Đau bụng khi mang thai là tình trạng rất thường gặp, đa phần không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, đau bụng gặp trong thai kỳ trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu bệnh lý cần sự can thiệp y tế kịp thời. Vậy dấu hiệu đau bụng khi mang thai nào không đáng lo ngại, còn khi nào thì cần đến bệnh viện?
Các tình huống đau bụng khi mang thai không nguy hiểm cho sức khỏe sản phụ và con
Nếu các triệu chứng đau bụng khi mang thai dưới đây có cường độ trung bình và biến mất khi sản phụ thay đổi tư thế, nghỉ ngơi hay sau khi xì hơi hay sau đại tiện thì không đáng lo. Đây chỉ là sự co cơ do giữ một tư thế quá lâu hoặc tăng áp lực ổ bụng thoáng qua kích thích gây đau bụng.
Đau dây chằng tròn
Sản phụ có cảm giác đau bụng ở vùng bụng dưới và hông, xảy ra sau một gắng sức như hắt xì, ho, cười lớn, đứng lên quá nhanh.
Đây là tình trạng thường gặp ở sản phụ, nó thường xuất hiện vào tam cá nguyệt thứ 2 và là những dấu hiệu của đau dây chằng tròn. Dây chằng tròn là dây chằng treo tử cung, khi thai càng lớn, dây chằng càng căng để giữ lấy tử cung và điều này khiến sản phụ thấy đau bụng.
Hãy chườm ấm lên bụng, tránh các thay đổi tư thế quá nhanh, cong hông trước khi ho để giảm đau.
Sản phụ nên cong hông trước khi ho để tránh làm căng dây chằng tròn đột ngột
Táo bón
Đây cũng là một nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai. Để tránh táo bón, sản phụ cần ăn nhiều chất xơ, luyện tập thể dục thường xuyên để các cơ được vận động phù hợp, uống nhiều nước, sản phụ có uống sắt trong thai kỳ cần thực hiện các điều này nhiều hơn vì sắt có thể làm sản phụ táo bón- hãy hỏi bác sĩ sản khoa của bạn về điều này.
Cơn gò tử cung
Sản phụ có cảm giác thắt chặt vùng bụng, không gây đau đáng kể, kéo dài khoảng vài giây. Đây là biểu hiện của Cơn gò tử cung Braxton Hicks.
Cơn gò tử cung Braxton Hicks được các bác sĩ tin rằng đóng vai trò trong việc làm co cơ tử cung và thúc đẩy dòng máu tới nhau thai, được kích hoạt bởi tình trạng thai đang cử động, mẹ đang vận động gắng sức, khi sờ vào bụng sản phụ, khi bàng quang đầy. Nếu tình trạng không mất đi sau 30 phút nghỉ ngơi, sản phụ nên liên lạc với bác sĩ.
Đau bụng khi mang thai: Khi nào nguy hiểm, cần đến gặp bác sĩ?
Nếu bị đau bụng khi mang thai với các biểu hiện dưới đây, hãy nghĩ tới những khả năng không tích cực và tới khám với bác sĩ càng sớm càng tốt:
Dấu hiệu đau bụng cảnh báo thai ngoài tử cung
Sản phụ đau bụng một bên, đau âm ỉ mức độ trung bình đến nặng, kèm theo chảy máu từ âm đạo hoặc kèm đau vai hoặc cảm thấy khó chịu khi đại tiện hay tiểu tiện, các triệu chứng thường xuất hiện từ tuần thứ 4 đến 12.
Đau bụng kiểu này dễ cảnh báo tình trạng thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng mà thai không làm tổ trong tử cung mà nằm ngoài tử cung, vi trí thường gặp nhất là tai vòi. Bác sĩ sẽ chấm dứt thai kỳ này bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn nếu bạn có các triệu chứng này.
Dấu hiệu đau dọa sảy thai
Sản phụ sẽ thấy có máu chảy từ âm đạo rồi sau đó bắt đầu thấy đau bụng. Đây là biểu hiện nghi ngờ dọa sẩy thai. Hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Tuy nhiên bạn chớ lo lắng quá mức nếu gặp tình trạng này bởi chảy máu âm đạo cũng khá phổ biến ở tam cá nguyệt thứ nhất mà không có nguyên nhân bệnh lý gì.
Dấu hiệu đau bụng cảnh báo tiền sản giật nặng
Sản phụ thấy đau bụng kèm theo chóng mặt, đau đầu, nhìn mờ, phù tay chân mặt, và nặng nhất là sản phụ co giật. Đây là dấu hiệu điển hình của tiền sản giật nặng
Đây là tình trạng sản phụ có huyết áp tăng xảy ra từ tuần thứ 20, tiền sản giật là bệnh lý sản khoa nặng có thể gây tử vong mẹ và gây sinh non. Sản phụ cần nhập viện ngay.
Dấu hiệu đau bụng dọa sinh non
Sản phụ thấy đau bụng kèm với sự xuất hiện của cơn gò tử cung, có thể có hoặc không sản phụ thấy có nước hay nhớt hồng chảy ra từ âm đạo, xảy ra tại thời điểm tuổi thai còn xa ngày sự sanh. Đây là dấu hiệu của dọa sinh non. Sản phụ cần được nhập viện ngay.
Dấu hiệu đau bụng cảnh báo nhau bong non
Sản phụ đau bụng kèm chảy máu âm đạo, cơ thể cảm thấy lạnh thường là dấu hiệu của nhau bong non, có thể gây suy thai. Sản phụ cần được nhập viện ngay.
Nhau bong non có nguyên nhân không rõ ràng nhưng các nghiên cứu cho thấy một số yếu tố nguy cơ khi giảm sẽ làm giảm tỉ lệ nhau bong non như: Tránh hút thuốc, uống rượu, sử dụng thuốc phiện trong quá trình mang thai; tránh xa các hoạt động mà có nguy cơ cao gây chấn thương cũng là điều hết sức quan trọng. Sản phụ khám thai theo lịch sẽ được bác sĩ căn dặn kỹ về các biểu hiện cần nhập viện nếu siêu âm có dấu hiệu của nhau bong non.
Sản phụ đau bụng khi mang thai do nhiễm trùng tiểu
Sản phụ thường sẽ thấy đau bụng vùng hông lưng, và đau tăng khi tiểu tiện, có thể kèm theo hoặc không tình trạng sốt cao. Đây là các biểu hiện hướng tới nhiễm trùng tiểu. Đây là tình trạng thường gặp trong thai kỳ. Sản phụ sẽ được bác sĩ kê toa kháng sinh và hướng dẫn vệ sinh vùng kín, mặc đồ thoáng mát.
Viêm ruột thừa – Bệnh lý ngoại khoa gây đau bụng khi mang thai thường gặp nhất
Sản phụ có tình trạng đau bụng quanh rốn, sau đó lan xuống vùng bụng dưới bên phải có thể kèm theo hoặc không tình trạng buồn nôn, nôn, tuy nhiên, trong một số trường hợp không điển hình, sản phụ chỉ đau bụng âm ỉ mà không có các dấu hiệu gợi ý khác. Viêm ruột thừa là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa có thể gây các biến chứng nặng nề nếu điều trị không kịp thời.
Đau bụng khi mang thai là tình trạng phổ biến, đa phần đau bụng chỉ thoáng qua và hoàn toàn lành tính. Nhưng đau bụng trong khi mang thai cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý cần được can thiệp y tế kịp thời để tránh các biến chứng cho mẹ và con. Sản phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch, có chế độ ăn giàu chất xơ uống và nhiều nước, tập thể dục dành cho mẹ bầu và chú ý đến các triệu chứng của mình.
(ICondom chuyển ngữ từ Webmd – Healthline)
Be the first to write a comment.