Tiểu đường là căn bệnh phổ biến ở lứa tuổi trung niên, đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh diễn tiến âm thầm và rất khó điều trị, có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, gan, thận. Vậy bệnh tiểu đường là gì? Cách phòng tránh và điều trị nào là hiệu quả? Cùng ICondom tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bệnh tiểu đường là gì?
Thuật ngữ này đã được dùng từ thế kỷ 17, được biết đến như là chứng “tiểu xấu” (pissing evil). Đái tháo đường là tình trạng cơ thể không thể sử dụng glucose (đường) nạp vào. Nguyên nhân là do thiếu hụt hormone insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc rối loạn chuyển hóa đường, biểu hiện là tăng đường huyết và lượng đường trong nước tiểu vượt quá ngưỡng cho phép.
Dựa vào từ ngữ này, một số bệnh nhân đã cho rằng nên xét nghiệm đường trong nước tiểu (glucose niệu) để xác nhận có bệnh hay không. Tuy nhiên, đây là một nhầm lẫn. Ngày nay, theo các hướng dẫn y tế trong nước và thế giới, đa số bác sĩ sẽ dùng xét nghiệm định lượng đường trong máu (đường huyết tĩnh mạch) để chẩn đoán và xét nghiệm đường trong máu ở ngón tay (đường huyết mao mạch) để theo dõi bệnh.
Đường huyết được điều hòa thế nào?
Khi thức ăn được đưa vào cơ thể, các thành phần sẽ được phân cắt nhỏ. Đường và carbohydrat được phân cắt và chuyển hóa thành các phân tử glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Gan cũng có chức năng tạo ra glucose cho cơ thể.
Ở người bình thường, hormone insulin sẽ điều hòa lượng glucose trong máu. Khi glucose máu tăng, insulin sẽ kích thích tế bào sử dụng glucose.
Vì vậy, insulin tăng nhiều sau bữa ăn no do đường huyết tăng. Khi nồng độ glucose máu giảm, như sau khi tập thể dục, lượng insulin cũng giảm.
Một hormon khác được dùng để điều hòa đường huyết là glucagon. Chức năng của hormon này ngược với insulin, là làm tăng tiết glucose từ gan.
Phân loại bệnh tiểu đường
Insulin là hormon duy nhất trong cơ thể có khả năng làm giảm đường huyết. Bình thường, insulin được tuyến tụy tiết vào máu, đến và giúp tế bào sử dụng glucose. Dựa vào nguyên nhân vấn đề của insulin được chia thành 2 loại phổ biến là Type 1 và Type 2.
- Type 1 là tiểu đường phụ thuộc insulin, do tụy không tiết được insulin, thường xảy ra ở trẻ em hay người trẻ tuổi (<20 tuổi). Ở những bệnh nhân này sẽ có sự thiếu hụt hoàn toàn hormone insulin, nên cần được điều trị bằng cách sử dụng insulin từ bên ngoài.
- Type 2 có nguyên nhân là tụy giảm tiết insulin hoặc tế bào có sự đề kháng insulin, chiếm khoảng 75% số lượng mắc bệnh tiểu đường. Với nhịp sống công nghiệp khá nhanh như hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 ngày càng tăng. Những đối tượng thừa cân, béo phì có khuynh hướng mắc tiểu đường type 2.
- Ngoài ra còn có tiểu đường thai kỳ, xảy ra ở phụ nữ mang thai chưa từng mắc tiểu đường trước đó nhưng lại có đường huyết cao trong thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở khoảng 4% phụ nữ mang thai, có thể chấm dứt sau sinh hoặc có thể tiến triển thành tiểu đường type 2.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì?
- Triệu chứng chính của tiểu đường là bộ tứ: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều.
- Người bệnh sẽ tăng khát nước, tăng cảm giác đói và tăng số lần tiểu tiện, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và sụt cân, giảm cơ.
Những triệu chứng này sẽ xảy ra và tiến triển khá nhanh ở người mắc type 1 (khoảng vài tuần), trong khi ở người mắc type 2, triệu chứng sẽ không rõ ràng ở giai đoạn đầu và biểu hiện từ từ trong thời gian dài (vài năm) nên bệnh thường được chẩn đoán muộn.
Biến chứng của bệnh tiểu đường là gì?
- Sự vượt ngưỡng của glucose máu sẽ phá hủy hệ thống mạch máu của cơ thể. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các tổn thương trên các cơ quan khác nhau của cơ thể. Trong chuyên môn y khoa, có thể phân loại thành biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn.
- Các biến chứng nguy hiểm thường gặp như bệnh tim, suy thận, tổn thương thần kinh, võng mạc (có thể dẫn đến mù lòa), bất lực, đột quỵ, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
- Khi không kiểm soát được tình hình bệnh, người bệnh sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng, thường gặp là nhiễm trùng và hoại tử chi dưới (có thể dẫn đến cắt cụt nếu nghiêm trọng).
Phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường
- Lối sống chính là vấn đề quan trọng nhất. Để phòng bệnh cũng như kiểm soát bệnh ổn định và giảm biến chứng, chúng ta cần có thói quen tốt: ăn uống khoa học (xem thêm trong bài “chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường”), kiểm soát cân nặng, giảm stress, ngủ đủ và đều đặn, ngừng hút thuốc và tăng tập luyện.
- Lượng đường trong máu cần được theo dõi thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm. Người khỏe mạnh nên thực hiện khám tổng quát sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng.
- Ở người đã mắc bệnh, lượng đường trong máu càng cần được theo dõi thường xuyên, tôn trọng tư vấn y tế và tuân thủ lịch khám định kỳ nhằm đảm bảo bệnh luôn được kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng.
- Dùng thuốc đúng và đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Các thuốc đường uống sẽ được ưu tiên trong điều trị tiểu đường type 2. Với tiểu đường type 1 và các trường hợp tiểu đường type 2 không kiểm soát, việc điều trị bằng insulin là cần thiết.
- Người bệnh cần được tư vấn chính xác về các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc (như hạ đường huyết, tăng cân, ….), cần thông báo với bác sĩ khi sử dụng thêm các thuốc khác (ví dụ khi điều trị các bệnh ở chuyên khoa khác hoặc sử dụng thêm thực phẩm chức năng,…)
- Việc tầm soát, điều trị và theo dõi cần được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để luôn đảm bảo được sự chính xác, hiệu quả, tiết kiệm và an toàn.
Be the first to write a comment.