Đau do co thắt tử cung sau sinh hay còn được biết đến với tên gọi đau dạ con là cơn đau khó chịu và gây nhiều lo lắng mà hầu hết các sản phụ đều phải trải qua. Và không phải tất cả các sản phụ đều có những triệu chứng hay mức độ đau giống nhau do còn tùy thuộc vào cơ địa, thể trạng hay các vấn đề sinh lý ở mỗi người. Những thông tin dưới đây hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về chứng co thắt tử cung sau sinh này.
Đau co thắt tử cung gây mệt mỏi và khó chịu cho các mẹ sau sinh
Đau do co thắt tử cung sau sinh là gì?
Đau do co thắt tử cung sau sinh là những cơn đau nhói và co thắt liên tục xuất hiện ở vùng bụng dưới ở mức độ nhẹ, vừa hoặc tăng nặng tùy theo cơ địa và mức chịu đựng ở sản phụ sau sinh. Các cơn đau thường bắt đầu khoảng 24 giờ sau sinh, diễn ra từ 2 đến 4 ngày do sự tăng cường co bóp của tử cung. Đi kèm với từng cơn co thắt là sản dịch được tống ra ngoài, sản dịch có thể có màu đỏ sẫm hoặc đỏ đen.
Các cơn đau được coi là hiện tượng bình thường nếu giảm dần về cường độ hoặc mức độ đau không tăng nặng. Nếu mức độ đau và cường độ đau tăng, cơn khó chịu kéo dài trên 1 tuần kèm theo mất máu và sót nhau thì cần khám với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Vì sao lại xuất hiện cơn đau co thắt tử cung ?
Trong suốt quá trình mang thai tử cung người mẹ đã giãn nở và căng ra để bao bọc lấy thai nhi qua từng giai đoạn phát triển cho đến lúc chào đời nên sau khi sinh tử cung sẽ co bóp để lấy lại trạng thái, kích thước và vị trí ban đầu như trước lúc mang thai. Bên cạnh đó, những cơn co bóp mạnh sẽ giúp tử cung đẩy sạch sản dịch và máu cục ra ngoài nhằm tránh các bệnh hậu sản và nhiễm trùng sau sinh.
Và đặc biệt khi trẻ bú mẹ thì lượng hormone oxytocin được giải phóng sẽ giúp tử cung co thắt lại và nhanh chóng phục hồi.
Cơn đau co thắt tử cung kéo dài bao lâu?
Thông thường, sau khi sinh khoảng 24 đến 48 giờ sản phụ sẽ gặp những cơn đau co thắt tử cung đầu tiên, sau đó cường độ các cơn đau sẽ giảm dần dần và tới ngày thứ 3 sau sinh đa số các sản phụ sẽ thấy dễ chịu hơn.
Một số sản phụ có thể gặp cơn đau kéo dài nhiều ngày hơn với các mức độ đau khác nhau tùy thuộc cơ địa và sự co hồi tử cung khác nhau ở mỗi người như:
- Những sản phụ sinh con so (con đầu) thường ít gặp hoặc mức độ đau ít hơn những sản phụ sinh con rạ (con thứ) do cơ tử cung còn đàn hồi tốt, luôn co chặt còn khi trải qua nhiều lần sinh thì cơ tử cung cũng yếu dần và cần phải co bóp mạnh hơn các lần sinh trước để đẩy máu và sản dịch ra ngoài.
- Sản phụ sinh thường tử cung co nhanh hơn sản phụ sinh mổ.
- Sản phụ cho con bú tử cung cũng co nhanh hơn người không cho con bú hoặc cho bú không thường xuyên (do trẻ bú mẹ giúp hormone oxytocin được giải phóng sẽ giúp tử cung co thắt lại và nhanh chóng phục hồi)
- Sản phụ bị mắc một số bệnh lý như: bí tiểu, trĩ, táo bón, tử cung bị nhiễm khuẩn… thì tử cung sẽ co hồi chậm hơn sản phụ bình thường không mắc bệnh.
Khi tử cung càng nhanh co thì sản phụ càng nhanh hết đau. Và khoảng sau 6 tuần, nếu không xuất hiện các bệnh lý hay biến chứng gì sau sinh thì tử cung có thể phục hồi kích thước như bình thường.
Nên làm gì để giảm đau do co thắt tử cung?
Khi bị đau do co thắt tử cung sẽ khiến sinh hoạt hằng ngày của mẹ trở nên mệt mỏi và khó khăn hơn, vì vậy việc chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau khi sinh cũng gặp không ít trở ngại. Dưới đây là một số cách tốt nhất mẹ nên áp dụng để giảm đau sau khi sinh:
Đi lại sớm nhất khi có thể
Nhằm giảm bớt cảm giác đau dạ con sau khi sinh thì việc tập luyện đi lại nhẹ nhàng cùng di chuyển ngắn là cách hiệu quả nhất. Khi cơ thể mẹ được vận động, các nhóm cơ ở quanh thành bụng cũng như thành tử cung sẽ liên tục được tuần hoàn để đẩy nhanh lượng sản dịch ra ngoài.
Bên cạnh đó, với những mẹ sinh mổ, trong vòng 24 tiếng sau khi sinh thì mẹ nên đứng dậy và đi lại. Tránh nằm nhiều để giảm tình trạng bị dính ruột, nhiễm trùng hậu sản.
Vận động cơ thể ngay cả khi đang nằm
Việc kết hợp giữa sự vận động nhẹ nhàng ngay cả khi đang nằm chờ hoặc nằm nghỉ sau sinh cũng mang lại nhiều lợi ích cho việc hồi phục của mẹ. Vì cơ thể của mẹ sau khi sinh không thường xuyên vận động sẽ khiến các nhóm cơ trở nên kém linh hoạt, lúc này mẹ nên tập vận động nhẹ vùng xương chậu và các cơ ở thành bụng để đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.
Ngoài ra, mẹ nên ngủ ở những tư thế thoải mái như: nằm sấp có đệm gối dưới hông hoặc nằm nghiêng về một phía cùng vài chiếc gối kê quanh thành bụng hoặc sau lưng.
Vận động nhẹ nhàng giúp mẹ thoải mái và giảm cơn đau
Cho con bú thường xuyên
Mẹ nên cho bé bú càng nhiều càng tốt, vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và kháng thể cần thiết cho bé vừa giúp mẹ nhanh co hồi tử cung để nhanh chóng hồi phục.
Massage tử cung
Khi thực hiện các biện pháp massage nhẹ nhàng như chụm các đầu ngón tay và ấn vào khu vực vùng bụng dưới, sau đó xoa bóp theo hình vòng tròn giúp kích thích tử cung nhanh chóng hồi phục và giảm các cơn đau do co thắt tử cung.
Massage nhẹ nhàng sẽ giúp giảm đau dạ con sau sinh hiệu quả
Đi tiểu thường xuyên và đúng cách
Để giảm bớt những cơn đau co thắt tử cung sau khi sinh mẹ nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm giúp tăng cường tuần hoàn trong cơ thể và đẩy lượng sản dịch ra khỏi cơ thể mẹ nhanh hơn. Bên cạnh đó việc uống nước nhiều và đi tiểu thường xuyên sẽ giúp mẹ tránh khỏi viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng tiết niệu và không tạo áp lực lên thành tử cung khi co bóp.
Dùng thuốc giảm đau
Khi các cơn đau gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tâm lý của mẹ và bé, có thể cân nhắc đến việc dùng các thuốc giảm đau sử dụng được đối với phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên, các mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà phải tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và nhân viên y tế để tránh những tác dụng phụ không mong muốn hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ do dùng thuốc gây ra.
Nhìn chung, đau dạ con hay đau co thắt tử cung là một trong những biểu hiện bình thường của cơ thể mẹ sau sinh, không phải tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như các mẹ trước và sau sinh thường lo lắng và sợ hãi. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về chứng co thắt tử cung sau sinh để biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và em bé tốt hơn trong giai đoạn này.
Be the first to write a comment.