoạt động một cách dễ dàng. Vết rạn da cũng rất phổ biến và nghiêm trọng trong ba tháng cuối thai kì, khi các sợi collagen của da đã dãn ra hết cỡ.
Việc nghỉ ngơi tại nhà là cần thiết. Thậm chí nếu cẩn thận hơn có thể nhập viện theo dõi huyết áp thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ sinh non. Nếu thai phụ mang nhóm máu Rh (-) cần phải được bác sĩ sản khoa hướng dẫn cụ thể, đề phòng việc hình thành kháng thể anti-D trong giai đoạn 28-34 tuần thai.
Những việc cần làm khi mang song thai
Đầu tiên phải luôn luôn có ý thức tự chăm sóc bản thân lên trên hết, ngay từ các hoạt động nhỏ nhất đều phải thận trọng. Ăn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Dù là mang thai rất khó chịu, thai phụ cũng nên dành thời gian đi bộ, vận động nhẹ vừa sức, việc này rất cần thiết để nâng cao sức khỏe cơ bắp, giúp cơ thể chống đỡ tốt hơn ở các giai đoạn sau thai kì.
Tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng về việc bổ sung các vitamin thiết yếu như B9 (axit folic), B12, sắt… như thế nào cho đầy đủ với cả hai em bé trong bụng.
Hãy luôn nhớ rằng mỗi ngày cơ thể mình đang cố gắng gấp đôi các thai phụ khác. Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn nhiều nhất có thể để tránh tình trạng mệt mỏi quá sức. Có thể xin nghỉ phép ở công ty thai phụ đang làm việc khi thai được khoảng 6 tháng tuổi, lên kế hoạch nghỉ sớm để sắp xếp công việc ổn định.
Tham gia các gặp gỡ và trò chuyện với các bậc cha mẹ đã có kinh nghiệm mang thai đôi để tìm ra những kinh nghiệm quý báu thực tiễn nhất, đồng thời hạn chế tâm lý tiêu cực trong giai đoạn ở nhà dưỡng thai.
Chuẩn bị trước về việc dự tính phương thức sinh với bác sĩ sản khoa là vô cùng cần thiết. Điều này không những khiến bạn biết được phải làm thế nào khi chuyển dạ mà còn tạo ra tâm lý chuẩn bị sẵn sàng, an tâm cho chuyến vượt cạn sắp tới của mình.
Be the first to write a comment.