5/5 - (1 bình chọn)

Xơ gan là một trong những bệnh về gan mà khá nhiêu người đã và đang gặp phải, đặc biệt là những người sử dụng nhiều bia, rượu và mắc bệnh viêm gan B, viêm gan C,…. Vậy nguyên nhân gây bệnh xơ gan do đâu, bệnh xơ gan có nguy hiểm không và có chữa được không?

Hãy cùng tham khảo để có đầy đủ kiến thức về căn bệnh này, nắm bắt được nguyên nhân, triệu chứng và biết được mức độ nguy hiểm của bệnh nhằm có biện pháp phòng tránh và chữa trị hiệu quả nếu mắc bệnh. 

Nguyên nhân gây bệnh xơ gan

Xơ gan là giai đoạn muộn của tình trạng sẹo (xơ hóa) của gan được gây ra bởi nhiều bệnh lý về gan như viêm gan cấp và mãn tính, viêm gan do nhiễm độc từ thuốc, gan nhiễm mỡ, ứ mật,… mà nguyên nhân gây xơ gan có thể là do:

  • Sử dụng bia rượu: Việc sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có cồn trong một thời gian dài sẽ dễ dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ và sau đó tiến triển thành xơ gan.
  • Do mắc bệnh truyền nhiễm do virus: Những người bị nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C sau một thời gian dài mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách cũng có thể dẫn tới bệnh xơ gan. 
  • Nhiễm ký sinh trùng: Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thường xuyên ăn thực phẩm, thức ăn tươi sống như rau sống, gỏi, tiết canh,…  dễ bị nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan gây bệnh sán lá gan và có thể gây tăng huyết áp tĩnh mạch dẫn tới bệnh xơ gan do sán.
  • Xơ gan do ứ mật: Mật đọng lại do viêm hoặc tắc hay sỏi mật sẽ gây ảnh hưởng đến lá gan cũng như các tế bào gan, từ đó có thể gây bệnh xơ gan.
  • Béo phì: Béo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ và khi gan bị nhiễm mỡ thì nguy cơ bị xơ gan, suy gan là rất cao.
  • Hút thuốc: Hóa chất độc hại có trong khói thuốc có thể gây sưng viêm, xơ gan, ung thư gan.

Triệu chứng của bệnh xơ gan

Triệu chứng của bệnh xơ gan được chia làm 2 giai đoạn là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.

Triệu chứng của bệnh xơ gan còn bù

Xơ gan còn bù (hay còn gọi là xơ gan giai đoạn đầu) là giai đoạn các tế bào gan mới bắt đầu bị xơ hóa. Biểu hiện của xơ gan giai đoạn còn bù này không rõ rệt, các triệu chứng sớm nhất thường gồm:

  • Người bệnh cảm thấy khó chịu, ăn không tiêu, đầy bụng và rối loạn tiêu hóa.
  • Cơ thể mệt mỏi và có thể bị sốt nhẹ thường vào buổi chiều.
  • Đau nhức dưới hạ sườn bên phải và mức độ tăng dần theo thời gian.
  • Nước tiểu có màu vàng sậm mỗi khi đi tiểu.
  • Xuất hiện các mao mạch hình sao ở ngực, bàn tay, lưng, chân mẩn đỏ.
  • Ở nam giới còn có biểu hiện tinh hoàn teo nhỏ, da bìu chảy xệ, có thể bị liệt dương. Còn ở nữ giới có biểu hiện vô kinh. Cả nam giới và nữ giới đều có biểu hiện suy giảm ham muốn tình dục.

Triệu chứng của bệnh xơ gan mất bù

Khi bệnh xơ gan giai đoạn còn bù không được chữa trị hiệu quả sẽ chuyển sang giai đoạn mất bù (hay còn gọi là xơ gan giai đoạn cuối) do các tế bào gan xơ hóa hoàn toàn. Triệu chứng của xơ gan mất bù thường là:

  • Bụng phình to do hiện tượng ứ dịch cổ trướng
  • Suy kiệt sức lực, giảm cân nhanh trong thời gian ngắn.
  • Chân bị phù, mềm và khi ấn vào có vết lõm.
  • Rối loạn tiêu hóa ngày càng nghiêm trọng hơn, người bệnh còn đi đại tiện ra phân màu đen.
  • Da vàng.
  • Có thể bị hôn mê và nửa tỉnh nửa mơ do gan không thể lọc được amoniac khiến não bị nhiễm độc dẫn tới tình trạng trên.

Bệnh xơ gan có lây không và có nguy hiểm không?

Trên thực tế thì bệnh xơ gan không lây truyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân gây xơ gan như do uống rượu hay mắc bệnh đường mật kéo dài, nghẽn tĩnh mạch gan, rối loạn miễn dịch, nhiễm sán,…. Trong đó nguyên nhân xơ gan do nhiễm siêu vi rút viêm gan B, C là bệnh lây qua đường máu, lây qua đường tình dục và lây từ mẹ sang con khi mang thai.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng lây nhiễm siêu vi rút viêm gan B, C dẫn đến xơ gan thì mọi người không nên tiếp xúc vết thương hở, truyền máu, sử dụng chung bơm kim tiêm hay có quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh viêm gan B, C.

Bệnh xơ gan cũng là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Xuất huyết do giãn tĩnh mạch: Gan bị xơ làm dòng máu đi qua bị cản trở, làm tăng áp lực tại tĩnh mạch dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình dạ dày. Khi giãn đến một mức độ nào đó thì tĩnh mạch sẽ bị vỡ dẫn đến nôn ra máu, đại tiện ra máu, dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Xơ gan cổ trướng: Xơ gan cổ trướng là biến chứng giai đoạn nặng của xơ gan. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì người bệnh có nguy cơ tử vong cao do vỡ tĩnh mạch thực quản, máu chảy ồ ạt.
  • Suy thận: Có khoảng 14 – 25% người mắc bệnh xơ gan gặp biến chứng suy thận và thường gặp ở những người mắc bệnh xơ gan cổ trướng. 
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: Do gan tham gia vào các chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Khi gan bị xơ hóa đồng nghĩa với chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể giảm khiến cho các nhiễm trùng do vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và phát triển.
  • Ung thư gan: Bệnh xơ gan do virus có khả năng biến chứng thành ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Bệnh xơ gan có chữa được không và phác đồ điều trị bệnh xơ gan là như thế nào?

Bệnh xơ gan có chữa được không thì nó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, nếu được phát hiện bệnh sớm khi mới phát bệnh và điều trị kịp thời thì sức khỏe người bệnh có thể bình phục, thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Còn nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, giai đoạn xơ gan mất bù, xơ gan cổ trướng thì việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn, thậm chí có thể chuyển sang ung thư gan.

Do vậy, khi có những yếu tố nguy cơ và có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh xơ gan thì người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa về gan để được thăm khám, kiểm tra, tư vấn và điều trị hiệu quả.

Việc điều trị bệnh xơ gan cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh lý cụ thể (xơ gan còn bù hay xơ gan mất bù,…) của người bệnh. Chính vì thế, bệnh nhân cần xác định nguyên nhân gây ra bệnh xơ gan, tình trạng bệnh lý cụ thể của mình và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Người bệnh cần lưu ý không được tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ và cũng không được bỏ dở liệu trình điều trị kể cả khi thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm. Việc này vô hình trung sẽ khiến cho bệnh thêm nặng hơn và nguy hiểm hơn,….

Bên cạnh việc điều trị theo đúng phác đồ và chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh và làm việc quá sức, hạn chế thức khuya, tập thể dục thể thao đều đặn và giữ cho tinh thần thoải mái,…

Bệnh nhân bị xơ gan cần có chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn những loại thực phẩm giàu protein, vitamin, chất xơ và omega,… Cần hạn chế những món ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường và những món nhiều cholesterol, hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích.