Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh cần được thực hiện da tiếp da với mẹ càng sớm càng tốt trong ít nhất là 1 giờ. Vậy lợi ích của việc da tiếp da sau sinh là gì, cùng ICondom tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Phương pháp da tiếp da sau sinh
Khi còn là bào thai, em bé rất gần gũi với mẹ vì chúng luôn được mẹ sưởi ấm, cung cấp thức ăn, nhận sự bảo vệ và nguồn oxy từ cơ thể của mẹ. Sau khi quá trình chuyển dạ xảy ra, em bé đột ngột cảm thấy mình không được tiếp cận với những nhu cầu thiết yếu đó nữa. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích khi cho em bé trải nghiệm da tiếp da sau sinh với mẹ. Khi em bé được giữ trần truồng trên da mẹ, chúng sẽ có cảm giác trở lại trong sự ấm áp và an toàn của tử cung.
Mẹ và bé nên thực hiện da tiếp da trực tiếp ngay khi có thể, trong ít nhất 1 – 2 giờ sau khi sinh. Phương pháp da kề da là em bé không mặc quần áo (trần truồng) và được đặt trên ngực trần của mẹ, giữa ngực. Mặt, bụng, ngực và tay chân của bé áp sát người mẹ không chừa khoảng trống, có thể mặc bỉm và đội mũ đầu cho trẻ. Một tấm chăn mỏng được đắp lên trên để giữ ấm cho cả mẹ lẫn con.
Trường hợp người mẹ không thể thực hiện da tiếp da sau sinh do biến chứng khi chuyển dạ thì người bố có thể thực hiện thay. Trong vài phút từ khi bắt đầu, bạn sẽ thấy những lợi ích của việc chăm sóc da trở nên rõ ràng hơn khi cả mẹ và bé đều nhanh chóng thư giãn, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở và nhịp tim của em bé ổn định hơn.
Những lợi ích tuyệt vời của việc da tiếp da sau sinh
1. Tăng cường liên kết giữa mẹ và con
Mô hình y tế truyền thống khuyến khích các bà mẹ đặt em bé sơ sinh vào máy sưởi hoặc đưa bé cho nhân viên điều dưỡng theo dõi trong khi người mẹ nghỉ ngơi trong phòng. Tuy nhiên, mô hình này đang được thay thế dần dần, các bà mẹ và em bé sẽ được ở cùng nhau từ ngay sau khi sinh trừ khi có tình trạng y tế cần phải tách ra.
Khi mẹ và em bé bị tách ra sau khi sinh, có rất ít cơ hội để tìm hiểu nhau. Việc thực hiện da tiếp da sau sinh cho phép mẹ và bé sử dụng tất cả các giác quan của mình để nuôi dưỡng mối quan hệ mới và quan trọng này.
2. Cải thiện chức năng tim và phổi
Em bé vừa phải trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sau khi được sinh ra, chúng phải bắt đầu việc hít thở những luồng không khí đầu tiên bên ngoài tử cung. Những em bé của các bà mẹ thực hiện da tiếp da có xu hướng thích nghi sớm hơn các bà mẹ không làm.
Em bé có nhịp tim và nhịp thở bình thường hơn và ổn định hơn. Lợi ích này có thể thấy với trẻ sinh non cũng như những trẻ sinh đủ tháng. Có lẽ nhịp tim và nhịp thở của người mẹ đã quá quen thuộc với em bé sau khoảng thời gian nằm trong tử cung khiến bé cảm thấy sự thay đổi môi trường không quá lớn.
3. Ổn định nhiệt độ cơ thể
Khi mang thai, người mẹ duy trì nhiệt độ của con mình bằng cách đổ mồ hôi khi nóng và run rẩy khi lạnh. Tuy nhiên sau khi được sinh ra, em bé vẫn chưa có được khả năng này, vì vậy chúng không thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Trên thực tế, khi nói đến việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh, cơ thể của người mẹ tốt hơn so với máy sưởi nhân tạo. Một nghiên cứu so sánh giữa máy sưởi nhân tạo (lồng ấp), da tiếp da sau sinh với mẹ và da tiếp da với bố cho thấy: cơ thể của mẹ và bố tốt hơn máy sưởi điện rất nhiều trong việc ổn định thân nhiệt trẻ, cơ thể của mẹ thường tốt hơn cơ thể bố một chút.
4. Điều hòa lượng đường trong máu
Em bé sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng. Trước khi sinh, bé nhận nguồn glucose này qua nhau thai, sau khi sinh em bé sẽ lấy nó từ sữa mẹ. Nếu nhu cầu glucose của bé (ví dụ: để tạo ra năng lượng cần thiết giữ ấm) vượt quá những gì bé có thể nhận được từ sữa mẹ hoặc từ gan bé tích lũy khi còn là bào thai, bé sẽ bị hạ đường huyết.
Nguy cơ hạ đường huyết cao hơn đối với những em bé sinh ra từ bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ, do nồng độ insulin trong máu người mẹ này thường cao hơn. Khi số lượng bà mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong thai kỳ tăng lên, số trẻ có nguy cơ bị hạ đường huyết cũng tăng lên. Chăm sóc da kề da trong vài giờ sau khi sinh có thể giúp ổn định lượng đường trong máu của bé.
5. Bắt đầu cho con bú sớm hơn
Một video hấp dẫn của UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc) cho thấy một em bé sơ sinh đang tiến về phía vú của mẹ và ngậm ngay sau khi sinh. Theo tổ chức này giải thích, mỗi đứa trẻ sơ sinh, khi đặt lên bụng mẹ ngay sau khi sinh đều có khả năng tự mình tìm thấy vú của mẹ và quyết định khi nào bắt đầu bú những giọt sữa đầu tiên. Hãy giúp các đứa trẻ xác định vị trí, bám vào người mẹ và bú mẹ trong điều kiện em bé tiếp xúc gần gũi với mẹ: da tiếp da.
Thậm chí nhiều trẻ sơ sinh nằm trong trong phòng NICU (đơn vị hồi sức sơ sinh) có thể được cho ăn bữa ăn đầu tiên ở trên ngực mẹ. Ngoài ra, sự gia tăng hormone oxytocin và prolactin của mẹ trong giờ đầu sau sinh còn giúp tăng sản xuất sữa mẹ về lâu dài. Những bà mẹ gặp khó khăn khi cho con bú có thể được sự cải thiện gần như ngay lập tức nhờ thực hành da tiếp da tối thiểu 60 phút mỗi lần, 1-2 lần mỗi ngày.
6. Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh
Việc truyền các vi khuẩn tốt từ mẹ sang con đối với người mẹ sinh thường qua âm đạo thường tốt hơn so với sinh mổ. Đường đi qua kênh sinh ngã âm đạo cho phép ruột của em bé tiếp xúc với các vi khuẩn tốt trong âm đạo của người mẹ. Các vi khuẩn này không gây nguy hiểm vì bé đã có được kháng thể chống lại đa số các vi khuẩn này từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Một cách khác mà em bé tiếp xúc với vi khuẩn của mẹ là thông qua tiếp xúc da tiếp da sau khi sinh. Vi khuẩn trong âm đạo và trên da của mẹ khác với vi khuẩn được tìm thấy trong phòng cách ly sơ sinh hoặc lồng ấp của bệnh viện, vì vậy việc tiếp xúc sớm sẽ giúp trẻ phát triển một loạt các vi khuẩn khỏe mạnh. Tiếp xúc da tiếp da cũng hỗ trợ cho bé bú sớm.
Một số loại đường phức tạp trong sữa mẹ rất khó tiêu ở trẻ sơ sinh nhưng lại là thực phẩm hoàn hảo cho các loài vi khuẩn tốt bao phủ thành ruột. Các vi khuẩn này giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và bảo vệ bé khỏi vi khuẩn có hại (mầm bệnh). Các chuyên gia tin rằng những vi khuẩn tốt này còn có thể bảo vệ bé chống lại bệnh dị ứng.
7. Ít khóc hơn
Các nghiên cứu cho thấy những em bé được tiếp xúc da tiếp da sau sinh, đặc biệt là với mẹ của chúng, có khả năng khóc ít hơn những đứa trẻ bị tách khỏi mẹ. Tiếp xúc với mẹ trong vòng 20 phút đầu sẽ làm giảm 67 – 72 % nồng độ cortisol (hormone gây stress). Theo góc nhìn khoa học, người ta xem tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh như một tiếng gọi khi bị tách đàn, chú ý rằng đó là một phản xạ tự nhiên của động vật có vú để gọi người mẹ trở lại với con non.
Trong thời kỳ sơ sinh, hầu hết trẻ sơ sinh đều ngừng khóc khi tiếp xúc với mẹ. Nghĩ về mặt nhân học, có thể hiểu rằng em bé sẽ ít khóc hơn khi cảm thấy sự bảo vệ và an toàn từ mẹ.
Bên cạnh đó, không ít cảnh báo về những cơn khóc ngặt nghẽo ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng tới chức năng phổi, làm tăng áp lực nội sọ, trì hoãn việc đóng lỗ thông liên nhĩ và tăng hormone gây stress. Trẻ khóc mà không được đáp ứng, tiếp tục bị cách ly lâu dài với mẹ sẽ chuyển sang giai đoạn thất vọng, hormone gây stress tăng ồ ạt, thân nhiệt của trẻ giảm, nhịp tim giảm và đường huyết cũng giảm.
Tất cả các biểu hiện này rất thường ở trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ, kể cả khi được chăm sóc tại khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh (NICU). Sâu xa hơn, việc cách ly mẹ và con kéo dài trong giai đoạn sơ sinh cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc của trẻ giai đoạn sau này.
8. Tạo điều kiện cho não phát triển tối ưu
Trẻ sơ sinh vừa chào đời, não vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn, chỉ bằng 25% của người lớn. Việc da tiếp da sau sinh là một trải nghiệm cần sự tham gia của nhiều cơ quan cảm giác, giúp trẻ phát triển các đường dẫn truyền thần kinh.
Điều này rất cần thiết cho sự trưởng thành của não, thúc đẩy sự trưởng thành của các hạch hạnh nhân nằm sâu trong trung tâm não, các hạch này liên quan đến quá trình hình thành cảm xúc, hình thành trí nhớ và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm của trẻ sơ sinh. Khi tiếp xúc da với mẹ, đa phần trẻ sẽ ngủ thiếp và dễ dàng đạt trạng thái ngủ sâu tự nhiên, có thể kéo dài 60 phút hơn, rất thuận lợi trong việc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của não.
9. Kích thích hệ tiêu hóa của trẻ giúp tăng cân nhanh hơn
Theo nghiên cứu, sau khi chăm sóc da tiếp da sau sinh 1 giờ, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ hồi phục trở về trạng thái cân bằng tối ưu nhất. Hệ thống dây thần kinh phế vị được kích hoạt, tăng kích thước các vi nhung mao (hệ thống lông) trong lòng ruột của trẻ làm cho diện tích tiếp xúc của ruột tăng lên, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ được cải thiện.
Cho trẻ ở cạnh mẹ cũng làm giảm hàm lượng cortisol và somatostatin giúp trẻ hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ít bị rối loạn tiêu hóa. Trẻ sẽ có xu hướng tăng cân nhanh hơn do không phải sử dụng mỡ nâu (một loại mỡ tốt có sẵn khi sinh) để duy trì thân nhiệt.
10. Tăng cường giao tiếp giữa mẹ và bé.
Thời gian sau khi sinh, em bé sẽ tạo cơ hội cho cha mẹ tìm hiểu về hành vi của em bé ví dụ như dấu hiệu đói, dấu hiệu đầy bụng, dấu hiệu khó chịu… Cho bé tiếp xúc gần gũi với da mẹ giúp đảm bảo mẹ sẽ học được tín hiệu của bé sớm hơn, cải thiện khả năng giao tiếp và tăng cường sự tự tin của mẹ cũng như giúp bé phát triển cảm giác tin cậy và an toàn.
Be the first to write a comment.