5/5 - (1 bình chọn)

Là mối quan tâm thiết thân của mỗi chị em phụ nữ, ung thư cổ tử cung hiện diện ở xung quanh mỗi chúng ta. Mỗi năm Việt Nam có tới hơn 5.000 ca mắc mới và khoảng 2.500 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung. Như vậy mỗi ngày trung bình có 14 chị em được chẩn đoán mắc bệnh và khoảng 7 chị em phải từ biệt cuộc sống.

Đáng tiếc là rất nhiều trường hợp phát hiện muộn do không nhận diện được các dấu hiệu cảnh báo hoặc biết nhưng nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa khác.

Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em tránh được những nhầm lẫn này để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Ung thư cổ tử cung – căn bệnh nguy hiểm hàng đầu với chị em phụ nữ

Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra với phụ nữ và chiếm khoảng 12% trong số những bệnh lý ung thư thường xảy ra với phái đẹp. Độ tuổi trung bình mắc bệnh từ 40-50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa – cá biệt có người mắc bệnh khi chưa tới 30 tuổi.

Nghiên cứu của bệnh viện K năm 1994 cho thấy cứ 100.000 dân thì có 7.7 người mắc ung thư cổ tử cung (ở miền Bắc). Con số này ở miền Nam là 35 người/100.000 dân (số liệu năm 1997). Tỉ lệ mắc bệnh này chỉ đứng sau ung thư vú.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

  • Nhiễm virus HPV (Human papilloma virus): Phụ nữ nhiễm virus HPV có nguy mắc ung thư cổ tử cung cao, đặc biệt nếu nhiễm virus HPV tuýp 16 và 18 thì khả năng mắc ung thư cổ tử cung cao hơn hẳn. Thống kê của ngành Y tế cho thấy 70% bệnh nhân ung thư cổ tử cung nhiễm 2 tuýp virus này.
  • HPV là loại virus gây u nhú ở người và lây lan chủ yếu qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Khi cơ thể nhiễm loại virus này không có nghĩa là tất cả đều sẽ bị ung thư cổ tử cung (không phải chủng/tuýp virus nào cũng kích hoạt tế bào ung thư phát triển). Tuy nhiên, nếu không có biện pháp theo dõi và phát hiện/xử trí sớm các tổn thương do virus gây ra thì khả năng mắc bệnh sẽ gia tăng.
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40-50.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân (bà ngoại/mẹ ruột/chị em gái ruột) mắc căn bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
  • Quan hệ tình dục bừa bãi và sinh con sớm/ sinh nhiều con: Nếu phụ nữ sinh con trước 17 tuổi (khi bộ phận sinh dục chưa phát triển hoàn thiện) thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn phụ nữ sinh con sau 17 tuổi. Người sinh đẻ nhiều lần sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1-2 lần so với người sinh 1-2 con. Bên cạnh đó, việc quan hệ tình dục bừa bãi (có nhiều bạn tình) cũng làm gia tăng nguy cơ gây bệnh (có thể nhiễm virus HPV từ nhiều nguồn/nhiều người,..)
  • Một số nguyên nhân khác: Hút thuốc lá, uống bia rượu, ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, …

Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung dễ bị bỏ qua

Bệnh ung thư cổ tử cung có thời gian “ấp ủ” kéo dài từ 10-15 năm, thậm chí lâu hơn. Đến khi bệnh biểu hiện bằng cách triệu chứng thì nhiều khả năng đã ở giai đoạn muộn. Điều khó khăn là dù có nhiều dấu hiệu cảnh báo nhưng người bệnh dễ bỏ qua vì thường nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Cụ thể:

  • Âm đạo chảy máu bất thường: Đây là phản ứng đầu tiên của cơ thể khi bệnh ung thư cổ tử cung xuất hiện. Lúc này khối u ác tính xuất hiện trong cổ tử cung khiến chị em bị chảy máu sau khi quan hệ; chảy máu khi đã mãn kinh; chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt (nếu chưa mãn kinh); hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường (máu ra nhiều, màu sẫm); âm đạo tiết dịch nhiều/ ít/ màu sắc bất thường – trong dịch có thể lẫn máu hoặc dịch màu vàng như có mủ, …
  • Đau đớn ở khu vực xương chậu/ lưng hoặc chân: Đây là dấu hiệu cảnh báo tử cung có những thay đổi từ bên trong – tác động đến dây thần kinh ở lưng/ chân và vùng chậu.
  • Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục: Khối u phát triển sẽ khiến những cảm giác về tình dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn/ khó chịu khi quan hệ do sự chèn ép/ phát triển của khối u. Thậm chí với những người mắc bệnh giai đoạn muộn, có thể xuất hiện tình trạng chảy máu sau khi quan hệ tình dục (do khối u bị tác động).
  • Cảm giác đau rát và khó khăn khi đi tiểu: Người bệnh luôn cảm thấy tiểu buốt, tiểu rát; buồn tiểu nhiều lần trong ngày – có thể xuất hiện tình trạng đau khi đi tiểu.
  • Giảm cân nhanh và mệt mỏi: Như các bệnh ung thư khác, ung thư cổ tử cung âm thầm có mặt và lặng lẽ xâm lấn/ tàn phá các cơ quan/ bộ phận trong cơ thể, khiến người bệnh dần cảm thấy mệt mỏi, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân (do dạ dày bị khối u chèn ép dẫn tới chán ăn, ăn không ngon, …).

Ung thư cổ tử cung dễ nhầm với những bệnh nào?

  • Viêm nhiễm âm đạo: Các triệu chứng như âm đạo ra khí hư bất thường, chu kỳ kinh nguyệt thay đổi … cũng có thể chỉ là dấu hiệu của các bệnh lý viêm nhiễm âm đạo thông thường (vệ sinh không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn, thụt rửa quá sâu và thường xuyên,…). Ung thư cổ tử cung thường có đồng thời các triệu chứng – vì thế chú ý lắng nghe cơ thể và cảm nhận những thay đổi là điều quan trọng mỗi chị em nên làm.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Là bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ với biểu hiện chu kì kinh thất thường, lượng máu kinh thay đổi (lúc nhiều lúc ít,…) Rối loạn kinh nguyệt có thể do yếu tố nội tiết/ tâm lý … không nhất là do ung thư cổ tử cung gây nên.
  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Là bệnh phổ biến với chị em phụ nữ với biểu hiện đặc thù: Khí hư ra nhiều, tử cung có dịch nhày dính, vùng kín ngứa hoặc có mùi khó chịu, xuất huyết âm đạo nếu bệnh trở nặng, …

Các biện pháp dự phòng/sàng lọc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc xin ngừa virus HPV: Vắc xin này được tiêm cho bé gái trong giai đoạn 9-26 tuổi và chưa từng quan hệ tình dục (nếu đã quan hệ tình dục, hiệu lực bảo vệ của vắc xin giảm rõ rệt). Đặc biệt, vắc xin này cũng có thể tiêm cho nam giới để phòng tránh bệnh ung thư dương vật.

Hiện nay vắc xin HPV có 2 loại (Ceravix ngừa chủng HPV 16-18 và Gardsil ngừa chủng HPV6-11-16-18). Các loại vắc xin này đều đã có mặt tại hầu hết các bệnh viện lớn hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ trên cả nước với mức giá dao động từ 800.000 – 1.500.000 đồng/liều.

Khám phụ khoa định kỳ: Nên định kỳ 1 năm 2 lần chị em nên khám phụ khoa và làm một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện/sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung.

Một số xét nghiệm/ chỉ định cần có để phát hiện ung thư cổ tử cung

  • ThinPrep Pap Test: Là bước cải tiến của kỹ thuật xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Papsmear). Với xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ phát hiện tế bào bất thường dưới quan sát của kính hiển vi.
  • Xét nghiệm phát hiện virus HPV: Để xác định cơ thể có nhiễm HPV không, là tuýp nào – từ đó đưa ra các biện pháp sàng lọc/ chẩn đoán phù hợp.

Chị em phụ nữ đã và đang quan hệ tình dục được khuyến cáo nên thực hiện các xét nghiệm này 2 năm/lần cho tới khi 70 tuổi.

Có thể nói ung thư cổ tử cung ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện tới sức khỏe, đời sống tinh thần, tâm lý, hạnh phúc của mỗi chị em phụ nữ. Khỏe mạnh hơn sẽ hạnh phúc hơn – mỗi chị em phụ nữ hãy chú ý giữ gìn sức khỏe bằng cách trang bị kiến thức đúng đắn về các loại bệnh, cách phòng bệnh cũng như những biện pháp ứng phó, xử trí với những dấu hiệu cảnh báo bệnh.